Giới trẻ Trung Quốc "nghiện" xem video về ăn uống Những video đánh giá, giới thiệu món hay ghi lại quá trình ăn uống thu hút giới trẻ tại Trung Quốc, đặc biệt là những người độc thân.

Zhang Juan (22 tuổi, sinh viên đại học) tự nhận là người sống khép kín, không giỏi giao tiếp. Phần lớn thời gian nữ sinh đều ở lớp học và thư viện trường.

Zhang không đi chơi với bạn cùng lớp vì không muốn phải chi quá nhiều tiền cho những bữa ăn thịnh soạn hay mua sắm tại các trung tâm thương mại.

"Tôi cũng không thích xem phim truyền hình vì nó tốn nhiều thời gian. Ngoài ra, tôi cảm thấy những vấn đề trong phim đó đã được xử lý theo cách phức tạp và gây cấn để thu hút người xem", Zhang chia sẻ với China Daily.

Cuộc sống của cô sinh viên 22 tuổi "có thêm màu sắc" khi tình cờ xem một video ăn uống trên mạng xã hội.

"Những video đánh giá thức ăn hay chỉ đơn giản là quay lại cảnh họ ăn khiến tôi cảm thấy thoải mái", cô nói.

Không riêng đối với Zhang, những video về chủ đề ẩm thực ngày càng được yêu thích tại Trung Quốc vì sự hấp dẫn của các món ăn.

Bên cạnh đó, chúng được xem là một trong những cách giúp giải quyết vấn đề ăn uống, tâm lý của người trẻ tại quốc gia này.

Sau Han Quoc, toi nguoi tre Trung Quoc nghien nhin nguoi khac an uong hinh anh 1
Người trẻ tại Trung Quốc xem các video giới thiệu, đánh giá thức ăn ngày càng nhiều. Ảnh: China Daily.

Xem người khác ăn uống để tự điều trị

Cao Ting (sống tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc) đã đặt một phần mì cay lớn và cánh gà sốt cay. Sau đó, cô gái 23 tuổi ngồi trước máy quay, ghi lại quá trình ăn uống của mình.

Cô dùng đũa gấp mì cho vào miệng, cắn từng miếng gà và diễn tả hương vị món ăn, làm một vài biểu cảm đáng yêu.

Đoạn video của 9X nhận được sự quan tâm của dân mạng. Không kể thời gian phát trực tiếp, chỉ trong vòng 20 giờ sau đó, đoạn video đã nhận được hơn 150.000 lượt xem.

Rất nhiều ý kiến được đưa ra xung quanh video. Trong đó, nhiều người “cầu cứu": "Chết mất! Tôi cảm thấy rất đói bây giờ", "tại sao cô vẫn có thể thon thả khi ăn bao nhiêu thức ăn", "hãy đợi đấy mọi người, chúng ta có thể ăn sáng trong vài giờ nữa thôi"…

Theo Cosmopolitan, những video tương tự của Cao Ting được gọi là mukbang - một trào lưu xuất hiện tại Hàn Quốc từ năm 2010. Nó được hiểu là "ăn và phát sóng".

Theo China Daily, đến thời gian gần đây, trào lưu này mới nhận được sự quan tâm của giới trẻ Trung Quốc.

Gao Yuanyuan (31 tuổi, sống tại Bắc Kinh) cho biết cô bị rối loạn ăn uống nhiều năm nay do tính chất công việc. Việc ăn trễ, bỏ bữa thường xuyên xảy ra khiến cô không cảm thấy hứng thú trong việc ăn uống. Kể từ khi xem mukbang, Gao thừa nhận rằng những video này đã giúp cô rất nhiều trong việc tự điều trị bệnh.

"Tôi từng dành 5 đến 6 tiếng mỗi ngày chỉ để xem "Dạ dày lớn" (tên của một nhóm người ăn trực tuyến nổi tiếng) ăn món mực chiên hoặc thưởng thức lẩu cay khổng lồ. Chúng khiến bụng tôi cồn cào và tôi phải gọi ngay món ăn tương tự để cùng ăn với họ", cô nói.

Đến hiện tại, Gao đã không còn gặp vấn đề trong việc ăn uống. Tuy nhiên, cô thừa nhận bản thân "nghiện" và phải dừng việc xem các video này vì chúng khiến cô ăn ngày một nhiều hơn.

Sun Ying (32 tuổi, sống tại Hắc Long Giang) cũng cho biết những video mukbang hấp dẫn cô bởi hình ảnh món ăn được sắp xếp đẹp mắt và hơn hết là âm thanh. Đó là tiếng bẻ càng cua, cắn cánh gà hay nhai một món ăn bất kì.

"Tôi thường xem những đoạn video ngắn vào buổi tối. Âm thanh phát ra khi họ ăn khiến tôi cảm thấy thoải mái và ngủ ngon", Sun cho biết.

Nơi làm việc của Sun không có căng tin khiến cô thường gặp rắc rối trong việc lựa chọn nơi ăn mỗi bữa trưa. Từ khi xem mukbang, Sun chọn những nơi ăn uống giống với những người cô thích và không cần phải "đau đầu" chọn lựa.

"Tôi mệt mỏi trong việc suy nghĩ nên ăn gì mỗi ngày, đặc biệt là trong những ngày nhiều việc. Vì thế, tôi tìm cảm hứng từ những video này. Tôi thấy mình ăn ngon miệng hơn hẳn. Hiện tại, tôi có hứng thú trong việc ăn uống hơn so với trước đây", cô nói.

Sau Han Quoc, toi nguoi tre Trung Quoc nghien nhin nguoi khac an uong hinh anh 2
Sau Han Quoc, toi nguoi tre Trung Quoc nghien nhin nguoi khac an uong hinh anh 3
Việc xem những video này khiến người trẻ cảm thấy thoải mái hơn. Ảnh: China Daily.

Ở chiều ngược lại, những người ăn kiêng lại dùng video này để giảm cân.

Yan Yuying (sống tại tỉnh Cát Lâm) bày tỏ sự ngạc nhiên khi những người thực hiện các video này có thể giữ dáng mặc dù họ "tiêu thụ" lượng đồ ăn khủng khiếp. Trong khi đó, để giữ dáng, Yan chỉ có thể ăn 3 miếng thịt lợn và sữa đậu nành trong ngày.

Công việc là nhân viên văn phòng khiến cô gái phải tìm niềm vui và mục đích sống của mình sau giờ làm việc. Một trong số đó là trở nên xinh đẹp hơn bằng cách giảm cân.

"Tôi thích xem những video mà các vlogger ăn nhiều món ăn với số lượng lớn, đặc biệt trong khoảng thời gian giảm cân. Chúng khiến tôi cảm thấy no và không cần ăn thêm bất cứ thứ gì cho bữa ăn đó nữa. Nghe có vẻ là sự tra tấn bản thân nhưng nó thực sự hiệu quả", Yan kể.

Sun Ying cũng là trường hợp tương tự. Cô cho phép bản thân ăn bữa trưa nhưng thường xuyên bỏ buổi tối để có thể duy trì vóc dáng. Thay vào đó, cô xem những video này.

"Nhiều người còn mô tả hương vị thức ăn trong khi thưởng thức và còn tiết lộ cả công thức, thành phần. Điều này làm hài lòng người xem và khiến tôi cảm thấy như chính tôi đang thưởng thức món ăn ấy vậy", cô nói.

Tìm bạn đồng hành ảo

Theo một khảo sát từ Alibaba, đối tượng chủ yếu của những video ẩm thực là người độc thân có độ tuổi từ 25 đến 33. 65% trong số đó là phụ nữ.

Ngoại trừ một vài "người dẫn chương trình" cố gắng thu hút khán giả thông qua âm thanh khi ăn hoặc cách cư xử kỳ quặc, đa số người thực hiện mukbang đều trò chuyện với người xem.

Sau Han Quoc, toi nguoi tre Trung Quoc nghien nhin nguoi khac an uong hinh anh 4
Đối tượng xem mukbang tại Trung Quốc phần lớn là người độc thân, độ tuổi dao động từ 25 đến 33. Ảnh: China Daily.

China Daily cũng cho biết những người thích thú loại hình này đa số là người hướng nội. Vì thế, người xuất hiện trong video không chỉ là thần tượng, người dẫn chương trình mà còn là bạn đồng hành ảo.

Ngoài giờ làm việc, Wang Xiaoshan (30 tuổi, sống tại Bắc Kinh) dành thời gian rảnh để xem mukbang. Cô cho biết bản thân không cảm thấy buồn chán vì thông qua tính năng livestream, cô có thể tương tác, nói chuyện với người khác, thậm chí là trao đổi với thần tượng về món ăn.

Trong một bài viết được đăng tải trên The Guardian, Alice Stride, người phát ngôn của chiến dịch hướng đến "Chấm dứt sự cô đơn", cho biết sự cô đơn là một cảm nhận cá nhân và xem mukbang là cách để họ "san lắp" nỗi cô đơn trong lòng.

Alice nói: "Một số người cảm thấy thoải mái khi xem người khác chuẩn bị bữa ăn và thưởng thức chúng, đặc biệt là khi họ đã sống một mình quá lâu".

Đồng tình với ý kiến này, Ben Edwards, chuyên gia trong lĩnh vực rèn luyện sự tự tin và duy trì các mối quan hệ, cho The Guardian biết mặc dù ông luôn khuyến khích mọi người hòa đồng nhưng thực chất, họ nên làm bất cứ điều gì khiến họ cảm thấy hạnh phúc và hài lòng.