Ảnh minh họa: Internet |
Nối gót Pháp, Ý phê duyệt loại thuế mới đánh vào các công ty công nghệ lớn, một động thái có khả năng gây thêm căng thẳng cho mối quan hệ với Mỹ. Theo Thời báo Phố Wall, thuế mới được thông qua trong tuần này và có hiệu lực từ ngày 01/01/2020. Nó tương tự loại thuế mà Pháp thực hiện hồi đầu năm nay, vấp chỉ trích nặng nề từ Mỹ.
Theo Epoch Times, hàng chục quốc gia đang đề xuất thay đổi chính sách thuế để thu tiền từ các hãng công nghệ có người dùng trên khắp thế giới như Facebook và công ty mẹ của Google là Alphabet.
Trong lá thư gần đây gửi tới Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói rằng có những lo ngại về một số đề xuất của các nước. Mỹ "kiên quyết phản đối thuế dịch vụ kỹ thuật số vì chúng phân biệt đối xử đối với các doanh nghiệp có trụ sở tại Mỹ và không phù hợp với kiến trúc của các quy tắc thuế quốc tế hiện hành, tìm cách đánh thuế thu nhập ròng thay vì tổng doanh thu".
Chính quyền Tổng thống Donald Trump trước đó cũng lên án thuế của Pháp. Còn theo đại diện thương mại Mỹ, Robert Lighthizer: “Thuế dịch vụ kỹ thuật số của Pháp "phân biệt đối xử với các công ty Mỹ, không phù hợp với các nguyên tắc phổ biến của chính sách thuế quốc tế và là gánh nặng bất thường đối với các công ty bị ảnh hưởng. Mỹ sẽ có hành động chống lại các chính sách thuế kỹ thuật số phân biệt đối xử hoặc áp đặt các gánh nặng không đáng có lên các công ty Mỹ”.
"Thật vậy, Cơ quan đại diện thương mại Mỹ (USTR) đang tìm hiểu xem có nên mở các cuộc điều tra Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974 về thuế dịch vụ kỹ thuật số của Áo, Ý và Thổ Nhĩ Kỳ hay không? USTR tập trung vào việc chống lại chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng của các quốc gia thành viên EU, vốn nhằm mục tiêu không công bằng với các công ty Mỹ cho dù thông qua thuế dịch vụ kỹ thuật số hoặc các nỗ lực khác nhằm vào các công ty dịch vụ kỹ thuật số hàng đầu của Mỹ", ông Lighthizer cho biết thêm.
Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974 cho Mỹ quyền thực thi các hiệp định thương mại, giải quyết tranh chấp thương mại và mở cửa thị trường nước ngoài cho hàng hóa và dịch vụ của Mỹ.