Khoảng 0h46 ngày 24/5, Công an TP Hà Nội nhận được tin báo cháy xảy ra tại nhà số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43 phố Trung Kính (quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Theo báo cáo, căn nhà được xây dựng trên khu đất rộng hơn 200m2, nằm sâu trong ngõ cách mặt phố khoảng 200m. Trên khu đất, chủ nhà xây dựng 2 căn nhà để ở và cho thuê trọ. Phần sân rộng khoảng 55m2 và tầng 1 được dùng làm nơi kinh doanh và sửa chữa xe điện.

Sau hơn 60 phút dập lửa, Công an TP Hà Nội cùng người dân đã giải cứu được 7 người mắc kẹt trong đám cháy, còn 14 người khác đã thiệt mạng.

W-chaytrungkinh copy.jpg
Vụ cháy tại phố Trung Kính khiến 14 người thiệt mạng.

Trước đó, vào ngày 19/7/2023, một vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh xảy ra tại thôn Ngãi Cầu, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội.

Khi phát hiện hỏa hoạn, nhiều người cố gắng dùng bình chữa cháy để dập lửa. Thậm chí, họ dùng xe nâng để phá cửa cuốn nhằm ứng cứu các nạn nhân mắc kẹt bên trong nhưng bất thành. Ngọn lửa nhanh chóng lan rộng trong căn nhà 120m2 chứa hàng chục xe đạp, xe máy điện.

Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã điều động 8 xe chữa cháy cùng 50 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường dập lửa và cứu hộ, cứu nạn. Tuy nhiên, vụ cháy khiến 3 người trong một gia đình tử vong. 

Mỗi gia đình cần chuẩn bị phương án thoát nạn

Đại diện Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hà Nội cho biết, loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh ngày càng phổ biến và có chiều hướng gia tăng ở các khu dân cư. Đây cũng là loại hình nhà ở tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra cháy nổ bởi phần lớn được thiết kế theo kiểu nhà ống, có diện tích nhỏ hẹp, lại chứa nhiều hàng bên trong.

"Loại hình nhà ở này chỉ có 1 thang bộ trong nhà để thoát nạn, tầng 1 thường là nơi chứa hàng hoá hoặc các chất dễ cháy nổ. Các tầng trên thường không có ban công mà thường tận dụng tối đa diện tích cơi nới để sử dụng. Các chủ hộ thường làm chuồng cọp để đảm bảo an ninh", đại diện Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hà Nội đánh giá.

dien-tap-pccc-son-la.jpg
Lực lượng chức năng diễn tập các tình huống chữa cháy, thoát nạn ở khu dân cư.

Theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hà Nội, khi phát hiện cháy, người dân cần bình tĩnh suy xét, báo động cho tất cả mọi người mau chóng thoát ra ngoài. Nếu cửa ra vào bị lửa khói bao trùm thì người dân cần tìm lối thoát khác như qua ban công, qua cửa sổ sang nhà bên cạnh, dùng thang thoát xuống mặt đất, tìm lối thoát lên mái...

Cũng theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, khi cháy, người dân tuyệt đối không được núp trong phòng hoặc nhà vệ sinh.

"Nếu buộc phải băng qua lửa, người dân hãy dùng chăn ướt quấn quanh người để thoát ra ngoài. Nếu phải băng qua khói, người dân hãy dùng khăn ướt che kín miệng mũi và cúi thật thấp để tránh ngạt khói, men theo tường rồi tới lối thoát an toàn. Biết cách thoát nạn, người dân có thể tự cứu được mình và mọi người", đại diện Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết.

Qua thực tiễn các vụ cháy, có một số người dân đã thoát nạn nhờ các thiết bị PCCC&CNCH được chuẩn bị sẵn. Điển hình như trong vụ cháy nhà trọ ở Trung Kính (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội), người dân gần hiện trường vụ cháy đã thực hiện đập tường, mắc thang dây cứu được 3 người mắc kẹt. 

Trước đó, vào năm 2023, khi vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) xảy ra, nhờ chuẩn bị sẵn thang dây thoát nạn mà gia đình anh Nguyễn Công Huy (SN 1982, sống ở tầng 3 chung cư mini) đã vượt "biển lửa" thoát nạn an toàn.

Theo anh Huy, gia đình anh có 3 người gồm vợ chồng và con nhỏ. Nếu chậm khoảng 5 phút thì gia đình anh sẽ bị chết ngạt trong căn nhà đang tràn ngập khói lửa.

"Nhiều người có căn hộ ở tầng 3 đã chạy nhờ qua thang dây của nhà tôi để thoát nạn, nếu không nhảy xuống cũng không thể sống nổi", anh Huy chia sẻ.