Khi tỷ lệ người thừa cân, béo phì trên thế giới đang tăng cao, các nhà dinh dưỡng học đã phải bỏ rất nhiều công sức để tuyên truyền, hướng tất cả mọi người đến một chế độ ăn lành mạnh, cân bằng và nhiều rau củ quả.
Nhưng theo như một nghiên cứu mới đây thì mục tiêu này sẽ không thành hiện thực, kể cả khi thực phẩm được phân bổ đều cho cả những vùng thiếu ăn. Lý do đơn giản chỉ là vì... thế giới không có đủ hoa quả và rau củ dành cho tất cả mọi người.
Cụ thể, nghiên cứu do các chuyên gia từ ĐH Guelph (Canada) thực hiện đã theo dõi tổng sản lượng nông nghiệp trên toàn cầu, lập biểu đồ đến năm 2050 và so sánh với số lượng rau củ mà các nhà dinh dưỡng cho rằng nên có trong khẩu phần ăn của mỗi người. Lượng rau củ này được nêu trong chế độ ăn do ĐH Harvard cung cấp.
Và rốt cục, kết quả lại thật đáng buồn.
"Chúng ta không thể cung cấp đủ rau để mỗi người có chế độ ăn lành mạnh với hệ thông nông nghiệp hiện nay," - giáo sư Evan Fraser, đồng tác giả nghiên cứu cho biết.
Theo số liệu của Liên hợp Quốc (LHQ) dự đoán thì đến năm 2050, dân số thế giới sẽ chạm ngưỡng 9,8 tỉ. Fraser cho biết hiện tại, thế giới đang sản xuất ngũ cốc, đường và chất béo quá nhiều, trong khi rau củ quả thì không đủ để đáp ứng cho toàn bộ dân số nếu muốn có một chế độ ăn lành mạnh.
"Chúng ta đang sản xuất 12 phần ngũ cốc mỗi người, trong khi số lượng nên có chỉ là 8; 5 phần rau củ quả, trong khi lượng nên có là 15."
Ngoài ra thì 3 phần dầu, chất béo thay vì chỉ 1, trong khi protein chỉ đạt 3 phần so với 5 phần cần thiết. Đặc biệt, đường được loại bỏ ra khỏi khẩu phần ăn của Harvard, nhưng thế giới sản xuất tận 4 phần.
Theo Fraser, nguyên nhân một phần là do các nước đang phát triển hiện vẫn đang tập trung vào sản xuất cây lương thực carbohydrate (gạo, lúa mỳ) - dễ trồng và và dễ no bụng. Họ cũng đầu tư nhiều tiền chủ yếu vào việc nghiên cứu và phát triển cây lương thực, thay vì rau củ quả.
Một nguyên nhân khác là vì các thực phẩm chứa đường, muối và chất béo thực sự "rất ngon"- trích lời Krishna KC - đồng tác giả nghiên cứu. "Tất cả các yếu tố này kết hợp lại, tạo ra một hệ thống dư thừa nhưng cũng thiếu thốn,"
Để giải quyết thực trạng này, các chuyên gia cho rằng con người cần thay đổi thói quen ăn uống. Ăn ít thịt đi, chuyển dần sang nguồn protein từ thực vật. Khi cung cầu thay đổi, các nhà sản xuất cũng phải thích nghi, và dần dần cả thế giới mới có thể ăn lành mạnh được.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Plos One.
Theo GenK