-Đông đảo bạn đọc đã gửi phản hồi về Báo VietNamNet bày tỏ ý kiến của mình sau khi đọc bài Vào nhà nghỉ để… thức với nhau?

TIN BÀI KHÁC:


{keywords}
Ảnh minh họa

Nên cấm nhà ở thành nhà nghỉ

Dưới góc độ an ninh trật tự, bạn Phan Tráng “hoàn toàn nhất trí với chủ trương của Bộ Xây dựng cấm nhà nghỉ, kinh doanh Karaoke, kinh doanh gas ở khu dân cư, vì những hình thức kinh doanh này gây tiếng ồn lớn, gây lộn xộn, mất an ninh trật tự phá vỡ cuộc sống bình yên của khu dân cư. Việc kinh doanh gas còn có thể gây cháy nổ rất nguy hiểm, nhiều người dân đã phải khổ sở chung sống với nó bao năm nay”.

Bạn Kim Quynh thì “hoàn toàn ủng hộ dự thảo cấm nhà nghỉ” dưới góc độ đạo đức xã hội. Theo bạn đọc này “thực chất hiện nay khách vào nhà nghỉ để nghỉ ngơi đúng nghĩa như đi du lịch, công tác…thì ít mà chủ yếu khách vào các nhà nghỉ là các đôi thanh niên nam nữ, học sinh, sinh viên yêu nhau và các cặp tình nhân đưa nhau vào ‘tâm sự’! Đó cũng là một yếu tố làm ảnh hưởng đến đạo đức xã hội và nhân cách con người. Bên cạnh đó dẫn đến tình trạng phá thai tăng cao ở  lứa tuổi thanh niên, thậm chí cả thiếu niên hiện nay”.

“Cấm không cho dùng nhà ở làm làm nhà nghỉ khách sạn là đúng chứ không sai, bởi rất nhiều lý do không thể nói hết ở đây...”, đó là ý kiến của bạn Vo Thiên. Tuy nhiên, bạn đọc lại cẩn trọng: “Văn chương chữ nghĩa của Việt Nam đa dạng và phong phú lắm, dùng tùy tiện sẽ không ổn. Phải nói cho rõ ràng, câu chữ cho chặt chẽ là Nhà nước sẽ không cấp giấy phép kinh doanh cho các loại nhà ở dùng làm nhà nghỉ khách sạn. Nói như thế ‘các bác’ có chịu không”?

Bạn Lưu Van Hoa lăn tăn: Có cấm được không?

Càng cấm càng mở

Bên cạnh những ý kiến tán thành dự thảo cấm biến nhà ở thành nhà nghỉ, có không ít ý kiến của bạn đọc không tán thành.

Bạn Lưu Van Ly cho rằng: Xã hội cái gì cũng cấm không phải là xã hội phát triển! Theo bạn  Hoàn Lương thì: Kinh doanh là quyền của mỗi công dân, miễn là có đăng ký, đóng thuế cho nhà nước đủ. Không thể cứ không quản được thì cấm! Bạn Minh Thu nhìn nhận: Cái gì cũng có 2 mặt của nó, có điều không nên lạm dụng và phải biết lắng nghe ý kiến của dân thì mới thành công.

“Nhà nghỉ cũng đâu có gì là xấu, xấu là do mỗi con người. Đạo đức của học sinh, sinh viên suy thoái thì cần xem lại ngành Giáo dục. Còn những người lớn đã đủ nhận thức về những gì họ làm mà vẫn làm thì có xóa bỏ nhà nghỉ họ cũng vẫn vậy thôi. Hơn nữa không cho phép những nhà nghỉ đó kinh doanh nữa thì họ sống bằng nghề gì? Nhà nước có tạo được việc làm cho họ không? Những ngôi nhà đó bỏ không sao? Như vậy rất lãng phí”, bạn Đặng Thị Ba phân tích.

Ý kiến trên được Tư Cà Mau đồng tình: Họ vào nhà nghỉ đế làm gì là quyền của họ. Đó là quyền của một công dân. Nếu họ không thực hiện đúng quyền công dân thì chủ nhà nghỉ phải cấm họ chứ không cần văn bản nào cấm.

Email lambocxu@gmail.com cũng có cách nhìn tương tự: Có cung ắt có cầu. Việc nhà nghỉ mọc ra khắp nơi chứng tỏ người dân luôn có nhu cầu về vấn đề này. Nhà nghỉ 1 đêm đắt nhất đến 150.000 đ. Vào khách sạn 500.000 trở lên. Chưa kể số tiền để xây dựng 1 khách sạn theo kiểu quy đinh của ngành cộng với vị trí đặt tại khu vực huyện thị. Vậy ai sẽ làm việc này? Lại là những người “rất nhiều tiền". Chẳng lẽ làm chính sách càng ngày càng hướng tới những người quá nhiều tiền? Sinh viên đủ 18 tuổi là 1 công dân có quyền hưởng thụ những nhu cầu thuộc về bản năng, không có nhà nghỉ thì ra… công viên, bờ sông, và như vậy là đối diện càng nhiều hình ảnh phản cảm hơn. Thêm nữa là nguy cơ bị bọn xấu rình rập cướp bóc, trấn lột.

Bạn Nguyễn Thắng phụ họa: Trong chúng ta, 1 năm ai chẳng phải đi nhà nghỉ một đôi lần, nếu cấm kinh doanh nhà nghỉ thì phải vào khách sạn, gây tốn kém cho người dân. Còn vấn đề vào nhà nghỉ để nghỉ hay… thức thì chúng ta cần phải có cách khác để quản lý. Chứ đừng theo "lối mòn", quản lý không được thì cấm. Email anhchangsitinh_dp@yahoo.com lo xa: Nếu cấm nhà nghỉ thì khi các bạn đi đâu đó (như đi thăm bạn xa chẳng hạn) đang đi đường mệt, muốn nghỉ ngơi thì nghỉ ở đâu? Đi tìm khách sạn ở với điều kiện lắm tiền. Còn nhà quê như chúng tôi thì không có nhiều tiền để vào khách sạn đâu, vì tôi còn cần tiền vào nhiều việc khác nữa. Với lại, không có nhà nghỉ, khách sạn lại tùy nơi mới có, có phải muốn tìm là tìm được đâu?

Bạn đọc lấy tên là ‘Lục Vân Tiên’ cảnh báo: Ông nào dự thảo quy định này lại làm thất thu thuế của nhà nước - Sẽ lại phát sinh nhà nghỉ ‘lậu’ vì có nhu cầu mà lại cấm thì chắc chắn sẽ lại phải có ‘lậu’. Khi đó tiền thuế lẽ ra nhà nước thu được thì lại vào tay mấy ông cán bộ "biến chất" thôi!

Bạn Gia Thanh đặt câu hỏi: Trong lúc suy thoái kinh tế, khoảng cách giàu nghèo gia tăng ngày càng xa, đưa ra quy định như vậy cho liệu có vì ‘lợi ích nhóm’? Vì rõ ràng chỉ những người giàu có, đủ sức mạnh kinh tế mới có thể đáp ứng - hay nói cách khác sẽ hưởng lợi - từ những kiểu quy định như thế này! Vì thế, bạn Nguyễn Nam Khanh cho rằng: Đây là tư duy trì trệ. Xã hội phát triển thì mọi cái phải phát triển theo, chứ đừng vì sự trì trệ của mình mà kìm hãm sự phát triển nói chung. Không quản lý được là do mình yếu kém, để xẩy ra tệ nạn. Hãy nhìn vào mặt tích cực của nó. Tôi mong các vị lãnh đạo hướng đến sự phát triển để có quyết định đúng.

“Trong thời gian dài qua, nhiều vị cứ đưa ra biết bao nhiêu là văn bản, nhưng rất thiếu thực tế, gây phản ứng dữ dội trong người dân. Tôi không hiểu tầm nhìn các vị ấy thế nào, nhưng văn bản cứ đưa ra được một thời gian thì lại bỏ. Mong các vị hãy suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra sao cho phù hợp với thực tế hơn”. Đó là ý kiến của bạn Hoai Van Ta.

Ban Bạn đọc