Dù có bị sét đánh trúng, thiết kế máy bay giúp đảm bảo an toàn cho hành khách và thiết bị bên trong. Ảnh: Getty.

Sét đánh vào máy bay không phải chuyện hiếm. Theo Edward J. Rupke, kỹ sư công ty mô phỏng sấm sét cho các hãng hàng không Lightning Technologies, ước tính mỗi máy bay thương mại của Mỹ bị sét đánh hơn một lần mỗi năm.

Thực tế, máy bay thường là nguyên nhân gây ra tia sét khi bay qua vùng tích điện của đám mây. Trong những trường hợp này, tia sét bắt nguồn từ máy bay và tỏa ra xa theo các hướng ngược nhau.

Nhưng lần cuối cùng sét đánh gây ra tai nạn cho máy bay thương mại là vào năm 1967, khi một tia sét làm nổ khoang chứa nhiên liệu. Kể từ đó, các kỹ sư đã cải thiện cơ chế chống sét của máy bay.

Lớp “da” bảo vệ

Với một loạt kỹ thuật bảo vệ và các bài kiểm tra nghiêm ngặt đánh giá mức độ an toàn khi bị sét đánh, máy bay ngày nay bảo vệ an toàn tuyệt đối cho hành khách và phi hành đoàn trước những tia sét.

Người ngồi trong máy bay có thể nhìn thấy ánh sáng lóe lên từ tia sét, và nghe thấy tiếng ồn lớn nếu sét đánh vào máy bay, nhưng sẽ không có vấn đề nghiêm trọng gì xảy ra.

Lớp bảo vệ cơ bản nhất là một lớp vỏ dẫn điện, bao bọc cabin máy bay. Dòng điện từ tia sét sẽ chạy qua hết lớp bao bọc này mà không ảnh hưởng gì đến phi hành đoàn, hành khách và thiết bị điện tử bên trong, Chris Hammond, một phi công đã nghỉ hưu và là thành viên của Hiệp hội Phi công Hàng không Anh, giải thích.

may bay bi set danh anh 1

Một hành khách ghi lại ảnh máy bay bị sét đánh ở sân bay Keflavik, Iceland năm 2016. Bức ảnh cho thấy tia sét đi vào từ đầu máy bay và đi ra ở cánh, đuôi. Ảnh: Halldor Gudmundsson.

Lớp vỏ này chủ yếu là nhôm, dẫn điện tốt. Phần lớn dòng điện từ tia sét sẽ chỉ ở bên ngoài khoang máy bay nhờ lớp nhôm liền mạch không có khe hở. Nếu máy bay được làm bằng vật liệu composite, dẫn điện kém hơn đáng kể so với nhôm, thì sẽ được bổ sung một lớp sợi hoặc tấm vật liệu dẫn điện vào lớp vỏ.

Tia sét thường sẽ đánh vào một điểm nhô ra, chẳng hạn như mũi hoặc đầu cánh máy bay. Khi máy bay tiếp tục bay qua, tia sét sẽ "bám" theo vào thân máy bay. Dòng điện truyền qua lớp vỏ dẫn điện bên ngoài và đi ra từ đuôi máy bay.

Toàn bộ thiết bị đều chống sét

Máy bay phản lực thương mại có các đường dây điện dài hàng cây số, cùng hàng chục máy tính và các thiết bị khác điều khiển từ động cơ đến tai nghe của hành khách. Những máy tính này có thể bị ảnh hưởng bởi sự cố tăng điện áp.

Dòng điện đi qua lớp vỏ bên ngoài của máy bay cũng có khả năng chuyển tiếp vào dây điện hoặc thiết bị bên dưới lớp vỏ. Vì thế tất cả thiết bị điện trên máy bay đều được che chắn cẩn thận, nối đất và triệt tiêu xung để ngăn chặn các sự cố do dòng điện chuyển tiếp gây ra.

Một khu vực cần quan tâm khác là hệ thống nhiên liệu, vì ở đây ngay cả một tia lửa nhỏ cũng có thể gây ra thảm họa.

Vỏ máy bay xung quanh thùng nhiên liệu được làm đủ dày để chịu được nhiệt. Tất cả khớp kết cấu, dây, cửa khoang, nắp nạp nhiên liệu và các lỗ thông hơi đều được thiết kế và thử nghiệm để không chỉ chịu được sét mà còn ngăn tia lửa điện. Các đường ống dẫn nhiên liệu dẫn nhiên liệu đến động cơ và bản thân động cơ cũng chống sét.

may bay bi set danh anh 2

Mũi (radome) máy bay có các dải kim loại để dẫn điện. Ảnh: Bill Abbott.

Radome của máy bay - mũi hình nón chứa radar và các thiết bị bay khác - là một khu vực mà các kỹ sư chống sét cũng đặc biệt chú ý. Không giống các bộ phận khác, radar không thể hoạt động nếu đặt trong vỏ bọc dẫn điện.

Thay vào đó, các dải vật liệu chống sét được xếp dọc xuống từ đỉnh hình nón. Các dải này có thể là các thanh kim loại rắn hoặc một dãy các nút làm từ vật liệu dẫn điện dán lên một dải nhựa. Bộ phận này hoạt động giống như một cột thu lôi trên mái nhà.

"Tất cả màn hình đều vụt tắt", Hammond nhớ lại một vụ việc nhiều năm trước, khi máy bay ông điều khiển bị sét đánh trong lúc chờ hạ cánh xuống San Francisco, Mỹ. Nhưng ngay cả khi đó, sét cũng chỉ có thể làm nhấp nháy đèn hoặc làm nhiễu tín hiệu một số thiết bị trong chốc lát.

(Theo Zing)