Không ngoài dự đoán, Sharp - thương hiệu từng giữ vị trí nhà sản xuất màn hình LCD lớn nhất thế giới - mới đây vừa thực hiện một đợt cắt giảm mới trong nỗ lực tái cơ cấu đưa công ty thoát khỏi tình cảnh thua lỗ triền miên. Sharp công bố cắt giảm 99% đầu tư ( từ 120 tỷ yen, tương đương 1 tỷ USD, xuống chỉ còn 100 triệu yen), đồng thời cho nghỉ việc 5000 nhân viên. Nguồn tin của trang Reuters cũng tiết lộ công ty có thể tách mảng kinh doanh màn hình smartphone. Sharp cũng đang đứng trước khoản nợ 978 tỷ yen (khoảng 8 tỷ USD). Giá cổ phiếu cuối tuần trước rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2012. 

Sự tụt dốc của Sharp xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng theo đánh giá của giới phân tích, một trong số đó là do công ty đã tự tin thái quá về giá trị của mình. Thời điểm đầu năm ngoái, Sharp thu hút được một khách hàng lớn là Xiaomi. Trong những cuộc họp nội bộ, lãnh đạo của Sharp gọi Xiaomi là "chú ngựa chiến thắng" và tỏ ra chắc chắn rằng công ty smartphone Trung Quốc sẽ mang lại cho mình những khoản lợi nhuận béo bở. Thế nhưng chỉ sau ít tháng, Sharp nhận ra rằng họ đã bị đối thủ qua mặt. Japan Display, một nhà cung cấp màn hình LCD được thành lập bởi liên minh Sony, Toshiba, và Hitachi, đã âm thầm đàm phán thành công để cung cấp màn hình công nghệ "in-cell" cho Xiaomi. Miếng bánh lúc này đã bị xé nhỏ. 

Điều đáng nói đó là tình trạng đó cứ lặp đi lặp lại trong nhiều năm nhưng Sharp vẫn không bao giờ rút ra bài học cho mình. Họ tự tin công nghệ của mình ưu việt, để rồi sau đó nhận ra rằng mình bị đối thủ vượt mặt lúc nào không biết. Sharp cũng thất bại trong việc thuyết phục khách hàng đối tác sử dụng công nghệ màn hình IGZO cao cấp với ưu điểm là cho độ phân giải cao và tiết kiệm năng lượng. Trong khi đó các đối thủ của họ, với những công nghệ mang tính cạnh tranh cao, giá thành rẻ, đã giành được những bản hợp đồng cung cấp linh kiện béo bở.

Đốm lửa sắp tàn

Trong quá khứ, Sharp từng là nhà cung cấp màn hình lớn nhất cho Apple. Tuy nhiên, hiện tại họ đã phải nhường đất cho những đối thủ như LG Display và Japan Display. Trong khi đó các nhà sản xuất thiết bị đến từ Mỹ đang có xu hướng đa dạng hóa nguồn cung nhằm tránh bị phụ thuộc vào chỉ một đối tác, giảm thiểu tình trạng khan hàng. 

Kozo Takahashi - CEO của Sharp cũng nhận thức được rằng công ty đã chậm chạp và không bắt kịp với những thay đổi của thời cuộc. "Nếu không phạm sai lầm, chúng tôi đã không ở vào tình cảnh hiện tại. Khả năng quản trị và quản lý kém nên không theo kịp cái mới và đưa ra các phản ứng thích hợp" - ông phát biểu trong một hội thảo mới đây. Tuy nhiên, ông cũng đổ lỗi cho "sự xuống cấp" nhanh chóng của thị trường như một phần nguyên nhân.

Theo các nhà phân tích, một cuộc sáp nhập với Japan Display cũng là giải pháp hợp lý dành cho Sharp. Tuy nhiên, Sharp có vẻ không mặn mà với ý tưởng này bởi họ cho rằng Japan Display không "cùng đẳng cấp" với mình. Thay vào đó, công ty sẽ tiếp tục tìm kiếm sự giúp đỡ từ các ngân hàng.

"Sharp là công ty đầu tiên sản xuất máy radio ở Nhật Bản, và cũng là công ty đầu tiên sản xuất đại trà TV tại đây. Chúng tôi muốn tiếp tục là người đi đầu trong các công nghệ mới như trong quá khứ" - Shigeaki Mizushima, Giám đốc công nghệ của Sharp phát biểu với giới báo chí khi giới thiệu về mẫu TV có giá lên tới hơn 8000 USD mà Sharp dự định ra mắt. Thế nhưng, TV không còn là nơi để Sharp bấu víu, khi mà doanh số đã giảm 10% tính đến tháng 3/2015. 

Theo giới chuyên gia, quá trình tụt dốc của Sharp đã bắt đầu từ cách đây cả thập kỷ, khi công ty bỏ ra tới hàng trăm tỷ yên để mở rộng các nhà máy sản xuất LCD ở thành phố Kameyama (Nhật Bản). Giá tấm nền LCD thời điểm đó đã giảm 30%, theo các nghiên cứu thị trường. Tuy nhiên, Sharp cho rằng bằng việc mở rộng quy mô sản xuất, họ sẽ tạo ra những lợi thế so với đối thủ (chính sách tương tự như Samsung hiện nay, khi sản xuất hàng loạt smartphone với đủ model, kích cỡ). Về sau, Sharp rót thêm 430 tỷ yen đầu tư vào một nhà máy sản xuất LCD tại Sakai, gần Osaka. Nhà máy này đi vào hoạt động năm 2009. Những khoản chi tiêu lớn kết hợp cùng doanh số bán hàng kém cỏi, khiến Sharp thua lỗ và phải vay mượn 360 tỷ yen từ các ngân hàng trong 2012. Hãng phải bán 38% cổ phần tại nhà máy Sakai cho công ty Hon Hai của Đài Loan trong cùng năm đó. 

5000 nhân viên mà Sharp dự tính cắt giảm trong thời gian tới chiếm khoảng 1/10 nhân lực của công ty. Cùng với kế hoạch tách mảng sản xuất màn hình smartphone, hàng loạt khoản nợ, viễn cảnh Sharp sụp đổ đã ở ngay trước mắt.