{keywords}
Shipper Thanh Hậu.

Bị “bom” hàng

11h, Thanh Hậu dừng xe và đứng ăn vội bữa trưa trên vỉa hè tại một con hẻm ở quận Bình Thạnh (TP.HCM). Shipper (người giao hàng) đến từ Ninh Thuận liên tục nhận được đơn báo giao hàng trong điện thoại nhưng vì quá đói nên Hậu không thể chạy tiếp.

Giống như nhiều shipper chuyên giao đồ ăn khác, khoảng thời gian trưa và chiều tối là giờ cao điểm trong lịch làm việc. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng quán không bán tại chỗ nên lượng khách đặt về tăng đột biến.

“Mình mới chạy giao đồ ăn chưa được tròn tháng. Một ngày nhận hơn 40 đơn, trung bình kiếm được 600.000 - 700.000 đồng/ngày”, shipper đến từ Ninh Thuận tỏ ra hào hứng với số tiền kiếm được.

Không phải ai cũng có cảm giác tích cực như Hậu. Shipper Nguyễn Quốc Hoàng đến từ Đăk Nông cho rằng công việc những ngày giãn cách xã hội đang khó khăn.

“Tôi ra đường làm từ 9h sáng đến 11h tối. Mùa dịch, giao đồ ăn sẽ an toàn cho mình nhưng được ít tiền hơn so với vận chuyển người”, Hoàng chia sẻ.

Mỗi ngày, Hoàng giao từ 25 - 30 đơn hàng. Trừ đi chi phí xăng xe và ăn uống trên đường, Hoàng bỏ túi 400.000 - 450.000 đồng/ngày.

Bắt đầu chạy giao đồ ăn từ tháng 03/2020, nỗi ám ảnh nhất của shipper Đăk Nông là bị “bom” hàng. Nhiều người đặt đồ ăn nhưng khi mang đến lại không nghe điện thoại, shipper thành thực khách bất đắc dĩ.

“Tôi từng bị một đơn mất 300.000 đồng, đã ứng tiền ra mua trước nhưng đến nơi khách không liên lạc được. Những lần như thế chúng tôi sẽ gọi lên công ty để được hỗ trợ, nhưng cũng chỉ được hỗ trợ khoảng 15% tổng giá trị đơn hàng, còn lại mình phải chịu. Coi như mất toi 1 ngày ra đường làm”, Quốc Hoàng kể lại.

‘Mua hộ miếng dán hạ sốt gần khu phong tỏa’

{keywords}
Các tài xế công nghệ tại TP.HCM.

Bị bom hàng là câu chuyện khiến các shipper “méo mặt”. Việc chờ đợi đồ ăn quá lâu là một trong những lý do khiến khi giao hàng đến nơi thì thuê bao của khách rơi vào trạng thái “không liên lạc được”. Trên một diễn đàn với hơn 65.000 thành viên của các lái xe công nghệ tại TP.HCM, những tình huống dở khóc dở cười như vậy thường xuyên được đem ra mổ xẻ.

Shipper Xuân Nam chia sẻ việc chờ đồ ăn vào giờ cao điểm là điều kinh hoàng. Nhận đơn đặt pizza của khách lúc 18h nhưng đợi đúng 1 tiếng 10 phút mới làm xong. Hỏi nhân viên nhà hàng sao lâu quá vậy thì họ thản nhiên kêu do bị trôi đơn.

“Ngồi đợi mà tức. 4 tài xế tới trước mình cũng phải đợi không được làm mà không ai thèm trả lời. Trong khi khách vãng lai đến mua chỉ 15 phút là xong. Có sự coi thường tài xế công nghệ không hề nhẹ”, shipper này viết.

Cũng rơi vào tình cảnh tương tự, shipper có nickname Thanh Hieu từng phải “ngóng” một hộp cơm trong gần 1 tiếng đồng hồ mới có thể đi giao.

“Đúng vào giờ cao điểm nên hết sức nóng ruột. Người của quán kêu đợi, chờ 20 phút, 30 phút rồi lại chờ thêm 15 phút nữa. Trong khi shipper riêng của quán thì được ưu tiên đi trước”, Thanh Hieu nói.

“Bán cho khách vãng lai thì hưởng trọn số tiền, bán cho shipper thì phải bán giá thấp cộng với đó là chiết khấu phần trăm cho ứng dụng nên chả còn được bao nhiêu. Vì vậy mà sinh ra bên trọng bên khinh”, thành viên Lâm Trần phân tích trên diễn đàn. 

{keywords}
Những câu chuyện của shipper đồ ăn được chia sẻ

Trong khi đó, shipper Nguyễn Tiến Cảnh rơi vào một tình huống chớ trêu hơn. Cảnh nhận đơn đồ ăn vào lúc gần 12h đêm ngày 14/06, khách còn nhờ mua hộ thêm miếng dán hạ sốt. Shipper cẩn thận nhắn tin nắm tình hình sức khỏe và hỏi khu vực đó có dịch không. Khách hàng nói không sao nhưng tới nơi thì tài xế công nghệ sững người vì 3 hẻm gần đó đang bị phong tỏa. 

“Nhận đơn là cảm thấy bất an rồi nhưng vì lòng tốt nên chấp nhận đi lòng vòng kiếm hiệu thuốc. Tới nơi thấy dân phòng trực ở các hẻm. Khách ra nhận đồ mà không đeo khẩu trang.  Mình nói xong em nó im lặng, khả năng mai mình bị ăn đánh giá 1 sao là có. Chẳng lẽ quay lại báo dân phòng trong nhà đó có người đang sốt”, shipper này thuật lại tình cảnh éo le.

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, hiện thành phố có 170.000 tài xế xe ôm, vừa vận chuyển hàng hóa, vừa vận chuyển người. Vì tính chất công việc buộc đội ngũ tài xế này phải di chuyển nhiều, dẫn đến khả năng lây nhiễm Covid-19 tăng cao. Dù vậy, công việc của họ là rất cần thiết, giúp đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân, để mọi người hạn chế ra ngoài. 

Việc di chuyển ra đường nhiều vào thời điểm dịch bệnh khiến tâm lý của nhiều shipper lo lắng. Không chỉ vì lo cho sức khỏe của bản thân mà sợ trách nhiệm khi lịch trình của mình trong ngày dày đặc, ảnh hưởng tới cộng đồng. 

“Mình không nói khoác nhé, một ngày chạy ít cũng phải 40 cuốc (chở người, đồ ăn hoặc giao hàng). Dịch như thế này, nếu lỡ không may bị dính ca dương tính thì không biết sao ? Khách mà F0 thì chúng ta bị nghi ngờ F1. Chưa nói đến việc thông tin bị đưa lên mạng, bị cộng đồng mạng nói này nói kia. Ra đường vì miếng cơm nhưng em rất lo lắng”, Nguyễn Nhật Thành giãi bày về công việc.

Quảng Định

'Dịch bệnh chia cắt các đôi nhưng không thể ngăn cản tình yêu của họ'

'Dịch bệnh chia cắt các đôi nhưng không thể ngăn cản tình yêu của họ'

"Em đã hứa bên anh đến cuối đời. Hãy nhớ giữ lời nhé", Chen Shenghao, một cảnh sát gửi tới người vợ đang bị nhiễm virus corona, phải nằm cách ly nhiều ngày trong bệnh viện.