Shophouse là gì?
Shophouse là mô hình nhà ở kết hợp kinh doanh, buôn bán rất phổ biến tại các đô thị trên thế giới, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc. Ngoài là “nhà phố thương mại”, shophouse còn có tên gọi khác là “căn hộ kinh doanh”.
Tuy đã xuất hiện tại Việt Nam từ chục năm trước nhưng những năm gần đây, mô hình shophouse nổi lên như một xu hướng đầu tư mới của giới kinh doanh bất động sản.
Ở nước ta, shophouse được chia làm 2 loại hình chính, gồm: Shophouse được xây dựng ở khối đế của các chung cư cao tầng và shophouse ở những căn nhà liền kề.
Với shophouse ở khối đế của các chung cư cao tầng, đây là loại hình căn hộ thường được thiết kế có quy mô từ 1 đến 2 tầng, thời hạn sử dụng 50 năm.
Còn shophouse nhà liền kề thường được xây ở mặt tiền đường, khu vực thương mại - dịch vụ được quy hoạch đồng bộ. Căn nhà sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và công trình khác gắn liền với đất có thời hạn sử dụng lâu dài theo Luật Đất đai.
Có nên đầu tư shophouse không?
Trước khi quyết định đầu tư bất kỳ loại hình bất động sản nào, nhà đầu tư cũng nên xem xét những giá trị lợi ích sản phẩm mang lại và mặt hạn chế, và shophouse cũng không ngoại lệ.
Đúng với tên gọi nhà ở kết hợp thương mại, shophouse là mô hình bất động sản đáp ứng cả hai nhu cầu vừa là nơi để ở vừa mở cửa hàng kinh doanh, buôn bán. Tuy vậy, mỗi loại hình shophouse đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Tuỳ vào nhu cầu và mục đích kinh doanh, nhà đầu tư có thể lựa chọn cho mình loại hình shophouse phù hợp.
Ưu điểm của shophouse
Với chức năng “kép” vừa ở vừa kinh doanh, ưu điểm đầu tiên của shophouse là chủ sở hữu sẽ cắt giảm đáng kể chi phí thuê nơi ở hoặc địa điểm kinh doanh.
Bên cạnh việc tiết kiệm chi phí vận hành cho địa điểm kinh doanh và thuận tiện đi lại, chủ sở hữu loại hình shophouse còn có được sự tiện lợi trong sinh hoạt nhờ thiết kế tách biệt giữa nơi ở và nơi kinh doanh.
Ngoài ra, shophouse có lợi thế về diện tích và thường được xây dựng ở những nơi dân cư đông đúc, sầm uất. Đây chính là nguồn khách hàng tiềm năng cho mục đích kinh doanh của chủ sở hữu.
Một ưu điểm khác của shophouse chính là số lượng có hạn. Tại một dự án bất động sản, loại hình shophouse thường chỉ chiếm từ 2% đến 5% tổng số lượng sản phẩm. Điều này tạo ra sự kham hiếm, là yếu tố chính khiến cho tính thanh khoản của loại hình shophouse luôn mức cao.
Nhược điểm của shophouse
Đầu tiên đó là giá bán. Tại một dự án, một căn shophouse thường có giá bán cao hơn những căn hộ hoặc nhà ở bình thường khác ít nhất 20%. Thậm chí, có dự án, giá bán shophouse cao gấp đôi sản phẩm khác. Do phải bỏ ra số tiền lớn hơn nên nhà đầu tư cần tính toán về khả năng sinh lời.
Tiếp đó là hạn chế về thời hạn sở hữu . Thời hạn sở hữu của shophouse tại các toà nhà chung cư cao tầng chỉ kéo dài 50 năm. Theo quy định của pháp luật, hết thời hạn này, shophouse sẽ thuộc về chủ sở hữu đầu tiên khi cấp phép dự án, tức chủ đầu tư hoặc nhà nước đối với đất được giao có thời hạn. Tuy nhiên, khi hết thời hạn mà người sử dụng đất có nhu cầu sử dụng tiếp thì sẽ được Nhà nước xem xét gia hạn sử dụng đất nhưng không quá 50 năm.
Nhược điểm khác của shophouse chính là tiến độ xây dựng. Khi đầu tư shophouse, nhà đầu tư thường có kế hoạch kinh doanh cụ thể để sinh lời. Nếu chủ đầu tư chậm bàn giao thì sẽ ảnh hưởng đến cơ hội kinh doanh của người mua.
Khác với shophouse nhà liền kề, loại hình shophouse ở khối đế các toà nhà chung cư cao tầng chỉ được phép sử dụng vào mục đích kinh doanh thương mại. Chủ sở hữu không được đăng ký tạm trú, thường trú tại đây.
Quang Đăng (tổng hợp)