Shot on iPhone là chiến dịch quảng cáo ra mắt năm 2015 này được lấy cảm hứng từ Steve Jobs, cố CEO của Apple. Triết lý tiếp thị sản phẩm dưới thời đại của ông là "quảng cáo phải làm nổi bật người dùng". Cách tiếp cận này đã không thay đổi nhiều kể từ những ngày đầu của công ty cho tới nay và Shot on iPhone chính là bằng chứng rõ ràng nhất.

Ban đầu, Apple đã thu thập các hình ảnh thông qua mạng xã hội từ 24 quốc gia, sau đó hiển thị chúng trên các bảng quảng cáo, trạm xe buýt và nhà ga. Chiến dịch sau đó lan sang Apple Store và gần đây nhất, được mở rộng để bao gồm cả video.

Không giống như rất nhiều quảng cáo của các hãng điện thoại ngày nay chỉ đơn giản là tấn công vào các đối thủ trong ngành, Shot on iPhone của Apple tôn vinh chính những người dùng phía sau thiết bị, nhấn mạnh việc iPhone đã "dân chủ hóa công nghệ" đến mức nào.

Nó cũng giống như việc bạn sẽ dễ bị thuyết phục khi nghe một người kể về việc họ đã sống sót như thế nào nhờ Apple Watch, hơn là việc được nhân viên bán hàng tiếp cận và kể lể về các tính năng và thiết kế hiện đại của Galaxy Watch Actice. Rõ ràng người dùng phổ thông tin tưởng vác các nội dung do chính người dùng tạo ra, hơn là từ nhà sản xuất.

Shot on iPhone - chiến dịch quảng cáo cực kỳ hiệu quả của Apple mà hãng smartphone nào cũng muốn học theo - Ảnh 1.

Ảnh được thực hiện bởi Hyeong Jun K. ở Seoul, Hàn Quốc. Sử dụng iPhone, tất nhiên.

Hãy tưởng tượng việc hình ảnh mà bạn chụp một cách ngẫu hứng bằng chiếc iPhone 6, có thể xuất hiện trên các tấm bảng quảng cáo khổng lồ trên toàn thế giới. Lúc này, việc nhấn nút chụp hình trên smartphone chỉ là chụp ảnh, mà đó là một cơ hội thực sự để mọi người có thể tham gia vào một điều gì đó lớn lao. Là con người, ai chẳng muốn cảm nhận mình là một phần của một cái gì đó, Apple đã đánh trúng tâm lý này.

Còn dưới góc nhìn chuyên môn, Shot on iPhone thành công nhờ kết hợp cảm xúc của con người với lợi ích sản phẩm thực tế, hơn là chỉ xoay quanh các tính năng của sản phẩm. Bởi trong chiến dịch tiếp thị này, trọng tâm của nó thực sự là về những gì iPhone cho phép người dùng có thể đạt được, từ một bức ảnh đẹp cho tới việc nổi tiếng trên mạng xã hội. Các khách hàng iPhone tiềm năng cũng có cơ hội để xem những gì họ có thể thực sự làm nếu mua thiết bị của Apple.

Một điểm thú vị khác là Apple gần như không mất gì để sản xuất ra các video. Công ty cũng không biến đây thành một cuộc cạnh tranh khi không cung cấp bất kỳ phần thưởng cụ thể nào. Tất nhiên sau một thời gian, cũng có không ít người chỉ trích Apple, đặc biệt là những nhiếp ảnh gia, về việc công ty đã bắt mọi người làm không công. Apple sau đó cũng thực hiện một số thay đổi nhưng rõ ràng với hầu hết người dùng, việc bức ảnh của mình được chia sẻ và lan tỏa mới thực sự là phần thưởng lớn nhất.

Shot on iPhone - chiến dịch quảng cáo cực kỳ hiệu quả của Apple mà hãng smartphone nào cũng muốn học theo - Ảnh 2.

Bức hình được chụp bởi người dùng, từ một chiếc iPhone 6, chễm chệ trên bảng quảng cáo khổng lồ.

Một số quan điểm cho rằng Apple đã học theo GoPro, bởi công ty sản xuất camera này đã sử dụng hình thức quảng cáo dựa trên nội dung do người dùng sản xuất. Tuy nhiên rõ ràng hãng sản xuất iPhone đã tạo nên sự khác biệt và thành công vang dội hơn rất nhiều.

Chưa kể việc không phải thương hiệu nào cũng có thể áp dụng và thành công với mô hình này. Sẽ không dễ để người dùng máy ảnh, máy quay chia sẻ sản phẩm của họ lên mạng xã hội bởi cần qua rất nhiều bước bổ sung, chỉnh sủa. Các công ty sản xuất sản phẩm thông thường cũng không thể yêu cầu người dùng quay video, chụp ảnh sản phẩm của họ mỗi ngày. Nhưng Apple lại dễ dàng nhân rộng mô hình này. Công ty làm được điều đó nhờ vào việc người dùng iPhone luôn sẵn sàng chia sẻ hình ảnh họ chụp được và cho là đẹp, ngay lập tức và mỗi ngày, lên mạng xã hội, đính kèm với hashtag #ShotOnIphone.

Chiến dịch quảng cáo của Apple không chỉ là một cú hích với khách hàng. Nó còn gây được tiếng vang từ giới chuyên môn. Tại liên hoan sáng tạo quốc tế Cannes Lions năm 2015, Apple và công ty quảng cáo TBWA\Media Arts Lab đã mang về giải thưởng "Grand Prix" ở hạng mục ngoài trời, nhờ chiến dịch quảng cáo iPhone 6 với Shot on iPhone.

Cụ thể, 10.000 bảng quảng cáo tại 25 quốc gia trên toàn thế giới, đã trưng bày 77 bức ảnh đẹp do chính người dùng chụp được trên thiết bị iPhone của họ. Các bức ảnh cũng xuất hiện trên các tờ báo, tạp chí, mạng Internet và cả một bộ quảng cáo truyền hình dài 15 giây. Những hình ảnh này đã được nhìn thấy ít nhất 6,5 tỷ lần khác nhau, được đề cập bởi 24.000 KOL và 95% lượt đề cập online là tích cực.

Shot on iPhone - chiến dịch quảng cáo cực kỳ hiệu quả của Apple mà hãng smartphone nào cũng muốn học theo - Ảnh 3.

Một bức ảnh chụp bởi người dùng đáng tin hơn vạn lần so với các hình ảnh trên banner quảng cáo.

Cũng thông qua Shot on iPhone, Apple khéo léo giới thiệu các tính năng mới trên hệ thống camera iPhone của mình. Ví dụ khi ra mắt iPhone 7 và muốn nói rằng camera trên thiết bị này có khả năng xử lý ảnh chụp thiếu sáng tốt hơn các phiên bản trước, Apple đã nhờ tới người dùng hỗ trợ thông qua Shot on iPhone.

Và bằng một cách đơn giản nhất, các bức ảnh chụp đêm ở những nơi như hang động, núi lửa hay các câu lạc bộ đêm đã trở thành minh chứng hùng hồn nhất, được hiển thị và quảng bá trên toàn thế giới. Rất nhanh, Apple đã khiến người dùng biết tới sức mạnh của camera iPhone 7 thay vì tạo ra một thông điệp tiếp thị được trau chuốt bởi từ ngữ và hình ảnh từ các tay máy chuyên nghiệp.

Shot on iPhone - chiến dịch quảng cáo cực kỳ hiệu quả của Apple mà hãng smartphone nào cũng muốn học theo - Ảnh 4.

Shot on iPhone có thể xem là chiến dịch tiếp thị thành công nhất của Apple, từ trước tới nay.

Tuy nhiên, đừng nghĩ rằng Apple không tốn tiền cho nó. Có thể ban đầu, Shot on iPhone chỉ là một ý tưởng cộng đồng nhỏ của hãng công nghệ này và Apple không phải tốn công sức chi phí để thuê các nhiếp ảnh gia chụp hình như các chiến dịch quảng cáo thông thường. Tuy nhiên sau khi nhận thấy thành công và phát hiện tiềm năng của nó, hãng sản xuất điện thoại Mỹ đã chi tiêu mạnh tay hơn. Bên cạnh việc nâng cao giải thưởng cho những bức ảnh đoạt giải, hãng sản xuất iPhone dần chi tiền để thuê các ngôi sao, người nổi tiếng tham gia thực hiện các bức ảnh, video Shot on iPhone. Chẳng phải ngẫu nhiên mà hashtag #ShotOniPhone ngày càng được nhiều người nổi tiếng, nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp trên mạng xã hội sử dụng đến thế khi đăng tải các bức ảnh của mình, điều mà trước đây họ chưa từng làm dù có chụp hình bằng iPhone.

Và bạn cũng có thể xem "Don’t mess with Mother" trên YouTube. Video được tạo bởi Camp4 Collective, một nhóm đạo diễn đã dành thời gian quay những hình ảnh tuyệt đẹp về thiên nhiên hoang dã và môi trường từ khắp nơi trên thế giới. Dù chỉ dài hơn một phút, nhưng nó chứa đầy hình ảnh về voi, ngựa vằn, rắn rít và hải cẩu. Bên cạnh đó là những ngọn núi tuyết, sa mạc và núi lửa.

Video "Don’t mess with Mother", thực hiện bởi iPhone XS.

Đầu năm nay, một báo cáo của Muse cho thấy Apple đang hợp tác với 8 đội khúc côn cầu của giải NHL để các cầu thủ... chụp ảnh lẫn nhau bằng iPhone. Những bức ảnh này sau đó được hiển thị tại các trận đấu mà có những đội này tham dự. Chưa kể nhiều hình ảnh và video sẽ được phát hành thông qua các phương tiện truyền thông xã hội. Và Apple có thể tiếp tục áp dụng chiến lược này cho các môn thể thao khác trong tương lai.

Mới đây nhất, MV ca nhạc "Lose You To Love Me" của nữ ca sĩ Selena Gomez đã được quay hoàn toàn bằng iPhone 11 Pro, ra mắt trên nhiều dịch vụ phát trực tuyến bao gồm Apple Music. Nữ ca sĩ Selena Gomez cũng chia sẻ trên tài khoản Twitter của mình, với hashtag #ShotOniPhone.

Shot on iPhone - chiến dịch quảng cáo cực kỳ hiệu quả của Apple mà hãng smartphone nào cũng muốn học theo - Ảnh 6.

Selena Gomez là ca sĩ đầu tiên thực hiện video ca nhạc quay hoàn toàn bằng iPhone.

Được thực hiện bởi đạo diễn kỳ cựu Sophie Muller, chiếc iPhone 11 Pro đã thể hiện khá tốt khả năng quay video trong các điều kiện ánh sáng yếu, nền tối. Rõ ràng, Apple đã phải bỏ ra không ít ngân sách mới có thể thuyết phục được nữ ca sĩ này gật đầu đồng ý thực hiện MV bằng điện thoại, chứ chưa nói tới công đoạn sản xuất ra nó.

Tuy nhiên, các khoản ngân sách khổng lồ chi cho việc quảng bá chương trình Shot on iPhone này rõ ràng đáng giá tới từng đồng. Nó khiến cho người dùng chuyên nghiệp và cả thông thường có thêm tự tin để tự mình sản xuất ra các sản phẩm sáng tạo của riêng mình, chỉ với một chiếc smartphone có logo quả táo gắn sau lưng.