Đầu năm 2020, Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai (Cục Hải quan Lào Cai) đã có thông báo gửi Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu nông sản An Bình “bác bỏ” trị giá khai báo tờ khai xuất khẩu quặng sắt của công ty này với mức giá 890.000 đồng/tấn.

Cụ thể, sau khi thẩm định lại, Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai đã xác định trị giá hải quan với lô hàng quặng sắt limonit (mã số HS 2601119090, hàm lượng Fe bằng 54% độ ấm tự nhiên) của Công ty An Bình (Lào Cai) là 1.030.000 đồng/tấn, thay vì chấp nhận giá doanh nghiệp kê khai chỉ là 890.000 đồng/tấn.

Mới đây, Công ty TNHH Đức Sơn cũng đã đăng ký một tờ khai xuất khẩu quặng sắt và khai báo giá trị hải quan khi xuất khẩu qua cửa khẩu Thanh Thuỷ (Hà Giang) là 835.000 đồng/tấn.

Theo tìm hiểu, đây là tinh quặng đã qua tuyển rửa, giá thành cao hơn quặng chưa tuyển rửa. Giá thị trường giao động từ 1,2-1,3 triệu đồng/tấn (quy khô).

{keywords}
Việc xuất khẩu quặng sắt cần phải được quản lý chặt, ưu tiên sử dụng trong nước.

Chia sẻ về trường hợp này, đại diện Chi cục Hải quan cửa khẩu Thanh Thủy cho biết: Giá doanh nghiệp khai báo là giá giao dịch đến cửa khẩu xuất. Hải quan tham vấn giá của mình dựa trên các tài liệu chứng từ có liên quan và giải trình của doanh nghiệp.

Qua kiểm tra, hải quan cho biết không đủ cơ sở bác bỏ trị giá khai báo của doanh nghiệp.

Đây có lẽ là vấn đề cần làm rõ. Tại sao hải quan cửa khẩu Lào Cai áp giá 1.030.000 đồng/tấn quặng sắt với Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu nông sản An Bình mà Hải quan cửa khẩu Thanh Thủy lại chấp nhận giá 835.000 đồng/tấn tinh quặng đã qua tuyển rửa của Công ty TNHH Đức Sơn? Với thuế suất xuất khẩu lên tới 40%, việc thẩm tra, xác định giá trị hải quan với trường hợp này sẽ là điều cần thiết để không làm thất thu ngân sách.

Nói về lý do Thủ tướng đã có lệnh rà soát lại việc xuất khẩu quặng sắt mà doanh nghiệp vẫn được làm thủ tục xuất, lãnh đạo Hải quan cửa khẩu Thanh Thủy cho biết chỉ đạo của Thủ tướng áp dụng với quặng sắt thô, còn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp là tinh quặng sắt đã qua chế biến.
Việc xuất khẩu được thực hiện theo giấy phép của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, Hải quan Thanh Thủy cũng cho hay đang tham vấn lại giá xuất khẩu trường hợp này.

Liên quan đến tình trạng xuất lậu quặng sắt, Tổng cục Hải quan, Bộ Công an cũng đã cho nhiều doanh nghiệp vào tầm ngắm. Tháng 3/2020, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an (A09) đã ra quyết định bổ sung khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với nhiều bị can liên quan vụ việc Công ty CP Diệp Bảo Anh xuất lậu quặng sắt. Trước đó, tháng 8/2019, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, Đội 7, Cục Điều tra chống buôn lậu đã tiến hành điều tra, xác minh đối với Công ty cổ phần Diệp Bảo Anh (Công ty Diệp Bảo Anh), địa chỉ tại số 074 đường Sơn Đạo, phường Cốc Lếu, TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai.

Căn cứ kết quả điều tra, cơ quan hải quan xác định toàn bộ số hàng hóa 56.781,29 tấn thuộc 79 tờ khai (bao gồm cả Tờ khai số 302159717330/B11 ngày 17/10/2018) do Công ty Diệp Bảo Anh làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai, xuất khẩu hàng hóa khai báo là “Xỉ có thành phần chính là Fe2O3, SiO2,... thu được từ công nghệ luyện thép đã được tinh chế dạng bột”, thực tế đều là tinh quặng sắt. Toàn bộ số hàng hóa này không có nguồn gốc hợp pháp. Trị giá hàng hóa vi phạm khoảng gần 66,6 tỷ đồng.

Liên quan đến vấn đề quản lý xuất khẩu quặng sắt, cuối tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có chỉ đạo quyết liệt về việc quản lý hoạt động chế biến và xuất khẩu khoáng sản, nhất là quặng sắt.

Chỉ đạo của Thủ tướng nêu rõ, để đáp ứng yêu cầu nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước trong điều kiện khó khăn về nhập khẩu do đại dịch Covid-19, Thủ tướng giao Bộ Công thương báo báo Thủ tướng tình trạng xuất khẩu khoáng sản thô vừa qua, nhất là quặng sắt, bởi có thông tin cho rằng thậm chí có tình trạng xuất lậu lớn.

Thủ tướng lưu ý các bộ ngành, địa phương thực hiện nghiêm các nghị quyết của Bộ Chính trị, quyết định năm 2011 của Thủ tướng đối với việc không xuất khẩu khoáng sản thô, trong đó có quặng sắt, đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất thép trong nước.

Hải Nam