Gần đây, quảng cáo thuốc đông y "nhà tôi 3 đời nhận chữa", “chỉ cần để lại số điện thoại, chúng tôi sẽ tư vấn tận tình miễn phí", hay thuyết phục hơn “không khỏi không lấy tiền”... xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội YouTube khiến nhiều người dùng cảm thấy khó chịu và ám ảnh.

Thực tế, vì mức lợi nhuận "khủng" nên nhiều đơn vị kinh doanh đang bất chấp mọi quy định của cơ quan chức năng để đầu tư chạy quảng cáo thực phẩm đội lốt thuốc đông y gia truyền. Bởi mạng xã hội YouTube được xem là mảnh đất màu mỡ để họ khai thác, tìm kiếm khách hàng tiềm năng.

Nhập 58.000 đồng bán 1,3 triệu đồng

Theo tìm hiểu, trên thị trường các loại thực phẩm chức năng, thuốc đông y có giá bán dao động 400.000-1,5 triệu đồng. Nhưng thực chất sản phẩm chỉ có giá vài chục nghìn đồng.

Liên hệ một nhà máy chuyên sản xuất các loại thực phẩm chức năng như: Xương khớp, tiểu đường, dạ dày viêm gan, tiền đình... mới thấy mức chênh lệch giữa giá sỉ so với giá bán lẻ cho khách hàng quá lớn.

{keywords}
Một lọ thuốc sau khi được gia công tem mác dán lọ chỉ có giá 35.000 đồng nhưng bán ra thị trường giá lên đến 400.000 đồng. Ảnh: L.D.

Chẳng hạn, một sản phẩm chữa xương khớp có giá bán trên thị trường là 1,3 triệu đồng/hộp nhưng thực chất đầu mối báo giá nhập sỉ loại thực phẩm chức năng này chỉ 62.000 đồng/hộp nếu lấy số lượng dưới 1.000 hộp, trên 1.000 hộp giá chỉ còn 58.000 đồng/hộp.

Như vậy, từ giá sỉ tới giá bán lẻ bán ra, các đơn vị kinh doanh loại thuốc xương khớp này lãi khoảng trên 2.200%. Đáng nói, sản phẩm được khẳng định có đầy đủ giấy chứng nhận, kể cả hoá đơn VAT.

Tương tự, anh Dũng, một đầu mối chuyên sản xuất, gia công và phân phối sỉ, lẻ các loại thuốc đông y mời chào mức giá nhập sỉ "rẻ bất ngờ". "Cả hộp thuốc dạ dày hoàn thiện đầy đủ tem mác là 35.000 đồng/lọ, nếu lấy số lượng trên 1.000 lọ. Giá bán lẻ ra thị trường tuỳ đại lý phân phối nhưng trung bình một liệu trình 3 hộp có giá khoảng 1,2 triệu đồng", anh nói.

Gần một năm làm nghề gọi điện tư vấn bán "thuốc đông y", chị Lan Anh (Hưng Hà, Thái Bình) tiết lộ thực phẩm chức năng công ty chị cũng đặt xưởng sản xuất với số lượng lớn, giá chỉ vài chục nghìn đồng/hộp. Nhưng bán ra thì giá trên dưới 1 triệu đồng/hộp. "Thậm chí, gọi cho khách hàng hai, ba lần không chốt được thì chuyển sang ưu đãi 'mua một tặng một' với giá 650.000 đồng/hộp", chị kể.

"Thuốc của các công ty đông y bán theo kiểu online thì 90% đều là rác chứ đừng nói là thuốc", chị Nhung, một người từng có 2 năm làm nghề tư vấn thuốc đông y chữa gan, thận khẳng định. Bởi chị đã từng chứng kiến 3-4 nhân viên ngồi trong kho đóng gói thủ công và không có bất kỳ thông tin nào trên bao bì.

Thu nhập hàng trăm triệu đến vài tỷ đồng/tháng

Chỉ cần ngồi gọi điện tư vấn, chốt đơn dưới cái mác y sĩ, dược sỹ chuyên nghiệp, mỗi nhân viên có thể nhận được trung bình 8-11 triệu đồng/tháng, thậm chí trên 20 triệu đồng nếu chốt được nhiều sản phẩm.

"Một người trong nhóm tôi từng chốt kỷ lục được 1 tỷ đồng/5 tháng. Những công ty có nhân viên chốt được nhiều sản phẩm, mỗi tháng thu về hàng trăm triệu đến vài tỷ đồng là điều bình thường", chị D.L bình luận.

Đáng nói, các cơ sở kinh doanh loại thuốc đông y này liên tục tuyển nhân viên telesale với mức lương cứng mỗi tháng chỉ 3-4 triệu đồng nhưng thưởng hoa hồng bán sản phẩm lên đến 10-20 triệu đồng. Việc nhẹ, lương cao, công việc này đã và đang lôi kéo rất nhiều người trẻ tham gia hoạt động kinh doanh trái phép. Ở đây, dường như mọi chuẩn mực đạo đức, mọi quy định của pháp luật đều bị gạt sang một bên, tất cả chỉ vì mục đích kiếm tiền.

Siêu lợi nhuận cộng thêm sự lỏng lẻo trong công tác quản lý mặt hàng này khiến thị trường thuốc đông y giả đang trở nên hỗn loạn giăng bẫy người tiêu dùng…

{keywords}
Quảng cáo thuốc đông y tràn lan trên YouTube nhiều ngày qua. Ảnh chụp màn hình.

“Xem qua hình thức trình bày của các mẩu quảng cáo, tôi nghi ngờ về uy tín của các cơ sở này. Những đơn vị chất lượng thật sự như các bệnh viện, nhà sản xuất thuốc lớn, có chuyên môn sẽ không truyền thông kiểu như vậy”, ông Trần Quốc Thúc, Phó chủ tịch Hội Đông Y quận 1, TP.HCM chia sẻ.

Theo ông Thúc, sản phẩm trong các quảng cáo “ba đời nhà tôi nhận chữa dứt điểm” thuộc danh mục thuốc kê đơn. “Những nội dung quảng cáo ‘ba đời nhà tôi trị dứt điểm’ có thể chưa được Cục cấp phép bởi quá trình phê duyệt không chấp nhận những nội dung phản cảm như vậy”, ông nói thêm.

Mới đây, ngày 1/12, Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã thành lập Tổ công tác 399 gồm 11 thành viên là nòng cốt, chuyên gia từ các bộ ngành để thực hiện Kế hoạch 399/QĐ-BCĐ389 về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.

Theo đó, sau khi được thành lập tổ sẽ tập trung nghiên cứu, rà soát các trang website, lập danh sách các trang có quảng cáo sai sự thật, gian lận thông tin trên thương mại điện tử.

"Thuốc giả, rồi thực phẩm chức năng kém chất lượng bán đầy rẫy trên mạng, chúng ta nên tập trung xử lý mặt hàng này trước vì dễ nhận diện", ông Đàm Thanh Thế chỉ đạo.

(Theo Zing)