Hai lần vượt ngục trộm siêu xe
Lý Hồng Đào sinh năm 1966 tại Hồ Bắc, Trung Quốc. Ngay từ khi còn nhỏ, Lý Hồng Đào đã bộc lộ năng khiếu toán học và khả năng ghi nhớ phi thường. Năm cấp 2, Hồng Đào từng đạt giải nhì cuộc thi toán quốc gia.
Năm 1984, nam sinh quê Hồ Bắc được nhận vào Khoa Điện tử của Đại học Chiết Giang với số điểm xuất sắc.
Bốn năm sau, tốt nghiệp ra trường, Hồng Đào cùng bạn gái đến Côn Minh và được phân về một nhà máy lớn làm việc. Một năm sau, cả hai kết hôn và có cuộc sống khá yên ổn.
Ngày nào cũng hoạt động đều đặn theo một thời khóa biểu quen thuộc, Hồng Đào cảm thấy nhàm chán, rơi vào trầm cảm và thường xuyên cáu gắt. Hai năm sau kết hôn, Hồng Đào tìm thấy niềm vui mới khi nảy sinh tình cảm với một nữ sinh đại học.
Việc "ăn vụng" này sớm không qua được mắt của người vợ. Vào những năm 1990, ngoại tình là một vấn đề lớn liên quan đến đạo đức, bị xã hội Trung Quốc lên án gay gắt. Hồng Đào sau đó bị vợ ly hôn đồng thời cũng bị nhà máy sa thải.
Ngay khi tay trắng, không gia đình, không công việc, Hồng Đào chợt nảy ra ý tưởng khởi nghiệp. Tuy nhiên, khởi nghiệp cần có tiền, Hồng Đào - một gã đàn ông thất nghiệp không biết lấy đâu ra tiền.
Trong lúc chán chường, Hồng Đào chợt nhớ lại các kỹ năng lúc còn đi làm và phát hiện ra một vài sơ hở trong việc giao dịch tiền nong giữa ngân hàng và doanh nghiệp.
Hồng Đào nghĩ đến một công ty mà anh ta đã hợp tác khi còn làm việc. Vốn được mệnh danh là một "siêu trí nhớ" từ khi còn đi học, Hồng Đào dễ dàng nhớ lại được con dấu công ty. Vì vậy, anh ta đã làm giả con dấu của công ty này, lừa ngân hàng chuyển khoản 80.000 nhân dân tệ, một số tiền rất lớn vào năm 1990.
Thấy kiếm tiền quá dễ, ngày 18/4/1992, Lý Hồng Đào dùng thủ đoạn này để tiếp tục đi lừa đảo nhưng anh ta lại bị cảnh sát tóm ngay tại chỗ. Khi bị bắt, Hồng Đào không hề có chút hoảng loạn hay lo lắng bởi lúc đó trong đầu anh ta đang nung nấu về một ý tưởng vượt ngục.
Khi được đưa về đồn, Lý Hồng Đào bị còng và ngồi trong một góc chờ thẩm vấn. Lợi dụng lúc cảnh sát ăn cơm trưa, anh ta lén dùng một sợi dây thép làm chìa khóa để mở còng tay, nhanh chóng bước ra khỏi đồn cảnh sát.
Sau khi bỏ trốn, Hồng Đào trở về nhà tiêu hủy hết các bằng chứng liên quan đến vụ án rồi bắt chuyến tàu đến Quý Dương, định sống một cuộc sống ẩn dật, làm lại cuộc đời. Tuy nhiên, không được bao lâu, vì cảm thấy nhớ nhung người tình đang học ở Đại học ở Côn Minh, anh ta nảy ra một ý tưởng táo bạo: Trộm xe về thăm bạn gái.
Mục tiêu của Hồng Đào là một chiếc xe Audi. Để trộm được chiếc xe này, Hồng Đào đã đứng đợi ở góc đường suốt 5 tiếng đồng hồ.
Anh ta đứng đó suốt một thời gian dài không phải để chờ thời cơ phá cửa xe hay đập kính mà để chờ chủ xe xuất hiện. Hồng Đào sau đó tiến tới bắt chuyện cùng chủ xe. Anh ta tỏ ra rất hiểu biết về chức năng của xe, thậm chí mượn được chìa khóa để xem trong nửa phút. Chỉ trong vòng nửa phút, anh ta đã ghi nhớ được cấu trúc của bánh răng chìa khóa để về chế tạo ra một chiếc y hệt.
Tối 26/4/1992, Hồng Đào lần mò đến nhà chủ xe theo địa chỉ dò hỏi được trước đó trong cuộc trò chuyện và ung dung lái xe rời đi.
Lấy trộm chiếc xe chưa được bao lâu thì Hồng Đào chợt lo lắng nghĩ đến việc mình sẽ dễ dàng bị phát giác với một chiếc xe siêu sang. Bởi vào thời điểm đó, những người sở hữu ô tô rất ít, người có xe Audi thì chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Chính vì vậy trên đường bỏ trốn, Hồng Đào đã bỏ xe lại bên đường, sau đó trộm một chiếc xe cảnh sát khi tình cờ nhìn thấy chiếc xe này đậu trước cửa một khách sạn.
Sau khi trở về Côn Minh, siêu trộm thường xuyên ghé thăm bạn gái. Từ manh mối này, cảnh sát đã tóm gọn Hồng Đào 2 tháng sau đó. Khi bị bắt, Hồng Đào không quanh co chối tội mà chủ động khai báo lộ trình của mình trong suốt thời gian trốn chạy.
Sự chủ động ấy khiến cảnh sát cảm thấy nghi ngờ. Vì vậy, dựa trên những gì mà tên tội phạm này khai nhận, cảnh sát đã tiến hành một cuộc điều tra xác minh.
Do địa bàn liên quan quá rộng nên cảnh sát phải mất 3 tháng để làm việc. Trong thời gian này, Đào thấy buồn chán nên đã thách thức cảnh sát rằng, nếu trong 3 tháng không hoàn thiện hồ sơ thì anh ta sẽ bỏ trốn. Viên cảnh sát nghe thấy thế liền cười khẩy và cho rằng Hồng Đào quá ngông cuồng.
Thái độ của viên cảnh sát khiến tội phạm "siêu trí nhớ" này cay cú. Gần 3 tháng sau, Hồng Đào âm thầm tìm cách lấy lại tự do. Anh ta nghiên cứu kết cấu trại tạm giam và chuẩn bị cho cuộc vượt ngục thứ hai.
Hồng Đào rủ thêm 2 người bạn cùng phòng dành nhiều đêm để đào một đường hầm dẫn ra bên ngoài bức tường. Tên siêu trộm sau đó đã trốn thoát thành công qua đường hầm, nhưng hai đồng phạm lại bị quản giáo phát hiện kịp thời.
Sau khi đào tẩu, Đào trốn đến thành phố Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây. Trong quá trình lang thang, anh ta nhìn thấy một chiếc ô tô Peugeot đậu ở bãi xe vắng người. Hồng Đào muốn lấy chiếc xe đó để làm phương tiện di chuyển nhưng tiếc rằng trong tay anh ta không có đồ nghề làm chìa khóa.
Không từ bỏ, Hồng Đào quyết định gọi xe cứu hộ đến và nói rằng chiếc xe này của anh ta bị lỗi, cần vận chuyển đến cửa hàng sửa chữa. Khi đến tiệm sửa xe, Hồng Đào sử dụng đồ nghề của tiệm, nhanh chóng nổ máy lên xe phóng đi.
Tuy nhiên, chạy trốn mãi cũng chán, Hồng Đào bắt đầu thấy mệt mỏi và suy nghĩ về những ý tưởng liên quan đến động cơ xe ô tô. Thời điểm đó, anh ta thấy hứng thú với việc phát minh ra một động cơ không chổi than, khắc phục nhược điểm của động cơ có chổi than hiện tại.
Phát minh thúc đẩy sự phát triển của nền công nghiệp ô tô Trung Quốc
Vốn tốt nghiệp chuyên ngành điện tử, siêu trộm này luôn không hài lòng với những động cơ có chổi than trên thị trường lúc bấy giờ. Bởi động cơ có chổi than có quá nhiều nhược điểm như ma sát lớn, tổn hao nhiều nhiên liệu, sinh nhiệt lớn, tuổi thọ ngắn...
Để hiện thực hóa ý định của mình, ngày 8/12/1992, Hồng Đào quyết định ra đầu thú để vào tù và nghiên cứu về động cơ không chổi than. Anh ta nghĩ, vào tù sẽ không lo bị bắt cũng không phải lo về chỗ ở hay chi phí sinh hoạt hàng ngày. Anh ta không ngần ngại trình bày nguyện vọng của mình với trại giam và mong muốn được họ tạo điều kiện cho mình nghiên cứu.
Trước đó, động cơ không chổi than được cung cấp độc quyền bởi công nghệ Nhật Bản. Các công ty Trung Quốc bị hạn chế bởi bản quyền sáng chế, nếu có thể tự phát minh ra động cơ không chổi than thì sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho công nghiệp ô tô nước này.
Sau khi nghe ý tưởng của Hồng Đào, quản lý trại giam nghĩ rằng phát minh này nếu thành công sẽ rất có lợi cho người dân. Vì vậy ông đã đặc biệt đặc cách cho siêu trộm sử dụng một phòng riêng của nhà tù làm phòng thí nghiệm.
Tuy nhiên, vì thiết bị nghiên cứu trong quá tù thô sơ nên Hồng Đào liên tục gặp thất bại. Thời điểm này, bản án của tòa án đã được đưa ra. Lý Hồng Đào bị kết án tử hình vì các tội danh như trộm cắp, lừa đảo và bỏ trốn. Sau phiên tòa phúc thẩm vào tháng 12/1993, tòa phê chuẩn bản án tử hình của Đào, thi hành án trong 7 ngày.
Trong thời gian đợi thi hành án, Hồng Đào vẫn không ngừng nghiên cứu, đồng thời ghi chép lại tài liệu với mong muốn có người nào đó sẽ tiếp tục công trình dang dở này của anh ta. Xúc động trước tinh thần làm việc nghiêm túc ấy, quản lý trại giam đã mời các chuyên gia nổi tiếng về trợ giúp anh ta.
Dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia, Lý Hồng Đào dần dần nhận ra một số điểm mấu chốt trong các thí nghiệm của mình. Và chỉ vài giờ trước khi bị hành quyết, động cơ không chổi than do Hồng Đào sáng chế ra bắt đầu quay.
Quản lý trại giam vô cùng vui mừng và nghĩ rằng, nếu để một nhân tài như này chết thì quá uổng phí. Vì vậy, người này đã làm đơn xin yêu cầu hoãn thi hành án với Hồng Đào. Các cấp có thẩm quyền cao hơn liên tục nhận được các văn bản kiến nghị hỏa tốc.
Động cơ không chổi than do Hồng Đào phát minh sau đó đã giành được huy chương vàng của Triển lãm Phát minh Sáng chế Quốc gia và giải nhất về Phát minh và Sáng chế xuất sắc của Vân Nam.
Ngày 16/3/1995, Tòa án cấp cao tỉnh Vân Nam đã tuyên giảm án tử hình đối với Lý Hồng Đào. Tên tội phạm "thiên tài" sau đó chịu bản án 17 năm tù. Trong thời gian ở tù, siêu trộm này đã thực hiện thêm nhiều sáng chế, phát minh liên quan đến các mô hình tiện ích. Hồng Đào còn được biết đến là người có công sáng chế ra thế hệ thẻ thông minh đầu tiên ở Trung Quốc.
Năm 2002, anh ta còn giúp nhà tù cải thiện hệ thống quản lý, giám sát an ninh. Năm 2009, Hồng Đào được ra tù sớm vì cải tạo tốt và có nhiều đóng góp trong tù. Sau khi Hồng Đào được trả tự do, một công ty nghiên cứu khoa học đã thuê anh với mức lương cao để chịu trách nhiệm nghiên cứu và phát triển trong công ty.
Theo Dân trí