Huyện Lắk nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Đắk Lắk, huyện có 24 dân tộc anh em cùng sinh sống, riêng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 63%. Đến đầu năm 2024, tỷ lệ số hộ nghèo toàn huyện là 20,95%; hộ cận nghèo là 16,77%. Đại đa số hộ nghèo, cận nghèo trong huyện là đồng bào dân tộc thiểu số. Tại huyện này, chăm lo cho người dân nghèo, 100% người nghèo, cận nghèo, người có công, trẻ em dưới 6 tuổi,… được cấp thẻ BHYT.
Đến nay, huyện Lắk không còn là huyện nghèo của tỉnh nhưng đời sống bà con vẫn còn nhiều khó khăn, cần sự chung tay hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng bên cạnh ý chí vươn lên của đồng bào. Cấp ủy đảng và chính quyền địa phương xác định giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Huyện đã lồng ghép triển khai nhiều chương trình, hoạt động, mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nghèo nơi đây.
Lồng ghép các nguồn lực tập trung cho hộ nghèo, cận nghèo
Theo báo cáo của UBND huyện Lắk (Đắk Lắk), tổng số kinh phí phân bổ thực hiện Chương trình MTQG bền vững tại huyện là 9,7 tỷ đồng. Trong đó, gần 2,1 tỷ đồng dành cho việc hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp các mô hình chăn nuôi bò sinh sản, heo, gà, vịt, cây ăn quả.
Gia đình anh Lữ Văn Thêm tại buôn Ea Ring, xã Ea R’bin, huyện Lắk, thuộc diện hộ nghèo. Tháng 6/2024, gia đình anh đón nhận niềm vui khi con bò giống lai Sind đã sinh một con bê khoẻ mạnh. Đây là con bò giống được trao tặng từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Anh kể, gia đình có ít đất sản xuất, hằng ngày chủ yếu ai thuê gì làm nấy nên khi được tặng bò giống và nay có thêm bê con, vợ chồng anh có thêm cơ hội thoát nghèo.
Tại xã vùng sâu Ea R’bin nơi anh Thêm sinh sống, các chương trình MTQG trong đó có chương trình Giảm nghèo bền vững thực sự là bệ đỡ sinh kế giúp hỗ trợ hàng trăm hộ dân giống cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế gia đình.
Trong 2 năm (2023 và 2024), 81 hộ dân nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo tại xã này được trao bò giống sinh sản, với tổng kinh phí thực hiện hơn 1,26 tỷ đồng. Mỗi hộ được hỗ trợ một con bò cái sinh sản (bò lai Sind) có trọng lượng từ 120 kg trở lên. Các hộ tham gia dự án được bảo hành vật nuôi trong thời gian 12 tháng, nếu vật nuôi không sinh sản hoặc có bất cứ vấn đề gì về chất lượng con giống sẽ được đổi bù.
Mới đây, từ nguồn kinh phí gần 100 triệu đồng từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024, UBND xã Nam Ka đã hỗ trợ 527 cây sầu riêng Dona cho các hộ dân nghèo, cận nghèo trên địa bàn. Cùng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế và hỗ trợ của doanh nghiệp, tổng cộng xã hỗ trợ gần 1.300 cây sầu riêng Dona cho 52 hộ dân trên địa bàn với tổng kinh phí 273 triệu đồng.
Cuối tháng 11, 31 hộ nghèo, cận nghèo xã Nam Ka cũng được nhận 31 bò sinh sản từ nguồn vốn Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Mỗi con bò được hỗ trợ trọng lượng từ 120kg, được hỗ trợ cho các hộ thực hiện trong 2 năm. Các hộ tham gia dự án được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản và được cán bộ thú y đến kiểm tra, hướng dẫn chăm sóc vật nuôi theo quy trình để bò sinh sản tốt.
Cũng lựa chọn bò giống là sinh kế cho các hộ nghèo có cơ hội vươn lên, tháng 10, UBND xã Yang Tao tổ chức cấp con bò giống cho 16 gia đình từ Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong nông nghiệp thuộc Tiểu dự án 1, Dự án 3, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Mỗi hộ gia đình được hỗ trợ 1 con bò sinh sản, loại bò địa phương có trọng lượng từ 184-215 kg, từ 20-22 tháng tuổi. Ngoài nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ gần 400 triệu đồng, các hộ dân được hỗ trợ bò giống cũng bỏ vốn đối ứng hơn 24 triệu đồng.
Hỗ trợ cho người nghèo phù hợp điều kiện địa phương
Việc lựa chọn con giống, cây trồng để hỗ trợ cho người dân nghèo, cận nghèo tại huyện Lắk được thực hiện trên cơ sở khảo sát nhu cầu, đặc điểm điều kiện tự nhiên trên địa bàn.
Đơn cử, xã Yang Tao lựa chọn con ngan giống để hỗ trợ cho 10 hộ nghèo, cận nghèo 130 con từ nguồn vốn chương trình MTQG. Lý giải về sự lựa chọn này, xã cho biết nuôi ngan không cần phải đầu tư nhiều về chuồng trại, người dân có thể tận dụng khoảng trống ở vườn và tận dụng thời gian nhàn rỗi để chăm sóc. Việc nuôi ngan cũng giúp các hộ dân có điều kiện phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, cải thiện dinh dưỡng, tăng thu nhập cho bà con. Đây là giải pháp giảm nghèo "nhiều trong một", theo hướng đa chiều.
Theo đánh giá, các dự án từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững mang ý nghĩa thiết thực. Đây được xem là hỗ trợ "cần câu thay xâu cá" bởi hoạt động này góp phần tạo việc làm ổn định, khuyến khích ý chí vươn lên cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo.
Huyện Lắk cũng tiếp tục vận động người dân chuyển đổi các loại cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả bằng các loại cây, vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao, trở thành hướng đi bền vững, giúp người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.
Năm 2025, huyện Lắk phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều từ 3-4%; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân trên 3,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân trên 3,5%/năm.