Để đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ, Síp sẽ buộc phải đóng cửa ngân hàng lớn thứ hai của mình.
Theo đó Síp sẽ tiến hành đóng cửa ngân hàng lớn thứ hai của mình là Popular Bank of Cyprus (Laiki). Bank of Cyprus – ngân hàng lớn nhất của Síp sẽ tiếp quản một phần tài sản của Laiki cùng với tất cả các khoản vay khẩn cấp mà Laiki đã nhận từ ECB, lên tới 9 tỷ euro.
Các khoản tiền gửi dưới 100.000 euro từ ngân hàng này sẽ được chuyển sang Bank of Cyprus. Các khoản tiền gửi trên 100.000 euro sẽ được giữ lại và đối mặt với một khoản thuế cao, hiện mức thuế này vẫn chưa được công bố, nhưng theo một số nguồn tin thì mức thuế suất này có thể lên tới 40%. Sau đó ngân hàng này sẽ bị đóng cửa.
gioi thieu |
Các khoản tiền của người gửi tại Laiki bank sẽ được dùng để tạo quỹ giải cứu 5,8 tỷ euro mà các nhà tài trợ yêu cầu để đổi lại việc giải ngân khoản cứu tợ 10 tỷ euro.
Tổng thống Síp Nicos Anastasiades phát biểu với báo giới rằng đây là điều có lợi nhất cho người dân Síp và Liên minh châu Âu (EU).
Richard Iley, chuyên gia kinh tế của ngân hàng Pháp BNP Paribas cho rằng, mặc dù CH Síp không đóng vai trò quá quan trọng trong hệ thống nhưng việc họ rời khỏi eurozon có thể trở thành một tiền lệ rằng việc một thành viên rời bỏ đồng tiền này không phải là không thể.
Sau khi thông tin về thỏa thuận được công bố, đồng Euro đã tăng so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác, đồng euro đã tăng 0,3% so với USD lên 1.3034 USD/EUR, đồng euro tăng 0,8% so với đồng yên Nhật lên 123,7 JPY/EUR., thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt tăng điểm.
Mặc dù đạt được thỏa thuận nhưng các ngân hàng tại Síp vẫn phải đối mặt với nạn rút tiền ồ ạt trong dân chúng. Để ngăn chặn tình trạng này, một số ngân hàng đã phải hạ giới hạn mức rút tiền tại các máy ATM. Theo đó, mỗi ngày chủ thẻ của ngân hàng Popular Bank of Cyprus chỉ được rút tối đa 100 euro so với mức trước đó là 260 euro và 700 euro trước khủng hoảng. Còn tại ngân hàng Bank of Cyprus và Hellenic Bank thì hạn mức này là 120 euro/ngày.
Nhị Anh (tổng hợp)