Một nhà Hiền triết xưa đã từng khẳng định: “Phần lớn con người trông đẹp và thuần hậu nhất khi ngủ”. Và chỉ một giấc ngủ của người đẹp mà nhân gian mộng mị với bao kiệt tác hội họa xưa nay, để lại cho đời sau như một chuẩn mực cái đẹp bất tử của mỹ nhân. Trong đó có thể nói bức “Sleeping Venus” - 'Vệ nữ ngủ' của danh họa Giorgione - Italia (1477- 1510), là một biểu tượng tuyệt mỹ khi người đẹp ngủ, được xem như mẫu mực của vẻ đẹp mỹ nhân.
Xã hội Vạn vật Trí tuệ Nhân tạo (AIWS) vinh danh tác phẩm này là một trong những Thành tựu Mỹ thuật cho Muôn đời. Lịch sử hội họa phương Tây đã hoàn toàn đổi mới trong thời kỳ Phục Hưng (Renaissance). phẩm này của Giorgione là một trong những Thành tựu Mỹ thuật cho Muôn đời.
Sau hàng trăm năm bị lãng quên, bị vùi dập, những tinh hoa văn hóa từ thời Hy Lạp- La Mã cổ đại một lần nữa thức dậy trong thế kỷ 14 kéo dài đến thế kỷ 16, gần như cả châu Âu đã chuyển mình sang một loại hình mỹ thuật hoàn toàn mới, và chính thời kỳ này, nhân loại đã có được kho tàng tài sản vô giá, những kiệt tác mỹ thuật mang giá trị tinh hoa bất tử của thế giới loài người và vạn vật.
Danh họa Giorgione, tên đầy đủ là Giorgio Barbarelli da Castelfranco, sinh năm 1477 tại Castelfranco Veneto, Italia (mất vào tháng 8/1510). Là một họa sĩ người Italia thời Phục Hưng ở Venice đang vào đỉnh cao. Sự nghiệp của ông đã bị đứt đoạn khi qua đời mới hơn 30 tuổi, để lại nhiều nuối tiếc cho giới mỹ thuật đương thời. Giorgione được biết đến với những tác phẩm mang tính cách đầy chất thơ, nhưng khá khó hiểu bởi hình như ý tưởng của ông luôn đi trước thời đại. Số tác phẩm của ông không nhiều và sót lại cũng rất ít (chỉ còn khoảng 6 tác phẩm), nhưng không lẫn với người khác bởi phong cách, cho dù cũng có khá nhiều nghi hoặc bởi sự “hao hao” ở một số tác phẩm của cộng sự và bạn bè cùng thời thường được cho là của ông.
Chính sự không chắc chắn về danh tính và ý nghĩa tác phẩm của ông đã khiến ông là một trong những nhân vật bí ẩn nhất của nền hội họa châu Âu. Tác phẩm ông để lại không nhiều, nhưng đều là những tác phẩm gây nhiều tranh cãi trong giới: Đức Mẹ và Chúa hài đồng, 1503-1504; Sự chiêm bái của các mục đồng, khoảng 1505-1510; Sự chiêm bái của các đạo sĩ, 1506-1507; Judith, 1504; Thanh niên trẻ và cung tên, khoảng 1505; Bà lão, 1500-1510; Ba nhà triết học, vẽ khoảng năm 1505- 1506; Chân dung một thanh niên, 1505; Người phụ nữ trẻ "Laura", 1506; Những cơn giông tố, 1508; Buổi hòa nhạc trong vườn, 1509; Chân dung một thanh niên, 1510; Vệ nữ ngủ, 1508 - 1510; Năm 1507 - 1508 Giorgione được nhà nước đặt hàng thực hiện các bức tranh tường trên Fondaco dei Tedeschi (kho của nhà nước Italia dành cho các thương nhân người Đức) được dựng lại.
Và tác phẩm của ông ở tòa nhà này vẫn còn cho đến ngày nay, cũng là một “bảo vật” của Italia. Giorgione đương thời nổi tiếng là họa sĩ đào hoa, đẹp trai. Ông chơi đàn lute (được xem như tiền thân của đàn guitar) rất hay và thường lấy món tài lẻ này để quyến rũ phụ nữ. Ông chinh phục được những người đẹp nổi tiếng ở thành Venice và thường thuyết phục họ làm mẫu cho các bức vẽ của mình Giorgione là một bậc thầy hội họa của phong trào Phục Hưng. Cuộc đời của ông ngắn ngủi, để lại không nhiều tác phẩm và trong số đó, “Sleeping Venus”(1508- 1510) là bức tranh nổi tiếng nhất.
Điều đặc biệt là khi Giorgione mất, bức tranh vẫn còn dang dở, còn thiếu phong cảnh nền, và Titian- Tiziano Vecelli hay Tiziano Vecellio (1490- 1576), một danh họa vĩ đại khác của thời Phục Hưng, được những người đương thời công nhận là "Mặt trời giữa những ngôi sao nhỏ", vừa là học trò, người trợ lý, vừa là bạn của ông đã hoàn thành bức tranh bằng cách vẽ thêm phong cảnh và bầu trời. “Sleeping Venus”, tranh sơn dầu trên canvas (vải bố), có khổ 108.5cm x 175cm, hiện được trưng bày ở Viện Bảo tàng nghệ thuật Gemäldegalerie Alte Meister, thành phố Dresden, CHLB Đức.
Tranh vẽ nàng Venus, nhân vật bước ra từ thần thoại Hy Lạp - La Mã, biểu tượng cho sắc đẹp, tình yêu và sự trù phú, đang nằm ở tư thế ngả nghiêng người duỗi theo chiều dài của bức tranh, phô diễn mọi vẻ đẹp thanh tân của nàng với thân hình đẫy đà, những đường cong tinh tế, mắt nhắm nghiền như đang ngủ, mặt khẽ quay về hướng người xem, tay phải làm gối, tay trái đặt hờ lên cơ thể, chân trái duỗi đặt trên chân phải hơi co lại… Venus nằm ngủ trong khung cảnh cảnh thiên nhiên làm nền với bờ biển, núi non, cây cỏ… và cả gió trời, như một sự hòa hợp, hòa quyện giữa con người với thiên nhiên.
Những đường cong mềm mại của bờ biền, của núi, của cây, của mây trời xa xa, thậm chí những góc cạnh của những ngồi nhà…, như càng tôn vinh các đường cong tuyệt mỹ của Venus. Việc vẽ một người phụ nữ nude vào thời điểm đó đánh dấu một cuộc cách mạng trong nghệ thuật và được xem là một trong những điểm khởi đầu của mỹ thuật hiện đại. Nhưng không chỉ có thề, bố cục của bức tranh đã như một khuôn mẫu kinh điển cho rất nhiều tác phẩm hội họa về sau học theo mô típ này và cũng trở thành những bức danh họa nồi tiếng.
“Sleeping Venus” của Giorgione, tuy khai thác những hình mẫu nhân vật cổ điển, nhưng thay vì Mặc định tư thế đứng “contrapposto” hay “S curve” như trước, đối tượng lại được khắc họa trong dáng điệu nằm ngả người. Đây chính là khởi đầu cho cả một dòng tác phẩm đầy ảnh hưởng của nghệ thuật nude vẫn tiếp tục hàng thế kỷ sau này, bao gồm: “Venus of Urbino” của Titian (1538), “Nude Maja” của Goya (1798), hay “Olympia” của Manet (1863)… Đến thời hiện đại, “Dream”- Giấc mơ, của danh họa Picasso vẽ người đẹp ngả mình trên ghế, chìm trong giấc mộng “gần hơn, thiết thực hơn”, trở thành một bức tranh có giá 155 triệu USD (khoảng 3.400 tỷ đồng), theo tin cùa hãng truyền hình Mỹ Bloomberg.
Ngay cả ở Việt Nam hàng mấy thế kỷ sau, thuộc trường phài Mỹ thuật Đông Dương, đầu thế kỷ 20, danh họa Bùi Xuân Phái trong bức sơn dầu “Giấc mơ trên phố” cũng vẽ một thiếu nữ mơ màng ngủ trên những lô xô mái phố, với cùng tư thế nằm như “Sleeping Venus” của Giorgione. Trở lại bức tranh “Sleeping Venus”, giấc ngủ của người đẹp được mệnh danh là “Nữ thần tình yêu và sắc đẹp” của nhân loại, nhớ đến một câu nói từ hơn 5 thế kỷ trước của Leonardo da Vinci: “Phản ánh dục vọng là sứ mệnh vĩ đại của nghệ thuật.
Mỹ thuật siêu đẳng hơn thi ca bởi nếu thi ca chỉ có thể miêu tả tình yêu thì mỹ thuật khắc họa tình yêu. Người họa sĩ châm lên ngọn lửa khao khát trong người xem”. Con người trở thành trung tâm và cái đẹp của nàng Venus cũng có thể xem là tác phẩm thiên nhiên hoàn hảo nhất của mọi giá trị. Ngắm nàng ngủ, cái dáng nằm nghiêng, gối đầu trên một cánh tay, phô hết đường cong tuyệt mỹ, cho cảm giác nàng đang thả lỏng, buông thả cơ thể trong sự thoải mái nhất. Và giấc ngủ thánh thiện, không một ưu tư, không một phiền muộn, không một gợn buồn nào trên gương mặt diễm lệ, nàng đang chìm trong một giấc mơ viên mãn, hạnh phúc, tròn đầy…, như đang tận hưởng cái ngọt ngào sau hoan lạc.
Sự quyến rũ của “Sleeping Venus” còn làm cho người xem hàng mấy thế kỷ sau loạn nhịp trái tim, xao động, bởi bàn tay che một cách hờ hững và duyên dáng phần thân thể bí ẩn. Vừa như mời gọi quyến rũ khám phá sắc dục nhân gian, gợi đến đỉnh cao khoái lạc trong tình yêu, là nơi cội nguồn cho mọi sự hờn ghen có thể dẫn đến những cuộc chiến tranh của nhân gian, “châm lên ngọn lửa khao khát trong người xem”.… Vừa như một sự che chắn trong vẻ thánh thiện của biểu tượng thánh thần ở một ranh giới hết sức mong manh trong cảm xúc, lại như một cảnh báo “mật” đầy nghiêm khắc chốn “thánh địa” bất khả xâm phạm, một sự cảnh giới những ý nghĩ phàm tục trần thế không được phép có ý nghĩ bất kính nào với nàng…
Ngắm giấc ngủ của nàng Venus, chợt liên tưởng đến bài thơ “Thiếu nữ ngủ ngày” của nữ sĩ Hồ Xuân Hương (cuối thế kỷ 18- đầu thế kỷ 19):…“Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm/ Một lạch đào nguyên nước chửa thông”…, làm cho “quân tử dùng dằng đi chắng dứt”, có thể rất đúng trong ngữ cảnh của bức tranh. “Sleeping Venus” của danh họa Giorgione là một biểu tượng bất tử của vẻ đẹp khi người đẹp ngủ.
Làm sao có thể làm ngơ trước một vẻ đẹp hoàn mỹ cả thể xác và tâm hồn trong giấc ngủ của nàng Venus. Nàng đang thả mình trong giấc ngủ, có biết đâu cả nhân gian hơn 5 thế kỷ nay mộng mị với giấc ngủ của nàng, giấc ngủ trần tục mà không dung tục, chỉ để cho người đời khao khát và tôn thờ mà không sinh tạp niệm chiếm đoạt.
Hoài Hương