Trong khi đang nuôi hy vọng dùng sự bùng nổ của thị trường smartphone để lấy lại thời kỳ hoàng kim về doanh thu thì các nhà mạng lại phải đứng trước một nguy cơ mới, lớn hơn rất nhiều: sự sụt giảm nhanh chóng của mảng kinh doanh SMS.




Những cú đánh “trời giáng”

Ai cũng biết, đối với các nhà mạng di động doanh thu từ dịch vụ thoại và tin nhắn (SMS) là 2 nguồn thu lớn nhất. Trong khi tại nhiều thị trường viễn thông đã xuất hiện những dấu hiệu bão hòa, các nhà mạng từng hy vọng sự bùng nổ của dòng sản phẩm smartphone sẽ giúp người dùng “lấy lại cảm hứng” và mang lại nguồn doanh thu mới từ các dịch vụ dữ liệu. Nhưng họ không ngờ rằng, chính những chiếc smartphone này có thể chứa những ứng dụng cho phép người dùng “chat” với nhau mà không cần qua nhà mạng, không tốn cước SMS như BlackBerry Messenger, Android WhatsApp, Apple iMessage...

Theo thống kê của Hiệp hội các nhà mạng không dây Hoa Kỳ (CTIA), trong nửa cuối năm 2010, người dùng di động Mỹ đã gửi và nhận hơn 1.000 tỷ SMS. Mặc dù đây là mùa vàng của các nhà mạng nhưng số lượng SMS này chỉ tăng 8,7% so với nửa đầu năm – mức tăng thấp nhất trong vòng hơn 10 năm qua.

Không chỉ có vậy, tương lai những tháng sắp tới của mảng dịch vụ SMS đang bị bao phủ bởi một màu xám xịt bởi sự xuất hiện ngày càng nhiều các chương trình nhắn tin qua Internet trực tiếp từ thiết bị và số thuê bao mà không “chạy qua” hệ thống tính cước của nhà mạng.

Không chỉ BlackBerry hay Apple iMessage, một số nguồn tin còn cho biết Google cũng đang gấp rút tiến hành tích hợp bổ sung tính năng này vào hệ điều hành Android của mình.

Theo tính toán sơ bộ của hãng phân tích kinh doanh UBS, sự ra mắt của iMessage hay Android Messenger sẽ là những cú đánh “trời giáng” vào nguồn doanh thu trị giá khoảng 25 tỷ USD mỗi năm từ SMS của các nhà mạng Mỹ.

Không đáng lo ngại?


“SMS không còn là mảng ngon ăn nữa”, Eelco Blok – Giám đốc điều hành Hãng viễn thông Dutch Telecommunications (Hà Lan) nói đồng thời cho biết hãng này đã phải thiết kế thêm một gói cước mới nhắm đến giới trẻ có tên là Hi (Xin chào) sau khi nhận thấy tổng lượng SMS trong 3 tháng đầu năm 2011 của họ đã giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng giống như nhiều nhà mạng khác trên thế giới, Dutch Telecommunications kỳ vọng doanh số cao của thị trường smartphone sẽ giúp người dùng chi mạnh tay hơn cho các dịch vụ dữ liệu và bù đắp cho họ trong sự suy giảm doanh thu từ dịch vụ thoại nhưng họ không thể phủ nhận một điều rằng SMS vẫn đóng vai trò là một nguồn lợi nhuận cực kỳ quan trọng.

Trong khi nhà mạng “lạnh sống lưng” thì người dùng lại tỏ ra rất phấn khởi. “Nếu sử dụng nó (iMessage) mà tiết kiệm được 20 USD/tháng thì chẳng có ai dại gì mà từ chối”, Hadi Mulhem, một khách hàng 27 tuổi ở New York của nhà mạng AT&T nói.

Mark Collins, Phó chủ tịch cấp cao của AT&T lại tỏ ra không mấy lo lắng bởi iMessage hay Android Mesenger sẽ không thể tác động nhiều đến doanh thu SMS của họ do chúng chỉ có thể hoạt động trên một số thiết bị trong khi SMS của nhà mạng có thể gửi và nhận trên bất kỳ thiết bị nào. Đại diện của Verizon thì cho rằng mỗi thuê bao smartphone đều đã có sẵn một gói cước SMS kèm theo nên sự tăng trưởng này không quá đáng lo ngại.

Nhưng có lẽ họ chỉ “nói cứng” thế thôi bởi thực tế đã cho thấy, hình thức nhắn tin qua Internet đang dần trở nên rất phổ biến. Dutch Telecommunications nhận thấy, tỷ lệ khách hàng đang sử dụng gói cước Hi của họ có cài đặt WhatsApp - ứng dụng cho phép nhắn tin, chia sẻ hình ảnh – đã tăng từ mức 0% trong tháng 1/2011 lên tới 85% trong tháng 4/2011. Đứng trước tình hình này, Dutch Telecommunications có kế hoạch tăng cước dữ liệu nhằm đối phó với sự tràn lan của các ứng dụng nhắn tin kiểu này.

Trần Du Phong (Theo Ictnews/WSJ )