Dấu hiệu ung thư dễ bỏ qua
Anh T.H.T (41 tuổi, làm giám đốc một doanh nghiệp tại TPHCM) ra Hà Nội kiểm tra chéo ung thư. Trước đó, anh T. vẫn đi khám sức khỏe định kỳ hằng năm nhưng không nội soi dạ dày vì không có triệu chứng ợ chua hay đau bụng.
Cách đây 2 tháng, anh T. sụt cân, ăn không ngon nhưng bận công việc nên không đi khám và cho rằng nguyên nhân là do bản thân căng thẳng, áp lực. Khi bị nôn khan kèm theo nôn nhiều sau ăn, anh tới phòng khám tư, bác sĩ cho rằng nam bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa. Tình trạng nặng hơn, anh đến một bệnh viện lớn ở TPHCM khám, kết quả phát hiện ung thư dạ dày.
Khi ra Hà Nội, anh T. mong muốn kiểm tra chéo với hy vọng chẩn đoán nhầm hoặc bệnh ở giai đoạn sớm hơn. Tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bác sĩ chẩn đoán nam bệnh nhân bị ung thư dạ dày giai đoạn muộn.
Theo Trung tâm Tiêu hóa và Gan mật (Bệnh viện Bạch Mai), số lượng người trẻ mắc ung thư dạ dày như trường hợp bệnh nhân T. có xu hướng tăng. Nhiều người vào viện khi có biến chứng của bệnh như chảy máu, thủng dạ dày, hẹp môn vị, viêm phúc mạc hoặc tế bào ung thư di căn với các triệu chứng như liệt (do tổn thương di căn cột sống hay di căn não), khó thở (di căn phổi).
Bác sĩ Hoàng Văn Chương, Trung tâm Tiêu hóa và Gan mật, cho biết ung thư dạ dày là bệnh lý nguy hiểm, đặc biệt với người dưới 40 tuổi. Họ thường phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, đã di căn nên tiên lượng rất kém. Đặc biệt, 95% trường hợp ung thư dạ dày ở tuổi 30 đều nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP).
Các tác nhân gây bệnh gồm hút thuốc lá, ăn uống thiếu khoa học. Nghiên cứu chỉ ra rằng, 20% người bị ung thư dạ dày có liên quan tới thói quen hút thuốc. Người thích ăn các thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, đồ hộp, các thực phẩm lên men cũng làm gia tăng nguy cơ gây bệnh. Ngoài ra, 42% bệnh nhân trẻ tuổi mắc ung thư dạ dày có xuất hiện đột biến gen CDH1.
4 dấu hiệu điển hình
Giai đoạn tiền ung thư có thể không xuất hiện triệu chứng. Khi khối u phát triển, triệu chứng sẽ bắt đầu từ những cơn đau bất thường dẫn đến mất cảm giác ngon miệng. Các biểu hiện cần nhớ:
1. Chán ăn không rõ nguyên nhân
Mắc ung thư dạ dày, cảm giác thèm ăn sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Vì vậy, nếu bạn đột nhiên không thể ăn, không muốn ăn hay chán ngán khi nói tới ăn uống kèm theo giảm cân nhiều, bạn cần sàng lọc ngay.
2. Đau bụng
Đây là một trong những triệu chứng điển hình nhất của bệnh nhưng dễ nhầm lẫn với đau dạ dày thông thường.
3. Đi ngoài phân đen
Khi xuất hiện đi ngoài phân đen nhưng bạn không ăn thực phẩm có màu sắc sẫm tối có thể là cảnh báo chảy máu dạ dày.
4. Buồn nôn, trào ngược dạ dày
Một trong những dấu hiệu quan trọng của ung thư dạ dày là buồn nôn và cảm giác trào ngược.
Nếu có các dấu hiệu trên, người bệnh nên tới các cơ sở y tế để được kiểm tra. Việc sàng lọc ung thư dạ dày hiện nay rất đơn giản. Bác sĩ chỉ định nội soi, dưới thiết bị hiện đại các bác sĩ có thể đánh giá nghi ngờ được tổn thương lành tính hay ác tính.
Cách tốt nhất để ngăn ngừa ung thư tấn công là duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học, tránh xa những thực phẩm hoặc môi trường có nguy cơ gây ung thư. Mỗi người nên tạo thói quen khám bệnh định kỳ. Người trên 40 tuổi được khuyến cáo nên nội soi dạ dày sàng lọc bệnh.