- Sau một tháng các trường thực hiện việc bỏ chấm điểm cho học sinh lớp 1 thay bằng
nhận xét - nhiều giáo viên cho rằng, cách làm này vất vả hơn. Thậm chí có cô tỏ rõ
lúng túng vì thiếu hướng dẫn triển khai.
Trẻ giảm phấn khích
Từ kinh nghiệm triển khai thực tế, giáo viên một trường tiểu học trên địa bàn huyện Từ Liêm, Hà Nội cho biết, chuyển từ cho điểm số sang chấm chữa, nhận xét cho học sinh lớp 1 với trường giáo viên khá vất vả so với trước đây.
Chị nói "với cách làm này giáo viên phải thực sự là người có tâm huyết, nhiệt tình mới cáng đáng được." Vì lớp gần 60 cháu, cô chấm chữa trực tiếp trên các lỗi sai của trò sẽ mất nhiều thời gian hơn việc chỉ chấm điểm, cho nhận xét bên cạnh.
Sau một tháng triển khai, nhiều phụ huynh vẫn mong muốn cô cho điểm số cho con. Cũng có phụ huynh chia sẻ "việc cho điểm số cụ thể trẻ có động lực hơn khi nhìn điểm số thay vì nhìn những dòng chữ nhận xét mà có khi các cháu chưa biết đọc."
Hơn nữa, theo chỉ đạo nhận xét phải ngắn gọn mang tính chất động viên và thường khá chung chung. Với phụ huynh, nhận xét ấy khiến họ có phần hoang mang lo lắng nên phải ngồi trao đổi, hỏi han giáo viên nhiều hơn. Vì lẽ đó cô vất hơn...
Không cho điểm tức không gây áp lực nhưng đồng thời không tạo cho trẻ sự phấn khích cũng như tác dụng rèn ý thức, nề nếp học tập.
Sổ điểm trống vì thiếu hướng dẫn
Ý kiến khác của một giáo viên trên quận Đống Đa, Hà Nội nhìn nhận, thay đổi từ chấm điểm sang chấm chữa, nhận xét học trò lần này quá gấp gáp. Văn bản hướng dẫn cụ thể đến thời điểm này vẫn chưa có. Có đồng nghiệp của chúng tôi thay vì chấm chữa, nhận xét dùng dấu hoa các màu đỏ, vàng, xanh dán lên bài của trò. Cách này cô nhẹ nhàng hơn khi không phải chấp bút nhưng nó gần giống với cách cho điểm trước đây. Bản thân tôi thấy không hợp lý.
Chỉ đạo của phòng GD-ĐT quận chúng tôi yêu cầu cô giáo nhận xét nhắn gọn trên bài làm của trò.
Ở môn Tiếng Việt, có cháu viết đẹp cô có thể nhận xét “cô khen”. Nhưng có nhiều cháu trong một bài sai nhiều nét chữ cô khó nhận xét ngắn gọn được. Trường hợp này cô chữa đè lên lỗi sai của học sinh. Tuy nhiên có thể vì lỗi nhỏ trò sẽ khó nắm được hướng dẫn sửa của cô, đặc biệt với các cháu chưa biết đọc.
Ở môn Toán, các cô nhẹ nhàng hơn một chút khi không phải tính tổng điểm cho học sinh. Những lỗi sai cô sửa trò dễ dàng hiểu ngay nên không có nhiều khó khăn khi thực hiện.
Sau một tháng triển khai, áp lực chính ở đây lại đến từ phụ huynh. Nhiều cha mẹ vẫn thích cô cho con điểm số. Họ lí giải điểm số sẽ khiến con thích học hơn. Trò được và thích làm quen với con số hơn là chữ viết (khi nhiều cháu mới vào chưa biết đọc).
Bản thân tôi khi nhận xét trên bài của con như “cô khen” chẳng hạn, trò vẫn rất vui thích. Nếu con học kém, giáo viên thay vì cho điểm số sẽ nhận xét theo hướng khuyến khích động viên. Như vậy các con sẽ không áp lực khi bị so sánh với các bạn.
Mong muốn cô chấm điểm để nắm được tình hình học tập của con và có hướng giúp con học tốt hơn của phụ huynh là chính đáng. Nếu được góp ý, theo tôi ta không chấm điểm thường xuyên nhưng định kỳ 1-2 tháng/lần cũng cần có bài chấm điểm cho học sinh. Có thể không phải điểm số mà điểm A, A+,…tương đương với lực học của các em để phụ huynh nắm tình hình học tập của con tốt hơn.
Đến thời điểm này sổ điểm của trò ở môn Toán, Văn các cô vẫn để trống. Những môn còn lại vẫn thực hiện theo quy định đã có. Giáo viên cũng chưa có chỉ đạo ra bài, chấm chữa như thế nào cho học sinh dịp cuối học kỳ.
Chúng tôi làm việc trong trạng thái mông lung, không rõ mình đúng sai cụ thể như thế nào. Bộ GD-ĐT cần sớm có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo chung cho tất cả các trường để giáo viên yên tâm dạy học.
- Phong Đăng (ghi)