Chỉ cần smartphone
Đang ở nhà trông con, không có thời gian đi chợ cũng như lo ngại dịch bệnh, chị Nguyễn Thanh Nga (Linh Đàm, Hà Nội) chọn hình thức đi siêu thị online. Trên ứng dụng thanh toán của hệ thống siêu thị, chị có thể lựa chọn các sản phẩm từ đồ ăn tươi sống tới các vật dụng gia đình. Sau khi thanh toán, siêu thị sẽ gọi điện lại xác nhận đơn hàng. Chỉ một giờ sau, các mặt hàng chị mua sẽ được giao tận nhà mà không cần bước chân tới siêu thị.
Theo chị Nga, siêu thị online đang là giải pháp hữu hiệu giúp cho những người dân hạn chế đi lại mà tiết kiệm. Với hoá đơn từ 300 nghìn đồng, việc giao nhận hoàn toàn miễn phí.
“Trước đây, mua online chủ yếu là các mặt hàng thời trang, đồ dùng nhưng nay có cả thực phẩm tươi sống. Người mua có thể chọn các loại rau củ, thịt cá,... rất phù hợp với các bà nội trợ như mình”, chị Nga cho hay.
Thực phẩm tươi sống giao nhanh đắt khách |
Tương tự, bà Nguyễn Minh Tâm (KĐT Trung Văn, Hà Nội) gần đây cũng thường xuyên sử dụng ứng dụng để đi chợ. Theo bà Tâm, trước đây, đồ tươi sống thường là các đơn vị nhỏ lẻ nhưng hiện nay các siêu thị lớn đã phát triển hình thức mua bán online.
Trong khi đó, nhu cầu sử dụng các mặt hàng thiết yếu hàng ngày không hề giảm, nhất là khi giai đoạn này học sinh nghỉ học nên ăn uống đều ở nhà. Thậm chí, nhiều gia đình còn tăng thực đơn, thêm các khẩu phần dinh dưỡng nhằm đảm bảo sức khỏe để phòng ngừa dịch bệnh.
Người mua hoàn toàn có thể lựa chọn từng mớ rau, con cá được giao hàng đạt chuẩn, đảm bảo tươi ngon trong thời gian ngắn nhất. Điều mà bà Tâm hài lòng chính là mức giá cả không đắt hơn ở chợ, thậm chí nhiều chương trình khuyến mại, bà còn tiết kiệm thêm một khoản không nhỏ.
Theo khảo sát, nhiều ứng dụng đi chợ trực tuyến đã ra đời thực sự đáp ứng nhu cầu của người dân. Các mặt hàng thiết yếu - vốn trước đây ít được người tiêu dùng mua trực tuyến. Ví thanh toán điện tử VinID cho phép người dùng mua các mặt hàng của Vinmart và giao hàng tận nhà. Hệ thống siêu thị Aeon cũng có ứng dụng mua sắm trên điện thoại. Tương tự, Big C hay Sai Gon Coop đã phát triển app riêng của mình. Bên cạnh đó, Lazada cũng đã có gian hàng bách hoá bày bán các sản phẩm thiết yếu.
Ưu điểm của các ứng dụng mua sắm này là tích hợp cả việc thanh toán, hỗ trợ nhiều kênh thanh toán khác nhau như ví điện tử, thẻ visa, Internet banking giúp cho người mua thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, ứng dụng còn tích điểm, lưu lại lịch sử mua hàng, và phản ánh khiếu nại.
Đảm bảo nguồn hàng, giao đúng hẹn
Theo các đơn vị bán hàng, lượng khách mua trực tuyến tăng mạnh trong thời gian gần đây. Các đơn vị luôn cam kết về giá cũng như đảm bảo nguồn hàng để bình ổn, không có hiện tượng tăng nóng.
Theo Lazada, trong vòng 4 tuần qua, nhận thấy nhu cầu mua sắm với ngành hàng xịt phòng, khử khuẩn dạng xịt tăng hơn 160%, ngành hàng tã giấy và giấy tăng hơn 60%, ngành hàng đồ hộp và thực phẩm đóng gói tăng hơn 50%, đơn vị này đã chủ động làm việc với các thương hiệu và nhà bán hàng để mở rộng nguồn cung, đa dạng hóa các sản phẩm nhằm đáp ứng tối ưu nhu cầu mua sắm của khách hàng.
Siêu thị online nở rộ |
Tương tự, hệ thống BigC cũng đã nhanh chóng làm việc với các nhà cung cấp tăng cường tần suất giao hàng, huy động và tăng cường nhân viên làm việc tối đa; mở cửa sớm hơn và đóng cửa muộn đến 11h đêm, và thậm chí mở cửa hoạt động đến khi hết khách.
Chị Phạm Thu Hải, đại diện Bếp ông ngoại, cho hay, lượng khách hàng đăng ký mua gạo online tăng mạnh. Mỗi ngày chị có hàng chục đơn hàng ship gạo đi nội thành Hà Nội. Đỉnh điểm shop này bán được gần 10 tạ gạo trong một ngày. Để bổ sung lượng hàng, chị đang đặt xe từ Sóc Trăng vận chuyển ra Hà Nội. Chị cũng liên kết với các đơn vị giao hàng như Goviet, Grab để kịp thời vận chuyển tới khách hàng trong thời gian sớm nhất.
Saigon Co.op đã lên kế hoạch điều phối nhân sự kênh giao hàng, đảm bảo thời gian giao hàng tận nhà từ 1-2 tiếng đối với đơn hàng đặt mua hộ qua điện thoại và từ 24-48 tiếng đối với đơn hàng mua trên trang mua sắm điện tử.
Bộ Công thương cũng làm việc với các doanh nghiệp hậu cần, thương mại điện tử, đề nghị tăng vận chuyển các đơn hàng từ hệ thống siêu thị tới người dân.
"Khủng hoảng luôn là động lực để kích hoạt sự thay đổi, giúp chúng ta phát triển mạnh mẽ hơn. Bán hàng online là xu thế tất yếu của tương lai, và tôi tin rằng khủng hoảng do COVID-19 sẽ đẩy xu thế này phát triển nhanh hơn. Các doanh nghiệp về công nghệ nên đi đầu để nhanh chóng đón bắt vấn đề này", đại diện hệ thống nhấn mạnh.
Nếu nắm bắt tốt cơ hội, giao hàng đúng hẹn, tạo được niềm tin cho khách hàng, thì các hình thức kinh doanh mới có thể làm thay đổi cuộc chơi trong lĩnh vực bán lẻ. “Trong nguy có cơ, trong rủi có may” theo đúng các chuyên gia nhận định.
Bảo Anh