Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Sóc Trăng cho biết, giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh được bố trí nguồn vốn trên 136 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong đó ngân sách Trung ương trên 126 tỷ đồng, ngân sách địa phương đối ứng trên 9,7 tỷ đồng.

Trên cơ sở nguồn kinh phí được giao, các đơn vị, địa phương đã kịp thời tổ chức phân bổ, triển khai các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình. Trong đó, đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo được xem là giải pháp hữu hiệu trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Từ việc tích cực triển khai hỗ trợ người dân thụ hưởng dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo và các tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, nhiều hộ khó khăn đã từng bước thoát nghèo, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Với Dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo (Dự án 2) được hỗ trợ trên 35 tỷ đồng, toàn tỉnh Sóc Trăng đã triển khai 101 mô hình với hơn 1.860 người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tham gia.

Theo đánh giá, các chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo bền vững được triển khai hiệu quả trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chính quyền các cấp, đoàn thể tham gia tích cực vào thực hiện công tác giảm nghèo, qua đó, ở các địa phương đã có nhiều cá nhân, mô hình điển hình tiên tiến phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Ảnh màn hình 2024 06 02 lúc 01.47.31.png
Từ Chương trình giảm nghèo bền vững, các hộ có hoàn cảnh khó khăn đã từng bước thoát nghèo.

Tại ấp Phố, xã Hậu Thạnh, huyện Long Phú, từ hỗ trợ của Dự án 2 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các hộ có hoàn cảnh khó khăn từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Hiện trên địa bàn ấp có khoảng 20 hộ được hỗ trợ bò từ dự án. Giờ đây, toàn ấp Phố chỉ còn 4 hộ nghèo và 7 hộ cận nghèo.

Nghề đan đát vốn là nghề truyền thống phát triển mạnh ở thị xã Ngã Năm. Nhiều hộ dân ở địa phương không có đất canh tác, cuộc sống bấp bênh, sau khi được tạo điều kiện học nghề đan đát đã có thu nhập ổn định. Hiện tại, ở ấp Vĩnh Hòa có 90% hộ làm nghề đan lục bình, với thu nhập bình quân từ 70.000 - 100.000 đồng/người/ngày. Mô hình đan lục bình không chỉ phát triển mạnh ở ấp Vĩnh Hòa mà còn nhân rộng ra các ấp Vĩnh Kiên, Vĩnh Đồng, Vĩnh Trung… qua đó góp phần tăng thu nhập cho bà con địa phương.

Có thể thấy, thời gian qua, từ việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đời sống của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng từng bước được cải thiện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Được biết, tỉnh Sóc Trăng đã và đang tiếp tục tập trung triển khai thực hiện chương trình có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, ưu tiên các xã, ấp đặc biệt khó khăn, hỗ trợ trực tiếp đến hộ dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã, ấp đặc biệt khó khăn. Bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng, người dân vào chương trình giảm nghèo bền vững. 

Trong năm tới, UBND tỉnh Sóc Trăng đề ra 12 mục tiêu phấn đấu cụ thể. Trong đó có mục tiêu giải quyết việc làm cho 6.000 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo; đào tạo nghề cho 3.500 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ xây dựng, nhân rộng từ 15 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo…

Tổng nhu cầu vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn tỉnh là trên 98,3 tỷ đồng từ vốn ngân sách Trung ương, vốn ngân sách địa phương và huy động các nguồn hợp pháp khác.

Triển khai kế hoạch, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Sóc Trăng được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch. Hướng dẫn quy trình giám sát, đánh giá việc thực hiện, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện của các địa phương, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch định kỳ, đột xuất về UBND, Ban Chỉ đạo tỉnh hoặc theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

Kiều Oanh và nhóm PV