Triển khai Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Sóc Trăng đã quán triệt và chỉ đạo các sở, ban ngành và các địa phương trong tỉnh dồn lực, quyết liệt thực hiện để mang lại hiệu quả cao nhất.
Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND tỉnh triển khai các tổ công nghệ số cộng đồng đến các khóm, ấp trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê, có hơn 700 tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập và hoạt động tương đối hiệu quả.
Tất cả thành viên của các tổ công nghệ số đều được tập huấn, hướng dẫn các kỹ năng số cơ bản để trực tiếp đến từng hộ gia đình tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng các nền tảng số trên thiết bị di động, nâng cao hiệu quả phục vụ hoạt động và chất lượng cuộc sống.
Song song đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND tỉnh triển khai tập huấn kỹ năng tiếp cận các nền tảng số cho cán bộ cấp xã thông qua nền tảng đào tạo, tập huấn trực tuyến OneTouch của Bộ Thông tin và Truyền thông. Qua đó nâng cao kỹ năng ứng dụng các nền tảng số trong hoạt động cho cán bộ, công chức cấp xã và lan tỏa đến cộng đồng người dân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Sở phối hợp chặt chẽ cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai chuyển đổi số cho ngành nông nghiệp và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Trong đó, chú trọng phát huy các lợi thế hiện có, sớm thu thập, chuẩn hóa, tích hợp các dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, hình thành dữ liệu số nền tảng cho ngành nông nghiệp.
Phấn đấu đưa các dữ liệu số thuộc các lĩnh vực trồng trọt, thủy sản, thủy lợi, phát triển nông thôn, kiểm lâm, khuyến nông, chăn nuôi lên nền tảng số và cùng với các thông tin về quan trắc môi trường, mã số các vùng nuôi vùng trồng, các sản phẩm OCOP tích hợp lên hệ thống bản đồ nền để vận hành, khai thác, quản lý. Thông qua nền tảng số này sẽ hỗ trợ bà con nông dân kỹ thuật canh tác, sản xuất, tiếp cận hiệu quả thị trường phục vụ nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào – sản phẩm đầu ra.
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh còn phối hợp các đơn vị liên quan nâng cấp các trường quản lý, xây dựng các phần mềm nhằm phục vụ tốt công tác quản lý chuyên ngành tại đơn vị. Cập nhật thông tin doanh nghiệp lên phần mềm Cơ sở dữ liệu doanh nghiệp của tỉnh theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn.
Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Sóc Trăng đã lựa chọn hai xã Phú Tân, huyện Châu Thành và An Thạnh Nhất, huyện Cù Lao Dung thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới với 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đây cũng là mô hình điểm để nhân rộng trong thời gian tới.
Từ sự chỉ đạo sát sao của tỉnh cùng sự đồng hành, hỗ trợ từ các ban, ngành liên quan, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trong tỉnh Sóc Trăng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân nông thôn về tầm quan trọng và sự cần thiết của chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực. Tăng cường vận động, hỗ trợ đoàn viên, hội viên, thành viên, tuyên truyền để người dân, cộng đồng chủ động, tích cực tham gia chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Trần Tấn Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, thời gian tới, Sở sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sử dụng thư công vụ để trao đổi công việc và sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành, ký số văn bản đi; đẩy mạnh việc tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính.
Ứng dụng và nâng cấp các phần mềm chuyên ngành hiện có; thực hiện tốt các thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại đơn vị thông qua hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh; kết nối thông tin về các sản phẩm nông sản, thực phẩm của địa phương lên sàn thương mại điện tử tỉnh cho doanh nghiệp/hộ sản xuất nông sản.
Phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh theo hướng chuỗi thực phẩm an toàn với quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo ra chuỗi giá trị nông sản thực phẩm bền vững kết hợp gắn tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp như: Sử dụng máy bay không người lái, điều khiển bằng điện thoại thông minh để phun thuốc trừ sâu; trồng rau trong nhà màng, lắp đặt hệ thống phun tưới điều khiển từ xa; theo dõi cây sinh trưởng qua app chuyên dùng; đăng ký mã số vùng trồng...