Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người vẫn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. 

Với tính chất, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, có sự câu kết chặt chẽ giữa các đối tượng trong nước với nước ngoài, các vụ mua bán người được thực hiện bởi các đối tượng ngày càng chuyên nghiệp. Nạn nhân của tội phạm này là các đối tượng yếu thế như phụ nữ, trẻ em với mục đích bóc lột tình dục và cưỡng bức lao động.

354779098 1284010995851647 7709335773451356609 n 1482.jpg
Công tác tuyên truyền giữ vai trò nòng cốt trong phòng, chống mua bán người. 

Gần đây, Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã mở phiên tòa xét xử đối với bị cáo Ngô Thị Mỹ Yên (sinh năm 2002) cư trú khóm Vĩnh Trung, Phường 2, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) với mức án nghiêm khắc là 12 năm tù về tội mua bán người dưới 16 tuổi. 

Trước đây, Yên vốn không nghề nghiệp, đi làm thuê, làm mướn với học vấn chỉ hết lớp 9. Tháng 7/2023, Yên qua Campuchia ứng tuyển vào Công ty khu Kingcrow do người Trung Quốc quản lý với nhiệm vụ tuyển nhân viên làm việc. 

Thực chất, đây là công ty lừa đảo và mục đích tuyển nhân viên để thực hiện hành vi lừa đảo. Ngoài tiền lương hằng tháng, mỗi trường hợp đưa người đến Campuchia sẽ được trả 200 USD nên Yên cố tìm người, kiếm tiền.

Sau khi được nhận vào làm, Yên đăng lên mạng xã hội Facebook với thông tin gian dối là tuyển người có độ tuổi từ 18 - 35 tuổi, biết sử dụng máy vi tính và có căn cước công dân để làm việc online tại tỉnh Tây Ninh, thu nhập từ 18 - 23 triệu đồng/tháng. 

Khi đó, em D.H, 14 tuổi, quê ở thị xã Vĩnh Châu đang cần việc làm nên đã liên hệ, chấp nhận đi làm. Theo hướng dẫn, D.H đến tỉnh Tây Ninh làm việc thì bị Yên cùng một số người khác đưa sang Campuchia.

Đến đây, D.H được đưa đến khu Sihanouk và giao thực hiện hành vi lừa đảo trên ứng dụng bán hàng Lazada. Làm được khoảng 1 tháng, do bị bóc lột sức lao động nên D.H nghỉ việc thì công ty thu lại thẻ, không cho ăn uống và yêu cầu gia đình chuyển 49 triệu đồng để chuộc về nhưng gia đình không có tiền chuộc. 

Một thời gian sau, bị công ty đưa ra ngoài và D.H đã đến đồn công an Campuchia để được hỗ trợ về Việt Nam. Trong quá trình D.H liên lạc cầu cứu, mẹ của D.H đến Đồn Biên phòng xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu trình báo; vụ việc được chuyển đến Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền. Khi về đến nhà, D.H đến Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh trình báo.

Trong quá trình điều tra, Yên khai nhận ngoài lừa gạt, tuyển mộ đưa D.H qua Campuchia, với cách thức tương tự đã lừa gạt, tuyển mộ thêm một người phụ nữ khác nữa.

Trước vấn nạn này, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, quyết liệt phòng chống mua bán người; trong đó, công tác tuyên truyền giữ vai trò nòng cốt. 

Bà Thạch Thị Kế Rin, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh chia sẻ: “Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách quan tâm đời sống, giải quyết việc làm cho người dân, nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Bà con, chị em phụ nữ phải tỉnh táo trước những chiêu trò lừa đảo của kẻ gian; nếu có nhu cầu việc làm phải liên hệ cơ quan chức năng có thẩm quyền để được giới thiệu, hỗ trợ”.

Để bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ, trẻ em gái, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh cũng đẩy mạnh công tác phối hợp triển khai thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người gắn với thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, "Phụ nữ Sóc Trăng tình nghĩa, tự tin, sáng tạo", Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và các chương trình, đề án, dự án của hội. Từ đó, góp phần tham gia đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. 

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, tinh thần chủ động phòng ngừa trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, hội viên, phụ nữ, con em trong gia đình trước những âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi của các loại tội phạm mua bán người.