Phương Bắc, có khi bão lụt, sông tràn dâng, cuốn trôi. Phương Nam sông thuần hậu với hai mùa mưa nắng... Cho dù ở đâu, dù thế nào con người cũng ơn duyên, ơn sông, nặng lòng với sông.
Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.
Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Xin trân trọng giới thiệu bài viết Những nguồn xanh dòng thẳm của Nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài.
Hôm đó tôi và con sông biết nhau, thấy nhau. Bóng đêm đã trùm lên khắp, tôi cảm thấy lo sợ. Dì dắt xe đi trước, tôi bám theo sau. Cái "động đò" như dì gọi, là từ bờ cao, theo lối dốc xuống bến, lối đi có bờ thành cát hai bên như muốn che lút tôi.
Rồi tiếng gọi "đò ơi" của dì vang lên trong đêm bay sang bên kia sông. Đến lần gọi thứ ba của dì tôi mới có tiếng đáp lại của ông chèo đò.
Gọi đò, đợi đò đêm, tôi con bé lên bảy tuổi, lần đầu tiên như thế, đầy cảm giác lạ lẫm và lo lắng nhưng cứ lặng im lo lắng, lặng im theo dõi chính mình và xung quanh.
Một lát đò sang, tiếng mái chèo khua gần lại. Nhờ ánh đèn trên thuyền, tôi thấy mớp nước, mép sông, nghe sóng táp bờ... thấy hẹp, nghe nhỏ và biết về sông thêm từng chút một.
Đêm tối mênh mông, không nhìn được gì nhiều, chỉ nhìn thấy con đò sang sông làm rõ tiếng sông, rõ một vạt nước dậy sóng dưới ánh đèn, rồi lên thuyền, chòng chành, con thuyền rời bờ, chòng chành... Lo sợ, tôi nói nhỏ với dì, dì nói cho tôi yên lòng. Vâng có dì, sợ gì. Còn có ông chèo đò nữa, ai cũng quen qua sông rồi mà.
Tôi làm quen cái lắc lư, chòng chành, lại thêm cảm giác về độ sâu và mạnh của con nước dưới thuyền nên thêm ngợp. Hồn tôi bé nhỏ qua sông đêm, có lẽ cảm xúc quá mạnh nên tôi nhớ rõ đến thế? Nhớ đến mức, tôi quen dần thuyền nước, bóng đêm thế nào, nhớ cảm giác thuyền qua chỗ nước mạnh, sâu hiểm thế nào và nhớ dần sang bờ thì con nước hiền lành hơn, tôi dần nhẹ nhõm thế nào?!
Chỉ ngắn ngủi phút chốc đó thôi, con sông cho tôi một kỉ niệm, một nỗi nhớ thật sâu để càng về sau, tôi tự hỏi, sao mình lại nhớ về đêm đó rõ như vậy trong khi bao chuyện khác, cái trí nhớ trẻ thơ quên đi gần hết, nhớ được rất ít? Đêm ấy với sông hồn tôi như mãi có sóng nước, con người tôi nhỏ bé từ đó như nhận sức sống, sức mạnh của con sông?
Sau đó tôi biết, mẹ đã sinh tôi bên dòng sông ấy, sông Con. Sau này tôi biết, ông bà ngoại tôi cùng bà con khác từ quê hương Nam Đàn lên miền núi Tân Kỳ xây dựng vùng kinh tế mới theo chủ trương của nhà nước. Và cũng sau này, mỗi dịp nghỉ hè tôi có khi đạp xe từ Lạt vào Nghĩa Hành, lên đò qua sông về với ông bà ngoại.
Tắm sông, cào hến, cả làng ra bến tắm giặt, gánh nước... Từ nhà ông bà ngoại đi mấy bước thôi là thấy sông, đứng ở vườn sau của ông bà cũng thấy sông. Con đường ra sông cát trắng mềm, con nước xa xa cùng bờ bãi thênh thang và núi rừng tít tắp xanh ngát.
Sông đêm ấy và sau này, rất nhiều kỉ niệm khiến tôi nhớ, nhớ ngọt ngào, nhớ êm đềm, nhớ xanh tươi, trong trẻo.
Càng thêm năm tháng, tôi càng nhớ da diết. Nhà ông bà ngoại cùng mía, mít, bưởi, cam, làng nhỏ cùng sự trù phú cây trái được nuôi bởi sự cần cù của con người và phù sa... tôi được ngắm, được hít thở, được ăn uống, được chơi với cây trái, sông nước, bờ bãi, núi đồi... để rồi thành một phần hồn vía, máu thịt.
Mãi sau này, rất nhiều năm tháng tôi mới biết lần lần tìm con sông sau nhà ông bà ngoại từ đâu chảy về và chảy tiếp đi đâu?! Những cái tên Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, nguồn Hiếu chảy về Tân Kỳ thì gọi sông Con và sang Anh Sơn (Cây Chanh) thì hòa, hóa vào sông Lam. Nên, chính sông Con dạy cho cho tôi phải biết lần tìm về nguồn mạch, dạy cho tôi dần biết ơn, biết cảm về sự xanh tốt, bình yên của làng xóm bên sông, cho tôi biết nhớ biết yêu sự trong lành, xanh mát, cho tôi dần hiểu sông quan trọng với đời sống, đời người, hồn người thế nào?!
Sông Con đã từng và vẫn hàng năm vỡ bờ cuộn dâng ngày lũ lụt, khô cạn mùa gió Lào, nó vẫn khiến tôi nhìn bất cứ con sông nào cũng yêu thương đến nôn nao, nó khiến tôi luôn nhớ mình được sinh ra bên bờ một dòng sông, dù sông nhỏ nhưng cũng cho con người ta những điều quý báu, to lớn, dù nhỏ nhưng tôi vẫn được hưởng đầy đủ những gì mà sông có.
Sau này, tôi được theo những dòng sông ra biển hay ngược lên nguồn, theo lạch nhỏ lạch lớn thăm thú, nhìn ngắm, tìm hiểu... lại càng nhớ bến sông quê bé nhỏ, nơi có ông bà cậu dì, có những tháng ngày thấm dần tình yêu sông nước rồi mang nó đi khắp, để khi nhìn dáng dấp con sông nào cũng như được trở về thuở ban sơ trong trẻo, cũng như được tiếp thêm nguồn mạch thương yêu.
Sông Con dẫn tôi đi gặp sông Cả (sông Lam), rồi gặp bao dòng sông khác, tôi tưởng mình như giọt nước được phiêu lưu đầu nguồn cuối bể, đâu đâu cũng thấy là nhà mình, quê mình. Sông quê rồi sông phố. Và nhờ duyên lành, một ngày tôi được gắn bó, gần gũi sông Sài Gòn.
Ngày ngày, sáng lại chiều qua sông, sông và tôi thấy nhau giữa dòng người tấp nập, mùa nắng nối mùa mưa, cái tình với sông vốn có sẵn càng thêm ăm ắp mênh mang, thêm sâu lặng và không ngừng duềnh sóng. Cái duyên, cái tình với sông khi đã có thì nó cùng đằng đẵng, thao thiết chảy theo khắp, chảy trong tim, trong hồn, chảy không ngừng và thấm lên tất cả. Cái tình với sông khi đã có, càng lâu càng sâu đậm dần, càng thấm thía và là cái tình... cho con người ta thấm dần thêm bao lẽ ở đời.
Những ngày con đau yếu, tôi hồn xiêu phách lạc, lúc rỗng mình, tàn kiệt, tôi ra bờ sông ngồi, nghe sông kể, vỗ về, che chở, sông nước bãi bờ hiền hòa cho tôi được hồi sinh, cho tôi sức lực, sức sống. Tôi hiểu sông thêm, sông giúp tôi hiểu mình, hiểu sự sống thêm. Tôi không nghĩ khi đi rất xa, đến phố, sông vẫn theo tôi ban phát, nuôi dưỡng, nâng đỡ... đến kì lạ.
Cái tình với sông đưa dẫn tôi đi tiếp, biết thêm vô vàn dáng vẻ sức vóc con nước. Mới hay con nước cứ tràn trề xuôi đi, còn con người thì chia khúc, đặt tên. Sông Con dài hơn hai trăm cây số nhưng đầu nguồn có tên là sông Hiếu. Lần nguồn sông Sài Gòn mới hay nó bắt đầu từ Lộc Ninh (Bình Phước) với tên Ngã Cái, được ngăn nên hồ Dầu Tiếng ở Tây Ninh, về qua Củ Chi đến Thủ Đức thì có tên Thủ Khúc, rồi mới là Sài Gòn. Sông soi bóng phố phồn hoa, xuyên qua phố tràn trề mấy ngả với những tên Nhà Bè, Soài Rạp, càng đi càng mênh mông chia nước, những sông này, rạch nọ, tắc kia... nên từ bến Bạch Đằng, từ bến Cảng Nhà Rồng lừng danh, theo con nước sông Sài Gòn mà về Đồng Nai, cửa biển Cần Giờ, Soài Rạp thì nhanh lắm, dễ lắm. Khi ví như con rồng xanh làm giàu đẹp, làm hoa lệ thêm cho thành phố, người ta mơ ước sông Sài Gòn cùng bến bờ nó một ngày nên "kỳ quan" là rất có thể và hẳn cũng không xa, không lâu?!
Đường hầm xuyên sông, thêm cầu qua sông, thêm bến buýt sông, thêm đường ven sông, thêm tàu thuyền ra biển, lên phố, phố sẽ nối dài ngược sông xuôi biển... và giấc mơ "kỳ quan" thì nghĩa là vẻ đẹp, sự độc đáo và bền vững của kiến trúc không thể không gắn với trong lành, thanh sạch. Nghĩ đến đây, trong đầu tôi hiện ra một chiếc cầu, như một kỳ quan nối Bến Nhà Rồng với biển, một chiếc cầu kì vĩ, mang đến nhiều cảm xúc, thêm tình yêu tha thiết với sông biển, bến bờ, thêm niềm kiêu hãnh, tự hào dân tộc.
Bên sông là làng xóm, đồng bãi, bên sông là phố thị, bến cảng. Sông cũng luôn bí mật lấy đi và bí mật ban tặng. Nơi thanh vắng, nơi phố thị tàu thuyền, nơi bình yên, nơi nạo, xúc ầm ào ngày đêm, sông nhận bao nâng niu đắm say và chịu cả bao tàn phá. Sông qua quê, qua phố, dòng sông nào cũng lặng chở và lặng chìm. Bao con người vẫn gắng hiểu thêm những bí mật, những gì từ sông, mong cùng nó vun tạo sự sống hài hòa, vắng vẻ cũng như đông đúc, người và sông vẫn luôn khát mong được trong lành, bình yên.
Bên sông, trên sông, con người đã cần cù khai hoang gây tạo, kiên trì nhen nhúm, giữ nuôi nếp ăn ở, nối đời bền bỉ gan góc và mộng mơ, sáng tạo, ân nghĩa và hào hiệp...
Bên sông, trên sông con người tri âm, thấy như được cùng tâm tình, chia sẻ bao chuyện với sông, như được gieo vào bờ bãi, gieo xuống dòng sâu, được cùng lắng giữ và nuôi nấng, cùng chảy trôi và hóa mình.
Sông, những con nước nối vào nhau bất tận, càng nối vào nhau càng mênh mông và kể, bắt đầu từ những giọt những dòng khe khẽ...
Được nuôi lớn từ dòng sông nhỏ, sông kể cho tôi, giúp tôi biết lắng nghe, thích nghe chuyện của nhiều dòng sông, chuyện bên những dòng sông.
Có bao người khao khát được gắn bó, được biết nhiều đến con sông, đi trên nhiều dòng sông, được tận cùng đầu nguồn tới biển với nó và nuôi dưỡng sự thanh trong, hào sảng, mong được làm đẹp cho sông, mong cùng sông làm đẹp cho đời và mong như đời sông; từ nhỏ bé tìm đến mênh mông, từ thác ghềnh tìm đến trầm lắng, rộng mở, sâu đến tận biển cũng không rời nguồn, đục cũng tự lắng lại xanh trong và mải miết hóa sinh, dâng trao lặng lẽ.
Nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài
Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng
Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do Báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.
Cơ cấu giải thưởng: 01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng.
Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải.