Trên diễn đàn “Hội những người ở rể”, nhiều ông chồng tâm sự: Tôi ly hôn vì mẹ vợ; cha vợ khiến tôi giận vợ; ở nhà vợ nhục trăm đường… Chuyện ở rể, dân gian ví như “chó chui gầm chạn”, xem ra ngày nay vẫn còn khiến các chàng rể thấy… “nhục”.

Chuyện riêng

Đám cưới xong, anh Thuận Phong (Q.7, TP.HCM) phải “khăn gói” về sống với gia đình vợ. Việc chung sống như vậy tưởng vẹn cả đôi đường: nhà vợ chỉ hai mẹ con, bản thân Phong thu nhập không ổn định; nhưng hóa ra, lại là khởi nguồn cho một cuộc “chia uyên rẽ thúy”. Phong làm nghề tiếp thị, Diễm - vợ anh là công nhân. Kết hôn mới bốn tháng, bụng Diễm đã lùm lùm, đành nghỉ làm, cuộc sống thêm chật vật. Muốn con khỏe, cháu thông minh, bà Thủy - mẹ Diễm yêu cầu con rể phải tẩm bổ cho vợ. Phong không có tiền “chạy” theo ý mẹ vợ, thường bị bà bóng gió: “Mỗi mụn con gái, lại gả trúng… bãi phân trâu!” khiến anh chạnh lòng. Biết “thân phận”, Phong rất chịu khó, bù đắp bằng cách nhận lo cơm nước cho gia đình. Lâu dần, bà Thủy “khoán” thêm chuyện giặt giũ, chợ búa cho con rể. Thương chồng, Diễm phụ một tay liền bị mẹ mắng: “Việc nặng lắm hay sao mà cần hai người. Giỏi thì mang tiền về, tôi thuê người giúp việc”. Không dám cãi, Phong ngậm bồ hòn làm ngọt dù anh rất ấm ức vì việc gì mình làm, mẹ vợ cũng không vừa ý.

Bức xúc, Phong muốn ra thuê trọ nhưng Diễm can: “Nhà neo người, em theo anh bỏ mẹ cho ai”. Làm người đứng giữa, Diễm không biết xử sự sao cho phải, mỗi lần thấy mẹ “xách mé” chồng, cô chỉ biết im lặng, nhìn chồng thông cảm. Diễm biết, nếu cô bênh chồng, thể nào mẹ cũng la lên: “Tôi vất vả ở vậy nuôi cô, giờ cô cãi lại tôi”. Nỗi ấm ức của Phong “bung bét” vào một ngày, vợ chồng anh đùa nhau: “Phải sớm sinh đứa nữa cho có chị có em”, bà Thủy nghe thấy, bĩu môi: “Anh lo một đứa đã xong chưa?”. Rồi như “phòng ngừa”, bà Thủy không cho hai vợ chồng ngủ chung. Mỗi tối, viện cớ phụ chăm cháu, bà vào ngủ với con gái và cháu ngoại. Phong đành ra phòng khách. “Tội” chồng, Diễm thường… lẻn ra với Phong. Một tối, xuất hiện lúc hai người đang ôm nhau, bà Thủy nổi giận: “Tôi không rảnh chăm con cho các người đâu nhé!”. Diễm lẳng lặng theo mẹ vào phòng. Trằn trọc suốt đêm, Phong quyết phải ra ngoài sống. Hôm sau anh báo tin đã tìm được phòng trọ. Diễm theo chồng nhưng chỉ được vài bữa, lại ôm con về bởi từ nhỏ, cô không quen xa mẹ và thương bà sống một mình. Diễm như con thoi chạy tới lui giữa mẹ và chồng. Cuối cùng, vì buồn chán, Phong bỏ thành phố về quê sống. Trong khi Diễm đau khổ chưa biết tính sao thì bà Thủy cười: “Cái ngữ đó nên quên đi. Gái một con trông mòn con mắt, mày rồi sẽ có thằng khác “ngon” hơn!”.

{keywords} 

Nỗi lòng chung

Những chàng rể đang “lâm cảnh” sống ké nhà vợ thường có tâm lý: “tự do” bị tước đoạt, cảm giác như “tù binh”, không gian sống ngột ngạt. Họ phải luôn ý tứ giữ kẽ, không được là chính mình, không được định đoạt, giải quyết chuyện riêng giữa vợ chồng. Ở rể nhà vợ, với lối sống, nếp sinh hoạt riêng, dẫu điều kiện có thuận lợi, tốt đẹp bao nhiêu cũng khó lòng “hòa nhập”, thoải mái. Minh Tân (kỹ sư xây dựng, Q.5, TP.HCM) chung một nỗi lòng. Sau kết hôn, do cuộc sống theo công trình rày đây mai đó, trong khi Xuyến - vợ anh lại ngại ở một mình, nên Tân đành chọn sống với nhà vợ. Ông Quy, cha Xuyến rất hoan nghênh quyết định của con rể.

Tiếng là ăn nhờ ở đậu nhưng Tân rất “dạn chi”. Dẫu vậy, điều vợ chồng ông Quy cần ở một chàng rể là phải biết thương yêu, chiều chuộng vợ, cũng như biết tuân theo phép tắc của gia đình. Tân rất chiều vợ, nhưng chén trong sóng còn khua. Bao lần cãi nhau, Xuyến ỷ thế, thường… la làng cho ba mẹ nghe thấy. Giận vợ mấy, nghe tiếng “đằng hắng” của bố vợ, Tân cũng vội nuốt cơn tức. Con trai mới học lớp 3, Tân không muốn con thêm nặng gánh học hành. Ông Quy phản đối, thời buổi này cần đầu tư từ nhỏ, nên thuê gia sư về dạy cháu. Tân cản không được bởi vợ nghiêng về “phe” cha: “Người lớn không sai đâu anh”. Kể chuyện “thực thi” phép tắc, Tân than: “Tôi muốn nghẹt thở!”. Mỗi lần bạn bè ngỏ ý đến chơi nhà, Tân lắc đầu nguầy nguậy vì nhạc phụ không thích ồn ào. Hơn nữa, anh ngại mở miệng “dặn” bạn bè phải tắt máy xe rồi dắt bộ khi đến cổng…

Bí bách, Tân rủ vợ ra riêng nhưng Xuyến tròn mắt: “Có chỗ nào tốt hơn nữa hả?”. Tân chia sẻ suy nghĩ của mình, Xuyến quy kết: “Là do anh cảm thấy thế thôi. Em thì rất thoải mái”. Tân chặc lưỡi, bất lực. Càng sống trong nhà vợ, cục… ngộp trong Tân càng lớn dần. Anh mượn cớ bận công việc, ít khi về. Cách đây ba tháng, vợ chồng đang gây nhau, Xuyến bất ngờ bỏ ngang, chạy sang phòng ba mẹ mời… giải quyết hộ. Tân ngán ngẩm ôm hành lý ra thuê khách sạn. Anh thành thật, từ đó, khách sạn là “khoảng riêng” bí mật của anh dù không biết tình trạng này sẽ kéo dài được bao lâu.

Vạn bất đắc dĩ

Đúc kết chung, người ở rể thường mang mặc cảm ăn nhờ ở đậu, “chó chui gầm chạn”, vạn bất đắc dĩ mới chấp nhận ở rể. Người đàn ông, với sự tự trọng, bản lĩnh, muốn làm chủ gia đình và được thể hiện vai trò “con dấu” cuối cùng cho mọi quyết định có “hiệu lực”, chẳng ai muốn ở rể. Trên hết, nhìn về hôn nhân, nhiều người quan niệm một mái ấm riêng dù chật vật, khó khăn nhưng không lụy ai, được quyền tự quyết, thoải mái sinh hoạt theo cách của mình, “vùng vẫy” trong “giang sơn” của mình vẫn là điều nên chọn lựa.

Tuy nhiên, thực tế không phải chàng ở rể nào cũng thấy “khó ở”. Anh Quang Đức (Q.Tân Bình, TP.HCM) luôn tự hào, càng ở rể, anh càng khắng khít với gia đình vợ, khám phá một nếp nhà mới và học được… kỹ năng chung sống. Đức chia sẻ “bí quyết”: “Coi nhà vợ như nhà mình, người thân của vợ cũng là ruột thịt với mình thì mọi thứ rất dễ chịu. Có khúc mắc gì cứ mạnh dạn đối thoại để gỡ bỏ. Nếu nhạc mẫu xen vào chuyện riêng của các con, hãy giải thích cho bà hiểu việc cãi nhau của các con nhằm đi đến sự thống nhất, giải tỏa khúc mắc, hiểu nhau hơn và chỉ người trong cuộc mới thấu rõ”.

Suy cho cùng, việc chung sống với nhà vợ sao cho hòa thuận, vui vẻ, không có cảm giác “ngộp thở”, là một nghệ thuật. ”Nghệ thuật” này đòi hỏi sự phối hợp, nỗ lực đa chiều: chàng rể, vợ và người thân của vợ. Một ông chồng coi mình như khách, lười biếng, tự tách mình khỏi cuộc sống chung sẽ khó gắn bó lâu dài dù ở đâu, với ai. Một người vợ “ỷ thế nhà mình”, an tâm lấn lướt chồng do có người thân hậu thuẫn sẽ khiến chồng mất mặt, tổn thương. Còn những người thân của vợ cứ muốn xen vào đời sống riêng của hai vợ chồng, “bênh vực người trong, hiếp đáp người ngoài”, coi thường sự ở rể là gián tiếp khiến hôn nhân của con cái tan vỡ. Cuộc chung sống nào cũng cần sự khéo léo ứng xử của từng người, biết ngó trước ngó sau, vì nhau mà sống. Khi mọi người cùng biết lấy mục đích cao nhất là hạnh phúc của các con, một bầu không khí gia đình đầm ấm, thuận hòa, làm kim chỉ nam, thì những ý nghĩ, thái độ tiêu cực sẽ dễ dàng được hóa giải.

(Theo Tuyết Dân/Phunuonline)