Tôi sống độc thân và bắt đầu xây dựng cuộc sống ổn định với công việc làm nhân viên kế toán “quèn” ở Hà Nội. Ban đầu lương của tôi chỉ hơn 3 triệu nay đã nhích lên hơn 4 triệu đồng, với tôi cũng là một niềm vui.
Vì tương lai, tôi luôn tự nhủ, khó khăn là khó khăn chung, dù công việc chưa thực sự tốt nhưng trong thời buổi hiện nay, thất nghiệp thì còn kinh khủng hơn. Với một đứa con gái tỉnh lẻ, gia đình không có mối quan hệ, không có tiền để chạy việc thì chuyện xin được một chỗ làm với đồng nghiệp vui vẻ, dễ chịu đã là một thuận lợi tốt. Việc còn lại chỉ là tự thu vén, “khéo co” lo cho mình.
Với mức lương hơn 4 triệu đồng, tôi phải cố gắng xoay xở, tính toán chi li để có thể để dành được chút ít phụ mẹ nuôi em trai đang học đại học.
Khủng hoảng kinh tế đang đẩy nhiều người dân chỉ còn sống với những nhu cầu tồn tại tối thiểu (ảnh minh họa) |
Bài toán của tôi là làm sao chỉ chi tiêu trong 2 – 2,5 triệu mỗi tháng, để dành 1,5 – 2 triệu đồng trong đó cố định 1 triệu mỗi tháng gửi cho mẹ, số còn lại tôi để dành phòng thân, tiết kiệm để tự mua xe máy hoặc đầu tư khi có cơ hội.
Tôi sống cùng hai người bạn nữa, mỗi tháng trung bình chúng tôi tốn khoảng 700 tiền nhà, tiền điện nước và 600 nghìn tiền ăn, con số này không thể nhỏ hơn nữa.
Cụ thể, chúng tôi đã bàn bạc để lên kế hoạch mua sắm, tiêu dùng cho cả ba. Thay vì mua sắm, đi chợ hằng ngày, chúng tôi thường đi siêu thị vào cuối tháng, mua các đồ dùng thiết yếu như xà phòng, sữa tắm, dầu gội, giấy vệ sinh, thậm chí quần áo… theo lố, giá rẻ. Hàng tuần, chúng tôi thu xếp chỉ đi chợ một lần, chọn chợ đầu mối buổi sớm để mua rau củ quả, thịt, cá… sơ chế qua rồi cho vào tủ lạnh, để ăn cả tuần. Thật may là phòng tôi có tủ lạnh, nhờ nó mà chúng tôi đỡ rất nhiều.
Hàng ngày, chúng tôi chỉ ăn chung một bữa tối, nhưng nấu cho ba người ăn cả ngày: Ăn sáng và cơm trưa mang đi làm. Tuy bữa ăn trưa như vậy không được tươi, ngon nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng, lại tiết kiệm hơn hẳn so với bỏ ra 30-40 nghìn đồng/suất cơm văn phòng. Những thức ăn thân thuộc của chúng tôi là lạc rang, cà pháo, muối vừng… vừa tiện, vừa ngon cơm.
Những người dân chăm chỉ đau đầu với bài toán chi tiêu (ảnh minh họa) |
Một lần một tháng chúng tôi tổ chức một bữa ăn “sang”, rôm rả hơn ngày thường để tự thưởng cho mình. Nhiều khi chỉ ăn bát cơm với muối vừng, lạc rang, hay cà pháo tự làm, tôi có chút chạnh lòng nhưng nghĩ đến cha mẹ ở quê còn vất vả gấp nhiều lần, tôi lại an lòng.
Việc đi lại, từ ngày xăng xe tăng giá, đã gần 2 năm nay tôi chỉ đi làm bằng xe buýt, mất khoảng 140 nghìn đồng/tháng, dự trù xê dịch thêm 100-150 nghìn tiền xe ôm, taxi đi lại trong những hoàn cảnh đặc biệt. Tuy hơi bất tiện và tốn thời gian một chút nhưng tôi cũng giảm được nhiều tiền xăng xe, tiền sửa chữa, bảo dưỡng khi xe hỏng hóc, trục trặc.
Chi tiêu lặt vặt còn lại của tôi chỉ khoảng 400 nghìn đến 1 triệu đồng và tôi cố gắng “khoanh vùng” để không bao giờ đi quá con số này. Thay vì cất tiền trong ví, tôi dùng thẻ và mỗi lấy rút tiền chỉ vừa đủ dùng, để dư 100-150 nghìn đồng, khi cần tôi mới rút thêm tiền.
Là con gái, nhiều khi tôi cũng “thèm” son phấn, mặc đồ đẹp, nhưng suy nghĩ kỹ, tôi cố gắng dằn lòng, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi mua và luôn cẩn thận chỉn chu khi sử dụng để dùng đồ được lâu, bền.
Bên cạnh đó, tôi luôn tâm niệm phải giữ gìn sức khỏe, tập thể đục đều đặn để không bị đau ốm, bệnh tật hỏi thăm. Nếu chẳng may ngã bệnh, có lẽ mọi kế hoạch chi tiêu đều đổ bể, hoặc tôi sẽ mang nợ nần – đây là điều tối kị mà tôi phải tránh.
24 tuổi, nhiều khi tôi cũng buồn với nhịp sống đều đặn, khép kín, tính toán nơi thành phố đắt đỏ bon chen, nhưng lại tự động viên mình cố lên khi nhìn lên chẳng bằng ai nhưng nhìn xuống vẫn còn đỡ hơn rất nhiều người thu nhập thấp, hoặc thất nghiệp ngoài xã hội. Cứ hi vọng, sự chăm chỉ, lo toan của mình sẽ được đền đáp.
Độc giả Linh Hạ