“Sống trong khu tập thể chẳng khác gì ổ chuột này, nếu một người đang đi lại nói cười, hoặc đang ngồi chơi xơi nước bỗng nhiên trợn mắt rồi lăn đùng ngã ngửa ra thì cũng là chuyện bình thường” – bà Nguyễn Thị N – khu tập thể Giảng Võ Hà Nội tâm sự.
Theo bà N, ở khu tập thể này, trừ những gia đình ở tầng 1, có điều kiện làm kinh doanh, hoặc cho thuê kinh doanh thì hầu hết, ai cũng mong muốn, ai cũng khao khát được nhà nước quan tâm hỗ trợ cho bà con có một nơi ở mới an toàn hơn, đỡ khổ cực hơn.
“Đang ngồi uống nước, cả mảng trần đổ ụp xuống đầu”
Vừa nói, bà N vừa dẫn phóng viên đến những khu vực mà mới nhìn qua, ít ai có thể tưởng tượng rằng, trên con phố lớn giữa thủ đô Hà Nội lại có những khu nhà ẩm ướt, rêu mốc, tróc lở và những vết nứt dọc ngang giăng mắc khắp nơi như thế này.
Ấy thế mà, bà N còn bảo, các hộ dân ở đây, vì lo cho sự an toàn của chính mình nên cũng thường xuyên sửa sang, trát vôi trát vữa. Thế nhưng, cứ sửa được vài tháng, những vết nứt lại xuất hiện, những mảng tường vôi vữa lại bong ra.
“Chả thế mà, ở khu tập thể này, biết bao nhiêu người, đang ngủ, đang đi, đang ngồi chơi xơi nước, bỗng dưng trợn mắt, rồi lăn đùng ngã ngửa ra vì một vật từ trên trời rơi xuống...." - bà N nói.
"Mà chẳng nói đâu xa, mới cách đây mấy ngày, bà cụ ở phòng gần đây thôi cũng vừa bị cả mảng trần rơi xuống đầu. May mắn làm sao, phúc đức làm sao, bà ấy lại không hề hấn gì. Chứ không thì đúng là ngoan nghiệt” – bà N nói tiếp.
Cảnh bong tróc, nứt lở như thế này không còn là
chuyện hiếm gặp trong nhiều khu tập thể cũ |
Vẫn theo lời bà N, ở đây, nguy hiểm nhất là khu vực hành lang, cầu thang đi lại. Bởi đây là khu vực chung, không thường xuyên được tu sửa. Do đó, các mảng tường cứ liên tục bong tróc, nứt toác ra. Người đi qua không biết lúc nào nó sẽ rơi xuống đầu mình. Do đó, họ cứ mặc kệ, phó mặc sự oan toàn của mình cho số phận, cho sự may rủi.
Trời không mưa cũng dột
Tiếp lời của bà N, chị T sống tại khu tập thể này cũng vô cùng bức xúc. Chị bảo, “người không biết lại cứ tưởng mình hâm, mình có vấn đề về thần kinh, vì đi lại trong khu nhà mà cứ phải đội nón. Nhưng có ở đây, sống trực tiếp trong khu nhà này thì mới biết, không đội nón, thì nước cống, nước rãnh, nước vệ sinh, thậm chí là nước gỉ nước gì nó cũng rơi xuống đầu, hôi thối, tanh tưởi, và khó chịu lắm”.
Chị T bảo, chị không biết, những loại nước đó từ đâu xuống, có phải từ cống rãnh, nhà vệ sinh hay các thùng chứa nước của tòa nhà bị ngấm ra hay không, thế nhưng dọc khu hành lang, cầu thang, và nhất là những khu vực gần nhà vệ sinh, nước cứ tí tách rơi từ trên trần xuống suốt ngày.
“Thậm chí, có nhiều ngày, nước từ các đường ống còn tràn ra, ngập cả hành lang, tràn cả vào trong nhà khiến người dân cứ phải múc từng xô, từng thùng để đổ đi. Nhưng đổ đến đâu thì nước lại ngấm ra đến đó, thành ra, có nhiều lúc, mình cứ như “dã tràng se cát biển đông” - chị T nói.
Những bức tường bị ngấm nước trong khu tập thể |
“Mình ở quen rồi, nhưng khi có khách thì đúng là xấu hổ” – chị T kể tiếp.
Theo chị T, nhà chồng chị ở quê nên sau khi cưới, chị được bố mẹ đẻ cho căn hộ tập thể này. “Tuy chỉ là một căn hộ nhỏ và đầy rẫy những bất tiện khổ sở, nhưng với những người ở quê thì cái tiếng có nhà Hà Nội cũng khiến mình nở mày nở mặt lắm.
Về quê, mọi người nể nang, trọng vọng và quý hóa lắm. Thế nhưng, có lần, bà thím bên chồng cho con lên thi đại học. Địa điểm thi của nó lại gần nhà mình, vì thế, không có lý do để từ chối, mình buộc lòng phải đưa họ về nhà.
Ở nhà mình, ngày đầu tiên, không có chuyện gì xảy ra. Ngày thứ 2, cái ống nước của nhà vệ sinh có vấn đề, nhà mình lại gần khu vệ sinh, nước ngấm ra, hôi thối và nồng nặc đến khó chịu. Bà thím mình cứ bịt mũi, kêu khổ.
Bà ấy bảo, sống thế này, có thêm vàng bà ấy cũng chả ở. Rồi, về quê, bà ấy bắt đầu dè bỉu, tung tin khắp làng …. Thế là từ đó, mình về quê, mọi người thay đổi hẳn thái độ, không còn nể nang mình như trước nữa.
Mình nghĩ cũng cay cú bà thím kia lắm, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, bà ấy nói cũng đúng. Chẳng có ở đâu lại khổ như ở đây” – chị T nói.
Minh Anh – Ngọc Trang
(còn nữa)