Dĩ nhiên là việc giãn cách xã hội giờ đây người ta đã thấm nhuần mọi nhẽ thiệt hơn cho chính mình. Họ tự giác chấp hành nghiêm chỉnh và nhắc nhau cùng chấp hành. Bạn không thể chạy ra cửa hàng rau sạch đầu phố mua rau mà quên cái khẩu trang được.
Nhân viên ngoài ấy sẽ phát hiện ra và yêu cầu bạn quay về lấy khẩu trang khẩn cấp. Họ sợ cho bạn và cũng là sợ cho mọi người quanh bạn. Phản xạ quan sát người đeo khẩu trang hay không giờ đã thành phản xạ có điều kiện chẳng cứ gì lực lượng chức năng. Ai cũng hiểu rằng rất có thể đương sự do vội đi mà quên mất việc cần thiết.
Lực lượng công an kiểm tra giấy tờ người ra đường |
Chỉ thị cấm người ra đường khi không có việc cần thiết tưởng như chặt chẽ chu đáo mà không phải thế. Nếu để không nhầm lẫn giữa bánh mì và gạo, rau cái nào không phải là thực phẩm thiết yếu thì có lẽ cái chỉ thị ấy phải in kèm bản phụ lục danh sách dài bất tận. Và cũng chẳng có
bộ óc vĩ đại nào ngồi nghĩ ra được đủ những thứ cần thiết cho con người để cho vào danh sách. Nhất là con người hiện đại.
Những người dưới 30 tuổi bây giờ bảo đánh răng bằng muối chắc chắn họ chẳng biết làm thế nào. Kem đánh răng là thiết yếu với họ. Nhưng để ý kĩ thì thấy lớp này nhiều người chẳng cần ăn rau mà vẫn sống khỏe. Có người coi pizza là thứ ăn hàng ngày không biết chán.
Người già thì không thế. “Già được bát canh, trẻ được manh áo mới” là tục ngữ ngàn đời của người Việt. Dù rằng bây giờ các cụ có thể trồng cả hai hàm răng implant sáng quắc thì bữa đến vẫn phải có bát canh rau. Thế nhưng bảo các cụ xơi tạm mì ăn liền 3 buổi sáng liền có lẽ còn khó hơn bắt trẻ con đánh răng bằng muối hạt.
Thành ngữ mới “Rảnh rỗi sinh nông nổi” của đám thanh niên trên mạng có lẽ được ứng dụng nhiều nhất trong dịp cách ly này. Có anh chàng ngồi say sưa đếm cả túi gạo ST25 xem có bao nhiêu hạt. Sau đó công bố thành tích của mình trên mạng. Chuyện tưởng vớ vẩn ấy không ngờ tạo thành trend sống ảo cực kỳ sôi nổi.
Đại khái không còn cái gì trong nhà không lôi ra đếm. Mặc dù người lớn đã từng mách nước chỉ cần đếm 1gr gạo rồi nhân lên với 1.000 lần cũng chẳng có ai theo. Tranh cãi sôi nổi không hồi kết chẳng để làm gì cả. Mà gia đình nào trước giờ giãn cách cũng mua về cả đống lạc, vừng, đậu đỗ, miến, bánh đa sợi các loại. Vài cô cậu còn xé túi rong biển nấu thạch ra đếm từng sợi một.
Bờ Hồ vắng vẻ trong những ngày giãn cách |
Đếm xong cân nhộng tằm còn cẩn thận ra ban công đếm nốt số lá cây chanh trồng làm cảnh. Để xem lá ấy cỏ đủ làm món nhộng rang lá chanh hay không.
Đàn ông trong giãn cách không ngờ sinh ra làm khối việc hàng ngày. Mở mắt ra là lên sân thượng tập thể dục và quét dọn cái sân bằng hai chiếc chiếu thôi. Đó là việc không bao giờ đàn ông ngó tới hàng ngày. Tiếp theo là tự vào bếp nấu cho mình một bát mì với toàn bộ gia vị và kiến thức chế biến mì sợi từ ngày bao cấp. Quả cà chua bổ cau như thế nào, hành trắng phi thơm đến độ nào, trứng đập vào nồi nước sôi lúc nào cho khỏi vỡ nát. Toàn bộ kí ức từ bốn mươi năm trước hiện về mồn một kể cả lúc gắp mì ra bát ô tô rồi dội nước lên trên và rắc hành
thái nhỏ.
Sau bát mì sẽ là đun nước pha một phin cà phê. Ngồi trong yên tĩnh mà nghe cà phê nhỏ giọt như vài chục năm trước. Đàn bà cũng có việc mà ngày thường không thể làm được. Cố gắng moi trong tủ bếp ra mớ bồ kết héo quắt queo đen nhẻm đem ra nướng. Lí sự rằng mùi bồ kết chính là thuốc khử khuẩn môi trường cho cả nhà. Tiếp đến là nấu nồi nước bồ kết rõ đặc màu nâu sẫm để nguội.
Cầm thêm cái lược vào buồng tắm và hí hoáy chải gỡ trong ấy cả tiếng đồng hồ. Thực ra là gội đầu kỉ niệm hương bồ kết ngay bên cạnh lọ dầu gội đầu bồ kết mà không hề đụng đến. Nhìn gương mặt hớn hở tự hào của mấy bà vừa gội đầu bồ kết thật xong cũng có phần khác lạ. Nó hả hê như vừa trả được mối thù với thời gian bận bịu hàng ngày. Lại còn thấy cất cao tiếng hát “Đêm nghe tiếng mưa rơi/ Đếm mấy triệu hạt rồi…”(Ở hai đầu nỗi nhớ-Phan Huỳnh Điểu).
Nhà văn, họa sĩ Đỗ Phấn
Cắt tóc khi cách ly
Mối bận tâm rất lớn của cả đàn ông và đàn bà ở phố là chuyện tóc tai. Đàn ông bồn chồn ngứa ngáy vì tóc cứ dài ra hàng ngày. Đàn bà chỉ hơi khó chịu chút thôi vì mái tóc cầu kì chẳng có ai ngắm.