Trước khi vào mùa 8 của Game of Thrones, ta đã được diện kiến hàng đống quảng cáo liên quan tới mùa cuối cùng của seri phim ăn khách bậc nhất. Và đi kèm với quảng cáo phim, một loạt các nhãn hàng có tiếng ăn theo xu hướng Game of Thrones vô cùng ăn khách. Ta có danh sách dài của:
- Bia Bud Light được trình chiếu ngay tại sự kiện thể thao lớn của nước Mỹ, giải bóng bầu dục Super Bowl.
- Nước tăng lực Mountain Dew.
- Giày Adidas mang bóng dáng White Walker.
- Rượu Johnnie Walker mang sắc trắng xanh của Night King.
- Bánh Oreo phiên bản giới hạn.
... còn chưa kể hàng loạt thứ linh tinh khác, và đó là những chiến dịch marketing lớn, dài hơi, tốn kém nhưng mang lại không ít hiệu quả.
Thế nhưng không nhãn hàng nào có được sức lan tỏa như Starbucks, một nhãn hàng bỗng dưng nổi như cồn kèm Game of Thrones, chỉ vì những sai lầm tới từ cả đoàn làm phim lẫn người xem. Sau một đêm, Starbucks trở thành nhãn hàng đáng nhớ nhất khi người ta nhắc tới Game of Thrones.
Cảnh này đây:
Rõ ràng đã có sự nhầm lẫn ở đây.
Thứ nhất, bên sản xuất đã đặt nhầm cái cốc cà phê takeaway ở trên bàn, giữa khung cảnh cổ xưa của một vùng đất đầy rồng và ma thuật.
Thứ hai, theo khẳng định của nhà thiết kế sản phẩm Hannah Beachler, thì đây còn chẳng phải cốc Starbucks!
Cái cốc đó (từ Crafty chứ không phải Starbucks) được đặt trước ghế của Người Canh gác Phương Bắc chứ không phải Khaleesi! Mà chỉ có thành viên Hội Đạo diễn Mỹ (DGA) mới được ăn uống tại trường quay thôi nhé!
Nhưng Internet đã nhanh chóng kết luận cái cốc kia của hãng Starbucks, bỗng dưng nhãn hàng chẳng liên quan lại trở thành tâm điểm của cộng đồng mạng. Một trong những câu hỏi hiện ngay trong đầu người thực dụng: Giá trị màn quảng cáo miễn phí này cao bao nhiêu nhỉ?
Theo Fast Company chỉ ra, nếu muốn đặt sản phẩm với mục đích quảng cáo trong một show độc quyền như Game of Thrones, Starbucks sẽ phải trả trên dưới 1 triệu USD, bao gồm cả một đoạn quảng cáo giữa chương trình.
Thế nhưng HBO không có quảng cáo giữa phim, cũng không yêu cầu trả phí để đặt sản phẩm trong show (vì cơ bản, không thể đặt quảng cáo sản phẩm trong show Game of Thrones). Những quảng cáo như Bud Light hay Oreo phù hợp với truyền hình cáp bởi lẽ đây là màn trao đổi lợi ích giữa show truyền hình và món hàng được quảng cáo.
Giá trị cho Starbucks trong làn sóng Game of Thrones này nằm ở độ phụ của các phương tiện thông tin đại chúng. Chưa hết, mọi người trên nhiều nền tảng khác nhau đều đang nói về cái cốc “Starbucks” đặt sai vị trí, cho thấy độ phủ của sản phẩm lớn nhường nào; ngay cả việc người ta giả định ngay rằng cái cốc đó, tông màu đó thuộc về Starbucks lại là một lời vinh danh khác, nêu bật lên vị thế của Starbucks trong nền văn hóa hiện đại.
Starbucks nhận được màn quảng cáo miễn phí có thể trị giá tới ít nhất 1 triệu USD và mạng Internet giúp hãng nhấn mạnh được những yếu tố đặc trưng khiến Starbucks trở thành thương hiệu tầm cỡ.
Sau tất cả, Starbucks chỉ có dòng thông báo này trên Twitter:
"Thành thực mà nói, chúng tôi ngạc nhiên khi cô ấy không đặt món Dragon Drink*."
*Cho bạn nào chưa biết, danh sách đồ uống tại Starbucks có một món tên là Dragon Drink, là sự kết hợp hương vị nhiệt đới giữa xoài và thanh “long”.