Tại sự kiện chia sẻ kinh nghiệm để trở thành Startup Mobile thành công do VTC Academy và trang tin công nghệ Tech In Asia vừa tổ chức tại Hà Nội, ông Trần Anh Dũng, CEO của mWork (công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực phân phối game, nội dung số), nhấn mạnh: Hiện nay phần lớn Startup đều do người học công nghệ, hoặc liên quan đến công nghệ sáng lập. Trong khi đó, để một dự án thành công thì còn nhiều yếu tố khác liên quan đến kinh doanh, truyền thông... và cần có nhân sự am hiểu về những lĩnh vực này.

Tức là, không ai có thể khởi nghiệp với xuất phát điểm hoàn hảo ngay, có thể hiểu được hết mọi lĩnh vực. Thực tế đòi hỏi bản thân người sáng lập phải gây dựng được một đội ngũ nhân sự mạnh, có khả năng bổ khuyết cho nhau.

Ví dụ, nếu làm về thương mại điện tử thì cũng cần phải có người hiểu về vấn đề thương mại và điện tử, có tố chất hoạt động kinh doanh.

Cùng quan điểm, ông Đỗ Tuấn Anh, CEO của Appota (một trong những kênh phân phối nền tảng ứng dụng mobile hàng đầu tại Việt Nam, từng lọt vào Top 9 công ty khởi nghiệp đáng được đầu tư nhất Đông Nam Á - PV) cho hay, bản thân ông cũng đã chứng kiến nhiều Startup không thành công do không có được đội ngũ nhân sự phù hợp.

Từ kinh nghiệm bản thân (vốn từng tốt nghiệp chuyên ngành lịch sử trường Đại học KHXH&NV, chứ không phải bất kỳ một trường công nghệ nào - PV), ông Tuấn Anh cho rằng, trước hết người làm khởi nghiệp phải hiểu rõ bản thân, biết mình có thể làm được gì, không làm được gì để từ đó lên kế hoạch tìm kiếm nhân sự.

“Điều cần thiết là phải cộng tác được với những nhân sự có thể bổ sung cho tố chất mà bạn còn thiếu, nghĩa là Startup phải có người mạnh về công nghệ, giỏi về sản phẩm, sale, rồi truyền thông cộng đồng... phù hợp với từng lĩnh vực mà dự án khởi nghiệp cần”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Cũng tại buổi chia sẻ kinh nghiệm, một câu hỏi được nhiều người làm Startup đang quan tâm đó là làm thế nào có thể hợp tác, “thu nạp” được một nhân sự giỏi, thậm chí là còn giỏi hơn người sáng lập về cộng tác?

Theo kinh nghiệm của CEO mWork và Appota, vấn đề quan trọng là người sáng lập cần biết cách làm cho một nhân sự giỏi đặt niềm tin, tin vào tầm nhìn của dự án khởi nghiệp mà họ đặt ra, để nhân sự giỏi kia sẵn sàng trở thành người đồng hành.

Tuy nhiên, ông Tuấn Anh cũng khuyến cáo: Một Startup cho dù nếu có quá nhiều người giỏi thì cũng không hẳn sẽ thành công, mà có thể đổ vỡ nếu như tập thể đó không biết lắng nghe lẫn nhau, không có chung hướng đi.

Ngoài ra, người sáng lập dự án Startup cũng cần phải tạo ra được thách thức để một nhân sự giỏi thấy hứng thú, trong một khuôn phép nhất định cũng phải tạo ra cho họ được sự tự do nhất định...

Và khi dự án đã bước đầu thành công, đem lại lợi nhuận, thì cũng cần biết cách chia sẻ quyền lợi tài chính một cách hợp lý với họ, để làm sao họ cảm thấy gắn bó lâu dài, có trách nhiệm hơn với doanh nghiệp (như được trở thành cổ đông của công ty thay vì chỉ trả lương đơn thuần).

“Trước khi khởi nghiệp với Appota, năm 2010 tôi đã từng làm cho một doanh nghiệp trẻ khá có tên tuổi tại Việt Nam. Tuy nhiên sau đó, do cảm thấy không được gắn bó nên tôi đã rời công ty này với hai bàn tay trắng”, ông Tuấn Anh nói.