FinTech đã trở thành một từ khá quen thuộc trong thời gian gần đây. Về mặt định nghĩa, FinTech thường được dùng để chỉ một phân nhánh các công ty công nghệ đang gây xáo trộn nhiều lĩnh vực như thanh toán di động (mobile payment), chuyển tiền, vay nợ, gây quỹ và thậm chí là cả quản lý tài sản. FinTech là từ dùng để nói tới các công ty kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ. Các Robo-Advisers (các công ty tư vấn tài chính sử dụng thuật toán máy tính): chẳng hạn như Betterment, FutureAdvisor và Wealth Front đang thu hút được nhiều sự chú ý và cả tài sản. Các công ty này được cho là có chi phí thấp hơn và có thể thay thế cho các công ty môi giới truyền thống.

Thị trường FinTech ở Việt Nam khá mới mẻ nhưng không có nghĩa là thiếu đi tính hấp dẫn và FinTech vẫn là một xu hướng đương thời. Ai cũng biết rằng tại Đông Nam Á, Singapore là thủ đô của FinTech, tuy nhiên không thể lờ đi tiềm năng phát triển của các quốc gia khác tại khu vực này.

Các phóng viên trang 2geeks1city đã thực hiện một cuộc phỏng vấn độc quyền với ông Christian König, nhà sáng lập trang fintechnews.sg  của Singapore và cũng là một trong số những người thúc đẩy cộng đồng FinTech tại Việt Nam để hiểu thêm về tình hình phát triển thị trường FinTech ở quốc gia này.

Theo những nhận định của trang 2geeks1city, hệ sinh thái FinTech Việt Nam so với những nền kinh tế khác trên khu vực thì vẫn còn nhỏ và non trẻ. Mặc dù có quy mô nhỏ như vậy, nhưng FinTech Việt Nam vẫn rất hấp dẫn và là một trong những xu hướng đầu tư phát triển.

Trên thị trường hiện tại có khoảng 30 công ty Việt Nam tham gia vào sân chơi. Năm 2015, tổng cộng đã có 4,5 tỷ USD được rót vào 130 thương vụ trong khu vực này, trong đó Trung Quốc và Ấn Độ đứng đầu bảng.

Với 10 năm kinh nghiệm làm việc trong  lĩnh vực đầu tư ngân hàng, khi được hỏi về vai trò của FinTech trong các thị trường mới nổi như Việt Nam, ông König cho biết: “Hầu hết người Việt Nam ở độ tuổi từ 15 đến 35 và có tỉ lệ phổ cập điện thoại di động rất cao. Giới trẻ rất ham mê công nghệ. Khoảng 40 triệu người Việt Nam đang sử dụng Internet tức là tương đương với 44% dân số và 52% người sử dụng di động thì đều sử dụng smartphone”. Ông König cũng cho hay: “FinTech là khái niệm khá mới ở quốc gia này và chưa phải là một hệ sinh thái”. Tuy nhiên, theo ông König thì mọi chuyện sẽ sớm đổi khác và “rất nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm cũng như các nhà đầu tư đang để mắt tới FinTech tại Việt Nam”.

Ông König còn cho biết, điểm khác biệt giữa hệ sinh thái FinTech của Việt Nam với hệ sinh thái của các quốc gia khác trong khu vực đó là hầu hết những công ty tham gia vào lĩnh vực này đều là các công ty thanh toán di động và đó cũng là điểm xuất phát truyền thống của FinTech. Song thị trường Việt có đặc điểm đặc thù là chỉ có 3 - 4% người sử dụng thẻ tín dụng còn số người có tài khoản ngân hàng lên đến 8%. Ngoài ra, không có công ty nào tham gia vào thị trường InsurTech (Bảo hiểm-Công nghệ) và cũng không có người chơi thực sự trong thị trường ngoại hối. Theo ông König, thị trường ngoại hối có thể thúc đẩy FinTech của Việt Nam và tạo nên một cú hích lớn.

Các đặc điểm của thị trường Việt được vị chuyên gia này liệt kê ra bao gồm: Việt Nam có tỉ lệ phổ cập di động rất cao (trên 145%) nhưng người Việt thích dùng điện thoại để vào mạng xã hội (46%) và tìm kiếm nội dung (45%) hơn là tiến hành các giao dịch ngân hàng (4%). Tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang tăng lên, ước tính đến năm 2020 sẽ lên tới con số 33 triệu người, và đây là tốc độ tăng ước tính cao nhất Đông Nam Á. Một yếu tố nữa là tại Việt Nam tỉ lệ người dùng thẻ ATM cũng thấp và chủ yếu có thói quen tiêu tiều mặt. Theo ông König, người Việt “vẫn phải học cách tin vào thanh toán điện tử”.

Khi phóng viên đặt ra câu hỏi: “Những khó khăn chính cho các startup FinTech Việt trong những năm sắp tới là gì”, ông König nói: “Giống như mọi thị trường. Các ngân hàng và các công ty viễn thông sẽ thức giấc. 2 năm đầu tiên họ chỉ quan sát thị trường và sau đó đặt mọi nỗ lực vào các hoạt động có ý nghĩa. Những ông lớn khác cũng sẽ để mắt đến Việt Nam; Apple, Samsung, Google, Facebook, Alibaba… có thể gia nhập thị trường và khiến các startup FinTech Việt gặp nhiều khó khăn hơn. Việt Nam có thể học hỏi từ những thị trường khác. Ví dụ như tại Thụy Sỹ, nhiều startup bắt đầu bằng các giải pháp thanh toán di động. Sau đó các ngân hàng lớn cũng làm tương tự và startup biến mất. Vấn đề với các startup đó là họ chẳng có nhiều tiền và thời gian thì hạn chế”.

Ông König dành một số lời khuyên cho startup FinTech việt như sau: “Nhìn chung tôi không cảm thấy lạc quan với thanh toán di động. Có rất nhiều startup trong mảng này và cuối cùng thì chẳng công ty nào sống sót (hãy xem trường hợp của Thụy Sỹ). Bạn cũng cần phải có giấy phép của ngân hàng nhà nước. Nhìn chung, thị trường Việt Nam đầy thử thách và bạn phải hiểu về văn hóa. Sức mạnh của việc hợp tác chưa được biết đến thực sự ở Việt Nam và mọi chuyện bắt nguồn từ niềm tin. Không có những đối tác trong nước mạnh thì mọi chuyện sẽ rất khó khăn. Ngoài ra, hầu hết mọi người đều không tin tưởng các ngân hàng và ngân hàng trực tuyến vốn là sân chơi cho các ông lớn như Facebook. Nhiều doanh nhân còn rất trẻ vì vậy cá nhân tôi sẽ đầu tư vào một công ty FinTech tại quốc gia này nếu tôi hiểu về sức mạnh của sự hợp tác B2B [B2B là viết tắt của thuật ngữ Business To Business - mô hình kinh doanh thương mại điện tử trong đó giao dịch xảy ra trực tiếp giữa các doanh nghiệp với nhau. Giao dịch của các công ty với nhau thường được bắt đầu từ các giao tiếp điện tử, trong đó có giao tiếp qua các sàn giao dịch điện tử]. Thêm vào đó, họ phải hiểu làm thế nào để tiếp thị một cách thông minh và phải biết bán hàng (những người làm kỹ thuật không thể bán hàng và người Việt Nam hầu hết đều không phải là những người bán hàng giỏi). Hầu hết doanh nhân tại Việt Nam đều yếu về khả năng PR”.