Startup Trung Quốc sống hay chết phụ thuộc vào 3 công ty này

     

    “Romance of the Three Kingdoms” (Tam Quốc diễn nghĩa) là một trong những cuốn tiểu thuyết kinh điển của Trung Quốc miêu tả cuộc chiến tranh giành ngôi vương giữa 3 thế lực mạnh nhất thời Hán từ khoảng 1.800 năm trước.

    Thị trường Internet của Trung Quốc hiện cũng đang bị thống trị bởi 3 đế chế gồm Baidu, Alibaba và Tencent. Có thể nói, những công ty này đang nắm trong tay “quyền sinh, quyền sát” và là những gã khổng lồ trong lĩnh vực khởi nghiệp ở Trung Quốc.

    Cụ thể, bộ ba Baidu, Alibaba và Tencent được biết đến với tên gọi BAT. Baidu thường được gọi là "Google của Trung Quốc" – nắm giữ thị phần lớn trong mảng tìm kiếm. Alibaba thống trị trong lĩnh vực thương mại điện tử. Còn Tencent là đơn vị dẫn đầu trong mảng truyền thông xã hội.

     

    Những công ty này đang chi hàng tỷ USD để bắt kịp với sự chuyển dịch thần tốc sang điện thoại thông minh và những thiết bị di động khác của thị trường Trung Quốc. Chính điều này đã khiến họ trở thành “những ông vua" trong số các công ty khởi nghiệp.

    Dẫu vậy, sự hiện diện sâu và rộng trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người dân Trung Quốc khiến các công ty khởi nghiệp nói chung “nửa mừng, nửa lo” về BAT. Đa số đều xem đây là những con quái vật có thể quật ngã những công ty khởi nghiệp nhỏ hơn bất cứ lúc nào. Trong khi một số khác lại xem BAT như một vị cứu tinh, nhất là khi họ muốn lựa chọn con đường rút lui.

    Nhà sáng lập Alibaba là Jack Ma cũng thừa nhận trong một hội thảo vào tuần trước rằng: “Một vài năm gần đây tôi đọc được nhiều bình luận trên Internet về việc nhóm BAT đang cướp đi cơ hội đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp tại Trung Quốc. Một vài người nói rằng với những cây đại thụ như BAT, làm sao chúng tôi còn cơ hội nữa?”

    Tuy nhiên, sau đó ông đã xóa bỏ hoàn toàn những lo ngại này: “Không quan trọng là 3 hay 7 tượng đài, BAT sẽ tiếp tục phát triển và các công ty khởi nghiệp cũng vẫn sẽ có cơ hội dành chiến thắng”.

    Thực tế câu chuyện của công ty khởi nghiệp ứng dụng tìm kiếm di động Raven Tech đã chứng minh quan điểm trên là hoàn toàn đúng đắn. Nhà sáng lập Jesse của công ty này nói rằng, ban đầu các nhà đầu tư nói họ sẽ không rót vốn bởi công ty của tôi sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với BAT, đặc biệt là Baidu. Tuy nhiên, sau đó Raven Tech vẫn nhận được 15 triệu USD đầu tư từ các quỹ của Mỹ và Trung Quốc.

    Ma Jie – đồng sáng lập của công ty bảo mật trực tuyến Anquanbao nói rằng khi anh khởi nghiệp công ty vào năm 2011, các nhà đầu tư đã hỏi rằng: “Liệu BAT có sao chép sản phẩm của công ty anh không?”

    “Chúng tôi luôn sống trong nỗi sợ hãi bởi vì nhóm BAT lúc đó chưa thực hiện nhiều thương vụ mua lại như hiện nay. Đôi lúc, họ sao chép sản phẩm và ý tưởng của các công ty nhỏ và sau đó không ngần ngại chi đậm để cho ra mắt một sản phẩm thật hoành tráng”. Cuối cùng Ma Jie đã phải bán công ty của mình cho Baidu vào đầu năm nay nhưng anh không tiết lộ con số chi tiết.

    Trước những luồng ý kiến như vậy, người phát ngôn của Alibaba khẳng định rằng: "Alibaba luôn hỗ trợ các doanh nhân đổi mới. Đây không phải là vấn đề tìm ra người thắng hay kẻ thua cuộc".

    Trong khi đó, đại diện Baidu tuyên bố những khoản đầu tư vào các startup của công ty là nhằm tạo ra nằm trong chiến lược kinh doanh của họ. "Các khoản đầu tư này không phải để mua lại hay giết chết các công ty khởi nghiệp. Chúng tôi chỉ muốn xây dựng mối quan hệ đôi bên cùng có lợi".

    Các công ty khởi nghiệp của Mỹ hiện cũng đối mặt với thử thách tương tự khi chịu sức ép từ "bộ tứ" gồm Facebook, Amazon.com, Google và Apple. Tuy nhiên tại Trung Quốc, thế lực của Baidu, Alibaba và Tencent dường như mạnh và quy mô hơn rất nhiều.

    Cụ thể, BAT đã rót tiền đầu tư và mua lại hàng trăm công ty khởi nghiệp trong vài năm trở lại đây. “Kể từ năm 2014 đến tháng 5/2015, các công ty này đã đầu tư hơn 10 tỷ USD vào những dịch vụ theo yêu cầu”, chuyên gia phân tích Alan Lau của McKinsey nói.

    Riêng trong thị trường vận chuyển đồ ăn theo yêu cầu, Alibaba đã đầu tư vào Meituan.com. Tencent rót tiền vào Dianping Holdings và Ele.me. Trong khi đó, Baidu lại đặt cược vào Baidu Waimei.

    Với Sun Hao – Giám đốc điều hành ứng dụng rao thức ăn Daojia thì đây là điều hết sức vô lý. Anh nói rằng công ty của mình hoạt động tốt trước khi cuộc chiến giá cả bùng nổ, đẩy chi phí lên cao hơn. Hiện tại không những nhận được ít tiền hoa hồng hơn từ các nhà hàng mà anh còn phải trả lương cao hơn cho nhân viên vận chuyển. “BAT đã dùng tiền để bóp méo thị phần”.

    Đối với một vài công ty khởi nghiệp, những thoả thuận mua lại đôi khi lại là món hời lớn. Vào tháng 8 vừa qua, một vài ngày trước khi dịch vụ nhận giặt là Edaixi được cho là đã ký thoả thuận đầu tư với Tencent. CEO Edaixi là Lu Wenyong đã dự bữa ăn trưa cùng với sếp cũ của mình là CEO của Baidu Robin Li.

    Cũng trong buổi trò chuyện này, Baidu và 2 nhà đầu tư khác đã nhanh chóng đưa ra con số 100 triệu USD để đầu tư vào Edaixi, tức là lớn hơn 60 - 70 triệu USD so với mức Edaixi hy vọng. Còn Tencent đã đầu tư vào Edaixi từ vòng huy động vốn trước đó.

    Hiện tại, khi ứng dụng trực tuyến Anquanbao đã được Baidu mua lại, CEO hãng này là Ma Jie khuyên nhà sáng lập của những hãng khác nên nghĩ tới Baidu, Alibaba, Tencent như là những lựa chọn để giải thoát. “Theo cách này, bạn sẽ có nhiều hơn gấp 3 lần cơ hội được mua lại”.