Các doanh nghiệp Mỹ tổn thất khoảng 37 tỷ USD/năm do các sai lầm trong họp hành, cố Tổng Giám đốc Apple Steve Jobs không muốn công ty nằm trong danh sách này. Ông đã điều hành cuộc họp theo 3 phương pháp để tất cả diễn ra suôn sẻ và hiệu quả:

1. Giữ quy mô nhỏ nhất có thể

Trong cuốn sách “Insanely Simple”, cộng sự lâu năm của Jobs, Ken Segall mô tả quá trình làm việc cùng ông. Một câu chuyện nhắc đến cuộc họp hàng tuần với đại lý quảng cáo của Jobs. Khi ấy, ông nhìn thấy một người lạ và hỏi người đó: “Cô là ai?”. Lorrie, tên của nhân viên này, giải thích cô được yêu cầu đến họp vì là một phần của các dự án tiếp thị có liên quan. Tuy nhiên, những gì Jobs nói chỉ là: “Tôi không cho rằng chúng tôi cần cô trong cuộc họp này, Lorrie. Cảm ơn”.

Đối với bản thân mình, Jobs cũng đối xử khá tàn nhẫn. Khi Tổng thống Barack Obama mời ông tới cuộc gặp gỡ các nhân vật có thế lực trong giới công nghệ, Jobs từ chối vì có quá nhiều người được mời tới.

2. Bảo đảm có người chịu trách nhiệm

Năm 2011, trong bài điều tra về văn hóa Apple, phóng viên tờ Fortune Adam Lashinsky đã miêu tả chi tiết về quy trình mà Jobs sử dụng để đưa Apple trở thành một trong các công ty giá trị nhất thế giới. Trọng tâm chính là “tư duy trách nhiệm giải trình”, tức là mọi người đều biết ai là người chịu trách nhiệm cho bất kỳ việc gì đang diễn ra.

Lashinsky viết: “Nội bộ Apple đặt tên điều đó là “DRI”, hay cá nhân chịu trách nhiệm trực tiếp (directly reponsible individual). Tên của DRI sẽ xuất hiện trong chương trình làm việc của mỗi cuộc họp để mọi người biết ai là người chịu trách nhiệm. “Bất kỳ cuộc họp hiệu quả nào tại Apple cũng có một danh sách hành động”, cựu nhân viên công ty cho hay. “Bên cạnh mỗi hành động là DRI”. Câu nói thường được nghe tại Apple khi có ai đó muốn liên hệ với dự án là: “Ai là DRI về vấn đề đó””.

Quy trình hoạt động hiệu quả. Gloria Lin khi chuyển từ nhóm phát triển iPod sang Flipboard đã mang theo “văn hóa DRI” đi cùng. Chúng có tác dụng to lớn trong môi trường khởi nghiệp. “Trong công ty phát triển nhanh với nhiều hoạt động, những chuyện quan trọng chưa hoàn thành không phải vì mọi người vô trách nhiệm mà vì họ quá bận. Khi bạn cảm thấy thứ gì đó như con của mình, bạn sẽ thực sự quan tâm nó đang diễn ra như thế nào”.

3. Mọi người không thể “trốn” sau PowerPoint

Walter Isaacson, tác giả cuốn tiểu sử “Steve Jobs”, cho biết: “Jobs ghét các bài thuyết trình chiếu lệ, ông yêu thích các cuộc họp mặt đối mặt”. Mỗi buổi chiều thứ Tư, ông thường gặp nhóm tiếp thị và quảng cáo. Các slide PowerPoint bị cấm vì Jobs muốn nhóm của mình tranh luận một cách đam mê và suy nghĩ nghiêm túc mà không phụ thuộc vào công nghệ.

“Tôi ghét cách mọi người dùng bài trình chiếu thay vì suy nghĩ”, Jobs nói với Isaacson. “Mọi người đương đầu với một vấn đề bằng cách làm ra bài thuyết trình. Tôi muốn họ gắn kết để “băm vằm” các rắc rối thay vì chỉ ra một mớ slide. Những ai biết họ đang nói về cái gì không cần đến PowerPoint”.