Ưa thích cuộc sống văn minh, riêng tư, gia đình chị Phạm Thị H. (SN 1990, Thanh Hóa) quyết tâm vay mượn ngân hàng và họ hàng hai bên để mua một căn chung cư tại quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Cuộc sống ở chung cư khá thoải mái tuy nhiên có một vài vấn đề khiến gia đình chị H. chưa hài lòng.

‘Hàng xóm chúng tôi đa phần là những người văn minh, lịch sự, chỉ có một hộ duy nhất khiến cả tầng không thể nào chịu nổi’, chị H. cho biết.

Theo chị H., mặc dù quy định của chung cư là cấm nuôi chó mèo nhưng gia đình này vẫn nuôi.

‘Họ để con chó chạy nhảy ngoài hành lang và có lần đi vệ sinh luôn ở đấy. Các nhà đều sang góp ý nhưng không thay đổi. Một lần, phát hiện chó đại tiện tại hàng lang, các hộ chúng tôi sang tận cửa phàn nàn với gia đình này.

{keywords}
Chó đi vệ sinh ở hành lang chung cư (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Họ chối đây đẩy. Chúng tôi phải kéo nhau xuống gặp bảo vệ, yêu cầu trích xuất camera làm bằng chứng. Lúc quay lên thì nhà kia đã dọn đống phân rồi’, chị H. kể lại.

Không chỉ vậy, con chó này còn gây ra nhiều nỗi đau đầu cho các hộ dân.

‘Chủ của nó làm kinh doanh nên từ sáng sớm họ đã ra khỏi nhà, đến tối muộn mới về. Nhà họ khóa cửa nhưng chỉ đóng cửa sắt phía ngoài, cửa gỗ vẫn để mở vì vậy con chó bị nhốt trong nhà kêu liên tục suốt cả ngày.

Tiếng kêu của nó khiến các hộ khác không thể chịu nổi phải đóng cửa, thậm chí bật nhạc to để át tiếng chó ăng ẳng. Căn hộ của tôi tôi nằm ở phía xa hơn không bị ảnh hưởng nhiều nhưng đến gần cầu thang máy để đi lại sẽ nghe thấy’, chị nói.

Cũng theo chị H, các hộ ở cùng tầng chị rất đoàn kết. Vào các ngày lễ, Tết họ đều trích quỹ tổ chức các hoạt động giao lưu, liên hoan nhưng gia đình này không tham gia. Các gia đình khác chào hỏi họ cũng không muốn đáp lời, khi bị phản ánh về vấn đề nuôi chó họ cũng lờ đi.

Chị B, một người phụ nữ khác cũng ở khu vực Hoàng Mai, chia sẻ, mất cắp vặt là điểm trừ ở chung cư chị đang sống.

Chị nói: ‘Bản thân tôi bị mất mũ bảo hiểm đến 4 lần. Những lần đầu tôi chủ quan, không cho mũ vào cốp xe nên bị lấy mất. Đến khi mua chiếc thứ 3 tôi bắt đầu có ý thức cho vào cốp, một lần vội lên nhà nên treo ở ngoài và lại bị mất. Đến lần thứ 4, chiếc mũ bảo hiểm cũ, chất lượng kém tôi nghĩ không ai lấy thế mà vẫn bị mất’.

Không chỉ mũ bảo hiểm, áo mưa cũng là vật hay bị mất cắp tại một số chung cư.

Chị Vinh Hồng (SN 1988, Nghệ An) đang sống tại một căn hộ chung cư ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, cho biết, ở chung cư khá vui, các hộ đều là những gia đình trẻ văn minh, có tinh thần tập thể cao.

Tuy nhiên chị nói, cũng không tránh khỏi một số vấn đề khi sống chung cùng một không gian. ‘Tôi ái ngại nhất là việc hát karaoke. Một số hộ có tiệc tùng, hát hò đến 11, 12 giờ đêm. Dù đóng cửa nhưng nhiều hôm quá ồn ào chị Vinh Hồng vẫn không ngủ được, đặc biệt gia đình chị còn có 2 con nhỏ.

‘Bên cạnh đó, trẻ con ở chung cư nhiều, các cháu thường chơi đá bóng tại hành lang, khoảng 2-3 cháu và 1 quả bóng đã gây ồn ào, bóng đập rầm rầm vào cửa. Có hôm 10 giờ đêm, các cháu vẫn chơi, đạp xe ầm ĩ khiến tôi phải nhắc nhở’, chị nói.

Từ khi chuyển vào sống ở chung cư ở Hà Đông, Hà Nội, chị Ngọc (SN 1980, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết gia đình chị giao lưu với hàng xóm nhiều hơn, nhưng cũng chính vì sát vách nhau mà nhiều lúc chị cảm thấy không thoải mái trong sinh hoạt.

Chị kể, mỗi tầng có 16 căn hộ, hầu hết các nhà đều sáng đi tối về đóng cửa. Trừ những ngày lễ tết tụ tập nhau ăn uống ở hành lang, còn lại nhà ai biết nhà ấy.

‘Đi làm về mệt, lại phải lo cơm nước cho chồng con, rồi dọn dẹp nhà cửa, thậm chí thỉnh thoảng buổi tối tôi vẫn phải tranh thủ làm việc nên tôi chỉ muốn yên tĩnh, không tụ tập chơi bời gì với hàng xóm.

Thế nhưng, cứ mỗi lần mở cửa ra cho thoáng gió là đám trẻ con nhà hàng xóm lại ùa vào. Đứa ngồi xem tivi, đứa lôi đồ chơi của con tôi ra bày vẽ, nghịch ngợm. Những đứa nhỏ dưới 2 tuổi còn nghịch dại, tự nhiên tôi lại phải vừa làm việc vừa trông chừng. Thậm chí, tôi còn không dám nói câu nào nghiêm khắc với bọn trẻ vì sợ hàng xóm nghe thấy lại tự ái’.

‘Tôi không hiểu hàng xóm nhà mình nghĩ thế nào mà để con sang nhà người ta chơi 1- 2 tiếng đồng hồ, đến giờ đi ngủ mới gọi về’, chị Ngọc bức xúc chia sẻ.

Không chỉ thế, mỗi lần đám trẻ con kéo quân về là chị lại phải dọn dẹp: cất gọn đồ chơi, quét nhà, lau chùi…

{keywords}
Một chung cư ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội

Sau vài tháng dọn đến nơi ở mới, chị không còn dám mở toang cửa hóng gió, mà mỗi lần đi về đều phải đóng chặt. Không biết những người hàng xóm có nhận ra điều đó mà nhắc nhở bọn trẻ hay không, nhưng thỉnh thoảng lại thấy có đứa trẻ đập cửa rầm rầm bên ngoài.

‘Nhà đất có thể chọn hàng xóm, chung cư nơi chúng tôi ở thì không’, chị Hà (SN 1985) kể về rắc rối của mình. Hàng xóm của chị là một gia đình có chồng ham mê lô đề, cờ bạc.

Nhiều hôm vào mùa bóng đá, nhà này tụ tập ăn uống, cá độ đến tận đêm rất ồn ào. Nhưng vì họ là ‘dân xã hội’ nên không hộ nào dám ý kiến.

Một lần, chồng chị Hà đi công tác, khoảng 10 giờ tối, một nhóm người bấm chuông nhà chị, đòi vào nhà. Nhóm người này hỏi: ‘Mày có phải vợ thằng N. (tên hàng xóm chị Hà) không?’. Chị Hà lắc đầu nhưng nhóm người này hùng hổ đòi xông vào nhà. Họ dọa nạt và định ném chất bẩn vào phòng khách khi thấy chị không muốn mở cửa. Chị Hà phải nói hết lời và đưa chứng minh thư cho nhóm người trên xem họ mới tin và bỏ đi.

Hóa ra họ đến đòi nợ nhà hàng xóm nhưng nhầm với số phòng nhà chị. Khi chị Hà giải thích, nhóm người trên nghĩ chị sợ hãi nên nói dối và không tin.

Sau vụ việc đó, vợ chồng chị Hà quyết tâm rao bán căn hộ, chuyển ra ngoài thuê trọ.

Vợ chồng chị đang tìm mua đất, xây nhà. ‘Lần này chọn chỗ ở, ngoài giá cả, vị trí chúng tôi sẽ xem xét cẩn thận hàng xóm’, chị khẳng định.

Nhà giàu, trí thức cũng khóc vì ám ảnh chung cư

Nhà giàu, trí thức cũng khóc vì ám ảnh chung cư

Sống lâu tôi mới ngã ngửa ra rằng chung cư không phải lúc nào cũng văn minh, sạch sẽ.

Thảo Trang