Trong đợt điều trị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, bà L.T.T, 60 tuổi, được phát hiện có tình trạng rối loạn nhịp nhanh không đều, ngoại tâm thu thất nhiều. Đây là loại rối loạn nhịp nguy hiểm, có nguy cơ diễn biến nặng đột xuất. Người bệnh được điều trị kiểm soát nhịp bằng thuốc.
Trong một lần vào nhà vệ sinh bệnh viện, bà T. bất ngờ hôn mê, ngừng tuần hoàn. Bà may mắn được phát hiện kịp thời, lập tức được cấp cứu ngừng tuần hoàn. 10 phút sau, người bệnh có nhịp tim trở lại, chuyển khoa Cấp cứu để theo dõi.
Nhưng ngay sau đó, bà T. tiếp tục xuất hiện tình trạng ngừng tuần hoàn lần hai, tiếp tục được cấp cứu. Khoảng 20 phút căng thẳng, người bệnh có nhịp tim trở lại nhưng rơi vào tình trạng hôn mê gọi - hỏi không đáp ứng, thở nhanh, mạch nhanh nhỏ, huyết áp thấp (duy trì 3 loại vận mạch).
Nhận định tình trạng người bệnh rất nguy kịch, bác sĩ hội chẩn, chỉ định điều trị hồi sức cấp cứu chuyên sâu. Để giúp bệnh nhân tránh được những biến chứng nặng nề sau cấp cứu ngừng tuần hoàn, các bác sĩ sử dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy sớm.
Sau 3 ngày, bệnh nhân hồi tỉnh, không có di chứng thần kinh, được rút ống thở, kết thúc hạ thân nhiệt sau 48 giờ. Đến ngày 25/10, người bệnh tiếp tục điều trị và theo dõi sát sao.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh, khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết hạ thân nhiệt chỉ huy là phương pháp thân nhiệt người bệnh sẽ được đưa xuống mức 32 - 36 độ C, duy trì nhiệt độ này trong một thời gian nhất định (từ 24 - 72 giờ).
Bác sĩ Vĩnh khuyến cáo với người bệnh ngừng tim, việc cấp cứu ban đầu tại chỗ rất quan trọng (đặc biệt là trong 5 phút đầu tiên), sau khi tái lập được tuần hoàn, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến ngay các cơ sở y tế đủ điều kiện để tiếp tục điều trị. Kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy đạt hiệu quả cao nhất trong 3 giờ từ khi người bệnh ngừng tuần hoàn.