Nội dung Đóng góp do Quốc gia tự Quyết định năm 2020 của Việt Nam đã nêu rằng, các doanh nghiệp là một trong những nhóm tác nhân chính có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các cam kết của Việt Nam. Điều này là hiển nhiên, bởi, các doanh nghiệp trên toàn cầu đóng góp tới 70% lượng khí thải carbon của thế giới.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp đóng góp phần lớn vào GDP và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời cũng chiếm phần lớn lượng phát thải khí nhà kính do các hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, doanh nghiệp có vai trò khá quan trọng trong các hành động chung của Việt Nam để thực hiện các cam kết.

Hơn thế nữa, việc tuân theo các nguyên tắc vầ phát thải đối với các doanh nghiệp ngày nay là một trong các yêu cầu bắt buộc trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu. Quản lý rủi ro của biến đổi khí hậu đang nhanh chóng trở thành một yếu tố cần thiết nếu doanh nghiệp muốn đảm bảo sự thịnh vượng lâu dài và đạt được lợi ích thương mại.

Hiện nay, có hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ đã thông qua Thỏa thuận Paris, một hiệp ước quốc tế ràng buộc về mặt pháp lý về biến đổi khí hập tạo COP21 năm 2015. Qua đó, các nhà đầu tư, người tiêu dùng đã có những yêu cầu chặt chẽ hơn, đòi hỏi sự cam kết của các doanh nghiệp trong thực hiện các hành động bảo vệ môi trường. Khi đứng ngoài các cam kết, doanh nghiệp sẽ có nhiều khả năng phải đối mặt với các vấn đề như: Không tuân thủ các quy định của Chính phủ, đầu tư thua lỗ, bị bỏ lại phía sau, bị đe dọa bởi sự bất ổn của chuỗi cung ứng và tiếp tục chịu ảnh hưởng của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.

Bên cạnh đó, khi đưa mục tiêu Net Zero vào chiến lược kinh doanh, doanh nghiệp sẽ có cơ hội để tái định vị, xác định và chuyển đổi mục đích sử dụng các sản phẩm và dịch vụ hiện có thành các dịch vụ có năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn. Thêm vào đó, để thúc đẩy quá trình thực hiện cam kết, nhiều nguồn vốn đầu tư cũng ưu tiên sử dụng cho các doanh nghiệp có cam kết hành động vì khí hậu. Điều này cũng tạo cơ hội đặc biệt cho các doanh nghiệp đầu tư cho quá trình chuyển đổi bằng cách mở rộng phạm vi các nguồn vốn truyền thống.

Để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0, trước hết, doanh nghiệp cần xây dựng báo cáo khí hậu rõ ràng. Báo cáo này sẽ giúp tạo dựng niềm tin với các bên đối tác, thể hiện thông điệp rõ ràng đến thị trường, chuỗi cung ứng, nhân viên chính phủ rằng doanh nghiệp đó minh bạch và có trách nhiệm trong quá trình chuyển đổi của mình.

Nghị định 06/2022/NĐ-CP cũng quy định rõ các cơ sở phát thải khí nhà kính thuộc danh mục theo Quyết định dố 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phải thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kinh theo kế hoạch do doanh nghiệp xây dựng bằng cách: Cung cấp dữ liệu và thông tin liên quan đến kiểm kê khí nhà kính theo hướng dẫn của Bộ tài Nguyên và Môi trường và thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính kể từ năm 2023; Kiểm kê phát thải khí nhà kính, xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính từ năm 2025.

Giải pháp tốt nhất để giải bài toán carbon thấp cho doanh nghiệp hiện nay là tập trung vào sự chuyển dịch năng lượng thông qua sử dụng năng lượng tái tạo, thực hành sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, quản lý năng lượng thông qua giám sát và kiểm soát năng lượng.

Thực tế cho thấy, phát triển nguồn năng lượng tái tạo đang dần chiếm vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế bền vững ở các quốc gia do lợi ích to lớn của việc tận dụng tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên vô tận như gió, mặt trời, nước, sóng biển…, đồng thời góp phần giảm tác động của hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả mang lại rất nhiều lợi ích: Giảm phát thải khí nhà kính, giảm nhu cầu nhập khẩu năng lượng và giảm chi phí cho doanh nghiệp. Cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng là lựa chọn tiết kiệm hơn nhiều so với chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và thường là cách nhanh nhất để giảm sử dụng năng lượng hoá thạch.

Các giải pháp trên cũng sẽ góp phần thúc đẩy doanh nghiệp sẵn sàng thể hiện khả năng thích ứng nhanh chóng và đưa ra các giải pháp sáng tạo thúc đẩy sự chuyển đổi hướng đến phát triển bền vững.

 Anh Duy, Lê Thúy, Nguyễn Duy