Để có thể khởi nghiệp thành công, hầu hết các doanh nghiệp đều phải có cho mình những nguồn lực đủ mạnh. Đó có thể là tiềm lực về tài chính, công nghệ, con người hoặc nhờ sự trợ giúp của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp với mục đích nhanh chóng đưa doanh nghiệp tiếp cận với thị trường hoặc tìm được những nhà đầu tư thích hợp.

Lâu nay tồn tại phổ biến hai hình thức trợ giúp doanh nghiệp khởi nghiệp là vườn ươm và tăng tốc khởi nghiệp. Các vườn ươm là nơi bảo trợ cho doanh nghiệp từ khi khởi nghiệp cho tới lúc trưởng thành, trong khi khóa tăng tốc khởi nghiệp chỉ trợ giúp cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong một khung thời gian ngắn hơn, với những bài tập mang tính bắt buộc mà các doanh nghiệp phải hoàn thành nếu muốn trụ lại cho tới khi tốt nghiệp.

Trong thời gian gần đây, cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam chứng kiến sự xuất hiện của rất nhiều đơn vị, tổ chức hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp. Bước đầu đã cho thấy sự hiệu quả khi cho ra đời những doanh nghiệp chất lượng và nhận được đầu tư từ những quỹ nước ngoài.

Khác biệt cơ bản.

Các khóa tăng tốc khởi nghiệp (Accelerator) có xu hướng đẩy nhanh sự tương tác giữa doanh nghiệp và thị trường, bắt buộc các doanh nghiệp phải thích nghi nhanh chóng trong một thời gian giới hạn. Về cơ bản, khóa tăng tốc khởi nghiệp khác vườn ươm ở các yếu tố: kỳ hạn hỗ trợ, mô hình hoạt động, quá trình chọn lọc doanh nghiệp, tổ chức lớp và đào tạo.

Trái lại, các vườn ươm (Incubator) thường đưa những đội quản lý từ bên ngoài đến giám sát ý tưởng kinh doanh do vườn ươm và doanh nghiệp cùng xây dựng, nhằm nuôi dưỡng, phát triển chúng qua một giai đoạn dài hơi hơn, đồng thời vườn ươm nắm giữ một lượng cổ phần lớn hơn của doanh nghiệp.

Một điểm khác biệt nữa đó là Incubator hoạt động trong một không gian và thời gian khác với Accelerator. Không gian của Incubator thường rộng lớn hơn là môi trường nơi tập trung làm việc của Accelerator. Thời gian của Incubator  dành cho startup thường kéo dài nhiều năm, có khi từ 3-5 năm. Trong khi thời gian của một khóa Accelerator chỉ kéo dài 4 tháng. Cổ phần của Incubator trong startup lớn hơn, thường chiếm 20% hoặc hơn, trong khi cổ phần tính cho Accelerator chỉ chiếm từ 6-10%.

Sự khác nhau cơ bản

Danh sách một số Incubator/Accelerator tại Việt Nam.

- Silicon Valley Việt Nam (tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) – Đây là một dự án kéo dài trong bốn tháng nhằm giúp các startup tham gia chương trình bằng việc mang tới cho họ sự trợ giúp từ những chuyên gia dầy dạn kinh nghiệm từ cả trong và ngoài nước.

- FIRST ( tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh ) – Bên cạnh dự án thung lũng Silicon, Bộ Khoa học và công nghệ cũng bắt tay với ngân hàng thế giới để cùng khởi động dự án FIRST. Dự án sẽ tập trung vào 4 mảng chính bao gồm công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, robot và IT.

- Topica Founder Institute (TFI): Là khóa học khởi nghiệp duy nhất tại Việt Nam có học viên gọi vốn lên đến hàng triệu USD như Appota, Yton.

- HATCH! PROGRAM: Là tổ chức ươm mầm khởi nghiệp tập trung vào xây dựng cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam, ươm mầm các khởi nghiệp và đầu tư thiên thần.

  •   -  Hub.IT (Hà Nội) – Hub.IT hiện đang khởi động một trương trình hỗ trợ khởi nghiệp. Theo đó, thay vì việc cung cấp vốn, họ sẽ tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ startup phát triển những kỹ năng quan trọng như diễn thuyết, thâm nhập thị trường, và mô hình kinh doanh. Chương trình sẽ kéo dài trong 6 tháng và cho phép các startup tại Hà Nội được làm việc cùng với đội ngũ của Hub.IT.
  •   - Khu công nghệ cao Sài Gòn (Sai Gon HiTech Park) : Nằm ở phía bắc và ngay cạnh nhà máy của Intel. Mục tiêu của Incubator này không phải là tìm kiếm thêm những startup mới mà là cố gắng để đưa được những startup hiện tại ra thị trường. 
  •  - mLab (thành phố Hồ Chí Minh) – Đây là dự án có sự hợp tác giữa SHTP và Ngân hàng Thế giới. Dự án sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp bao gồm cung cấp một khoản vốn nhỏ, không gian làm việc và sự hướng dẫn chuyện môn.