Chuyến công du của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tới thủ đô Trung Quốc hôm nay (4/12) được dự trù để thúc đẩy thương mại nhưng lại biến thành một sứ mệnh ngoại giao khẩn cấp.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

{keywords}
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến công du 6 ngày tới Đông Á trong bối cảnh căng thẳng khu vực đang tăng cao quanh ADIZ mới của Trung Quốc.

Nhiệm vụ hiện giờ của ông Biden là xoa dịu căng thẳng giữa Trung Quốc và các láng giềng nhằm tránh làm cho tình hình khu vực leo thang hơn nữa và tránh nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột trực tiếp liên quan đến vùng nhận diện phòng không (ADIZ) mà Trung Quốc vừa đơn phương xác lập trên biển Hoa Đông.

Sự hiện diện của Phó Tổng thống Mỹ ở Bắc Kinh là cơ hội đầu tiên để Washington có các cuộc thảo luận trực tiếp cấp cao về tình trạng căng thẳng hiện nay, trong số nhiều lĩnh vực tranh cãi với Trung Quốc.

Trong một sự kiện riêng rẽ, chính quyền Obama đã báo động cho Hàn Quốc rằng họ quan ngại về kế hoạch của Seoul nhằm cho phép hãng viễn thông khổng lồ của Trung Quốc, Huawei Technologies Inc., phát triển mạng lưới không dây của nước này.

Tại Bắc Kinh hôm nay, ông Biden sẽ có các cuộc hội kiến với Chủ tịch Tập Cận Bình trước khi ăn tối cùng lãnh đạo chủ nhà, định trước cho cuộc gặp một tinh thần cứng rắn nhưng thân mật - dường như để tránh một cuộc chiến công khai, trong khi vẫn đảm bảo trấn an được các đồng minh rằng Mỹ vẫn quan tâm sát sao tới vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

Khi đặt chân tới Tokyo ngày 3/12, Phó Tổng thống Mỹ đã bày tỏ lo ngại về quyết định hồi tháng trước của Trung Quốc về việc thiết lập ADIZ bao trùm cả quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản trên biển Hoa Đông.

"Chúng tôi quan ngại sâu sắc trước nỗ lực nhằm đơn phương thay đổi nguyên trạng ở biển Hoa Đông", ông Biden nhấn mạnh ở Tokyo khi đứng cạnh Thủ tướng Shinzo Abe. "Hành động này đã dấy lên căng thẳng khu vực, đồng thời làm gia tăng nguy cơ các vụ tai nạn và tính toán sai".

Căng thẳng leo thang về ADIZ, mà trong đó Trung Quốc yêu cầu các máy bay dân sự và quân sự phải nộp kế hoạch bay trước khi tiến vào, dẫn tới một số tín hiệu khó hiểu của Mỹ tới các đồng minh và các hãng hàng không có hành trình qua vùng không gian này.

Chính quyền Obama cho biết họ không chỉ thị cho các hãng hàng không ở Mỹ phải tuân thủ các quy định bay mà phía Trung Quốc đặt ra nhưng cũng tái nhắc lại rằng họ mong muốn các hãng hoạt động phù hợp với các quy định hàng không quốc tế.

Vì vậy, trong khi Washington điều máy bay ném bom B-52 bay qua ADIZ mới mà không thông báo cho phía Trung Quốc, một số hãng hàng không ở Mỹ nói họ vẫn sẽ chấp hành yêu cầu của Bắc Kinh. Trong khi đó, các hãng hàng không Nhật Bản và Hàn Quốc phớt lờ yêu cầu từ Trung Quốc đã làm dấy lên phản ứng khá gay gắt từ phía giới chức ở Bắc Kinh. 

Vùng ADIZ không phải là yếu tố duy nhất nổi cộm trong quan hệ siêu cường mà còn có nhiều tranh chấp khác về lãnh thổ và tài nguyên ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đã triển khai một tàu sân bay mới hồi tháng trước.

Bắc Kinh đã đầu tư mạnh vào quân sự, trong đó có các công nghệ mới nhằm gây khó khăn hơn cho Mỹ và các đồng minh hoạt động gần các bờ biển của Đại lục.

Lầu Năm Góc cũng cáo buộc Trung Quốc liên tục thâm nhập các mạng lưới máy tính Mỹ, kết hợp với các tập đoàn của nước này nhằm giành được công nghệ quân sự, các bí mật chính phủ và dữ liệu công nghiệp quốc phòng của Mỹ.

Cảnh báo đối với Hàn Quốc về hãng viễn thông Huawei là nằm trong một chiến dịch của Mỹ nhằm can ngăn các đồng minh không sử dụng công nghệ Trung Quốc trong các mạng lưới cơ sở hạ tầng chủ chốt của họ trước nguy cơ bị do thám.

Ông Biden và ông Tập Cận Bình từng gặp gỡ nhau trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Mỹ năm 2012. Hiện chưa rõ mối quan hệ đó có ảnh hưởng như thế nào đến cuộc gặp hôm nay của họ, trong đó có việc liệu nó có khiến cho lãnh đạo Trung Quốc cởi mở hơn trước những yêu cầu của vị khách Mỹ, hoặc nó có khiến ông Biden không đưa ra thông điệp rõ ràng với Trung Quốc về ADIZ.

Từ dự tính lúc đầu về một sứ mệnh thương mại, chuyến công du của ông Joe Biden giờ đây tập trung vào những căng thẳng an ninh leo thang. Mục tiêu của ông dường như sẽ là cho phép Trung Quốc một con đường để bắt đầu hạ nhiệt tình hình, trong khi chứng tỏ cho các đồng minh thân cận ở Hàn Quốc và Nhật Bản thấy rằng Washington có can dự, và họ không cần phải liều lĩnh tự hành động.

Việc Bắc Kinh đơn phương thiết lập một vùng phòng không trên biển Hoa Đông ngày 23/11 buộc Mỹ phải thể hiện vai trò rõ ràng hơn trong khu vực sau quãng thời gian dài chỉ đứng bên lề căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản về quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông.

Ngay sau công bố ADIZ mới của Trung Quốc, các nhà chức trách Mỹ kết luận nếu họ không gia tăng phản đối thì có nguy cơ Nhật Bản sẽ hành động đơn phương để củng cố quyền kiểm soát của mình đối với chuỗi đảo và khiến cho khủng hoảng thêm tồi tệ.

Các quan chức và chuyên gia quốc phòng thừa nhận, bất cứ một sự nhượng bộ ngay lập từ nào từ phía Bắc Kinh về ADIZ mới đều là không tưởng. Mục tiêu trước mắt hơn của Mỹ là ngăn chặn một sự leo thang hơn nữa của Trung Quốc, đặc biệt là về yêu cầu của chính phủ Nhật rằng các hãng hàng không nước này và các máy bay quân sự liên minh không tuân theo quy định mà Trung Quốc áp đặt cho ADIZ.

Theo các quan chức Mỹ, Phó Tổng thống Biden cũng sẽ kêu gọi Trung Quốc không thiết lập một ADIZ mới nào khác có thể thổi bùng sự phẫn nộ. Một số nhà phân tích quốc phòng đã chỉ trích phản ứng của chính quyền Obama. "Những gì chúng ta cần là một chính sách rõ ràng của Nhà Trắng về ADIZ, nhưng tôi vẫn chưa thấy gì", trích lời Michael Auslin, một chuyên gia về các vấn đề an ninh châu Á thuộc Viện American Enterprise Institute.

Trong khi ông Tập Cận Bình củng cố quyền lực ở vị trí lãnh đạo Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn tiếp tục theo đuổi các chiến lược ngày càng táo bạo nhằm xác nhận các tuyên bố lãnh thổ trước các láng giềng nhỏ hơn. Chủ đề này sẽ phủ bóng các mục tiêu ban đầu mà ông Biden đặt ra trong chuyến công du vốn nhằm nêu bật cam kết của chính quyền Barack Obama về chủ trương tái cân bằng chính sách và các nguồn lực hướng tới châu Á và thúc đẩy các mối quan hệ thương mại.

Chuyến công du của ông Biden còn bao gồm cả chặng dừng chân ở Hàn Quốc, nơi ông được cho là sẽ hối thúc Tổng thống Park Geun-hye, một người chỉ trích thẳng thừng chính phủ Shinzo Abe, bắt đầu một cuộc đối thoại.

Quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã trở nên lạnh lẽo do những khác biệt về hành xử của Tokyo trong Thế chiến II và bởi một cuộc tranh chấp lãnh thổ - một bối cảnh có thể khiến các nhà chức trách Mỹ không mấy vui vẻ khi cố gắng giải quyết việc Trung Quốc phô diễn sức mạnh quân sự và các mối đe dọa phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Thanh Hảo (Theo Market Watch)