Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới châu Á với sứ mệnh xoa dịu căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước làng giềng về tranh chấp lãnh thổ và tìm cách tái khởi động tiến trình hội đàm bị trì hoãn từ lâu về việc giải giáp hạt nhân Triều Tiên.

TIN BÀI KHÁC:


Trong chuyến công du thứ 5 tới châu Á trên cương vị đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Kerry sẽ thăm Hàn Quốc, Trung Quốc và Indonesia trước khi đến UAE. Đây là hành trình dọn đường cho Tổng thống Barack Obama tới thăm khu vực vào tháng 4 tới.

{keywords}
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ công du châu Á từ ngày 13 đến ngày 18/2. 

Trong chặng dừng chân đầu tiên ở Seoul 13/2, Ngoại trưởng Kerry được cho là sẽ bày tỏ lo ngại sâu sắc về sự trào dâng bất đồng giữa các đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản.

Seoul rất tức giận về chuyến thăm gần đây của Thủ tướng Nhật Bản tới ngôi đền thờ chiến tranh gây tranh cãi ở Tokyo, hành động gây oán giận ở cả Trung Quốc và Hàn Quốc về quá khứ thực dân của Nhật Bản và những tội quân đội nước này phạm phải hồi Thế chiến II.

Căng thẳng giữa Tokyo và Seoul "không mang lại lợi ích cho bên nào", một quan chức cấp cao nói với phóng viên trên cùng máy bay chở ông Kerry. Quan chức này giấu tên vì không được phép thảo luận các vấn đề công khai.

Ở chặng dừng chân thứ hai, Ngoại trưởng Mỹ được dự đoán sẽ yêu cầu Bắc Kinh không tuyên bố vùng phòng không trên Biển Đông. Ông cũng sẽ thúc ép Trung Quốc và Hàn Quốc không để những bất đồng khu vực leo thang thành xung đột vũ trang.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Kerry sẽ cam kết với các quan chức ở Bắc Kinh rằng Mỹ tận tâm với một mối quan hệ tích cực với Trung Quốc.

Chuyến công du 6 ngày của ông Kerry được thực hiện trong bối cảnh căng thẳng đang tăng cao ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đứng đầu là tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản và Trung Quốc ở Biển Hoa Đông. Chuyến đi cho thấy mối quan ngại ngày càng cao của Washington về việc bị lôi kéo vào các xung đột giữa bắc Kinh, Seoul và Tokyo, chưa kể lo ngại về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Lịch trình công du của Kerry không bao gồm Nhật Bản song người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ đã gặp Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida thứ Sáu tuần trước (7/2) ở Washington, nơi cả hai cam kết sẽ hợp tác sâu hơn nữa về an ninh và phản đối Trung Quốc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ). Kerry dự kiến sẽ nhắc lại sự phản đối của Mỹ với tuyên bố ADIZ đó khi ông đến Bắc Kinh.

"Washington sẽ thúc giục Trung Quốc theo đuổi một cách tiếp cận thận trọng hơn nhằm duy trì ổn định ở Biển Hoa Đông. Mỹ hiển nhiên đang rất lo ngại rằng nước này sẽ phải dính vào nếu như có một cuộc xung đột vũ trang xảy ra giữa Trung Quốc và Nhật Bản", Jia Qingguo, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, bình luận.

Trong một thông báo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết một vấn đề chính nữa trong nghị trình của Ngoại trưởng Kerry khi công du châu Á lần này là chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Ông sẽ thảo luận với cả Seoul và Bắc Kinh về các chính sách phối hợp đối với Bình Nhưỡng. 

Bình Nhưỡng đã tuyên bố sẵn sàng trở lại bàn đàm phán hạt nhân 6 bên nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin mới đây nói rằng các hoạt động chuẩn bị cho một vụ thử ở bãi thử hạt nhân ngầm chính của Triều Tiên dường như sắp xong.

"Các nước khác nhau đang dự tính hành động chống lại Triều Tiên", Giáo sư Jia thuộc Đại học Bắc Kinh nhận xét. "Washington muốn có một bức tranh rõ ràng về việc Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ xử lý như thế nào với một vụ thử hạt nhân có thể của Bình Nhưỡng".

Thanh Hảo (Theo SCMP, ET)