Quyết định Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được phê duyệt, với tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới.

Tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 942, phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030.

Bản chiến lược này có vai trò quan trọng, mở ra một bước ngoặt mới cho công cuộc chuyển đổi số nói chung và phát triển Chính phủ số nói riêng của Việt Nam.

{keywords}
Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh T. P. Huế

Năm 2020, tại Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử (EGDI) Liên hiệp quốc đã lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ “Chính phủ số”. Điều này đã phản ánh xu hướng dịch chuyển của các quốc gia từ Chính phủ điện tử sang Chính phủ số.

Với bản chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số đến năm 2025 mới được phê duyệt, nội hàm khái niệm “Chính phủ số” cũng đã lần đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ đưa ra.

Chính phủ số bản chất là Chính phủ điện tử, được bổ sung những thay đổi về cách tiếp cận, cách triển khai mới nhờ vào sự phát triển của công nghệ số. Vì vậy, khi nói phát triển Chính phủ số chính là nói phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số đã bao hàm Chính phủ điện tử. 

Chính phủ điện tử hiểu một cách đơn giản là “bốn Không”: có khả năng họp không gặp mặt, xử lý văn bản không giấy, giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc và thanh toán không dùng tiền mặt.

Chính phủ số là Chính phủ điện tử thêm “bốn Có”, gồm: có toàn bộ hành động an toàn trên môi trường số, có khả năng cung cấp dịch vụ mới nhanh chóng, có khả năng sử dụng nguồn lực tối ưu và có khả năng kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế - xã hội.

Bản chiến lược cũng đã đặt ra sứ mệnh và mục tiêu cao cho chặng đường phát triển hướng tới Chính phủ số thời gian tới. Tầm nhìn đặt ra là Việt Nam có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở mức độ cao trên thế giới, thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu vào năm 2025, thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu vào năm 2030 theo xếp hạng của Liên hợp quốc.  

Năm nhóm mục tiêu chính đến năm 2025 được đề ra trong chiến lược gồm có: Cung cấp dịch vụ chất lượng cao cho người dân; Huy động rộng rãi sự tham gia rộng rãi của xã hội; Vận hành tối ưu các hoạt động của cơ quan nhà nước; Giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế - xã hội; Thay đổi đột phá xếp hạng quốc gia, với các chỉ tiêu cần đạt là đưa Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu cả về chỉ số tổng thể, chỉ số tham gia điện tử cũng như chỉ số dữ liệu mở.

Việc bản chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số đặt ra tầm nhìn, sứ mệnh và mục tiêu lớn là nhằm tập hợp được lực lượng, thu hút nhân tài cả trong và ngoài nước cùng tham gia. Khi người Việt Nam chung sức, đồng lòng, khó khăn, thách thức sẽ trở nên nhỏ lại.

Đặc biệt, theo chiến lược, lần đầu tiên, các địa phương sẽ xây dựng phương án bảo đảm kinh phí hàng năm từ ngân sách nhà nước cho Chính phủ số, phấn đấu tỷ lệ chi cao hơn mức trung bình trên thế giới. Các nước hiện dành tỷ lệ chi khoảng 1- 2% tổng chi ngân sách nhà nước cho Chính phủ số, cá biệt, một số nước như Singapore, Hàn Quốc dành tỷ lệ chi cao hơn.

Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những quốc gia tiên phong, đi trước, hành động nhanh sẽ có cơ hội phát triển đột phá. Nói cách khác, ở kỷ nguyên số, không phải "cá lớn nuốt cá bé" mà là "cá nhanh nuốt cá chậm".

Cũng vì thế, bản Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025 đã đặt ra mục tiêu cơ bản là hoàn thành các chỉ tiêu phát triển Chính phủ điện tử vào năm 2021 và hình thành Chính phủ số vào năm 2025.

Trước đó, Bộ TT&TT đã xác định đưa 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện lên cung cấp trực tuyến mức độ 4 là một chỉ tiêu quan trọng cần đạt để mục tiêu phát triển Chính phủ điện tử được hoàn thành trong năm 2021 và mở đầu cho giai đoạn thực hiện chiến lược Chính phủ số.

Bản chiến lược mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng đã nhấn mạnh, nền tảng số chính là giải pháp đột phá để thúc đẩy phát triển Chính phủ số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả. Các nền tảng số được tạo ra bởi những doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc, cho phép các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng ngay dưới dạng dịch vụ, thay vì phải tự đầu tư, tự vận hành.

Định hướng mở để người dân, doanh nghiệp và tổ chức khác tham gia một cách phù hợp vào hoạt động của cơ quan nhà nước, tương tác với cơ quan nhà nước để cùng tăng cường minh bạch, nâng cao chất lượng dịch vụ, cùng giải quyết vấn đề và cùng tạo ra giá trị cho xã hội.

Bên cạnh đó, nếu như trước đây, thông thường phát triển Chính phủ điện tử đặt ra mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội tốt hơn. Bản Chiến lược này còn đặt mục tiêu trang bị công cụ làm việc để cán bộ, công chức, viên chức có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình, đó là Trợ lý ảo hay những Nền tảng làm việc, cộng tác trên môi trường số.

Vĩnh Sang