Tới hết ngày 14/8, Việt Nam đã công bố tổng số 265.464 bệnh nhân Covid-19, đứng thứ 80/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng đợt dịch thứ tư (từ ngày 27/4 đến nay), nước ta có thêm 261.463 ca bệnh do lây nhiễm trong nước. Số người mắc Covid-19 tử vong hiện đã lên tới 5.437 trường hợp, chiếm tỷ lệ 2,05% trên tổng ca nhiễm.

Theo các chuyên gia, chủng Delta với tốc độ lây rất mạnh, gây quá tải y tế và khiến diễn biến bệnh nhanh hơn là nguyên nhân chính cho sự nghiêm trọng của đợt bùng phát dịch này.

Tốc độ lây lan nhanh, chu kỳ lây nhiễm chỉ còn 2 ngày

Chủng Delta của virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ vào tháng 12/2020. WHO đã đổi tên biến thể này thành Delta để đơn giản hóa tên khoa học B.1.617.2 ban đầu. Tới nay, chủng virus này đã xuất hiện tại gần 140 quốc gia trên thế giới.

Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam lưu hành 7 biến thể của virus SARS-CoV-2. Riêng đợt dịch thứ tư, nước ta ghi nhận 2 chủng là Delta và Alpha (B.1.1.7, lần đầu tiên phát hiện tại Anh).

Trong đó, biến thể Delta có khả năng lây lan mạnh, được WHO xếp vào nhóm "biến thể gây quan ngại", khả năng lây truyền cao hơn 50% so với biến thể Alpha (khả năng lây nhiễm của chủng Alpha cao hơn 60-70% so với chủng ban đầu).

{keywords}
Virus SARS-CoV-2 

Phát biểu tại hội nghị giao ban trực tuyến phòng chống dịch hôm 16/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, đợt dịch này sẽ kéo dài hơn so với các đợt dịch trước, gây tác động trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, phát triển kinh tế, xã hội.

Bộ trưởng phân tích, biến thể Delta gây bùng phát đợt dịch này lây lan nhanh, tốc độ tấn công tăng gấp 2-3 lần so với các đợt dịch trước. Virus biến thể có tốc độ bám dính với tế bào vật chủ, khả năng nhân lên nhanh với số lượng lớn trong tế bào, từ đó dẫn đến việc phá hủy tế bào, phát tán mầm bệnh ra môi trường xung quanh trong thời gian ngắn.

"Chu kỳ lây nhiễm hiện nay chỉ còn 2 ngày chứ không phải 5 ngày như trước đây tính toán", Bộ trưởng nói.

Ngày 30/7, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về tình hình phòng, chống dịch Covid-19, Bộ trưởng tiếp tục nhấn mạnh: “Biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, mạnh, gây ra áp lực quá tải cho hệ thống y tế. Việc chuẩn bị hệ thống y tế cho điều trị do đó trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Các nước đều cảnh báo không thể chủ quan với chủng Delta đang phá vỡ và đảo lộn tất cả thành tựu chống dịch”.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng cho hay, tại Việt Nam thời gian qua, biến thể Delta lây lan rất nhanh trong các khu cách ly cũng như tại bệnh viện và cộng đồng. Chỉ trong vòng vài ngày, nhiều trường hợp từ F1 đã trở thành F0, F2 cũng trở thành F0, từ một ổ dịch lan đến rất nhiều ổ dịch khác. 

Virus lây mạnh trong môi trường kín như trong nhà, khu vực tập trung đông người, nhà máy, xí nghiệp, quán ăn uống. PGS Phu nhấn mạnh, do tốc độ lây lan của chủng Delta rất nhanh, chỉ cần tiếp xúc ở cự ly dưới 2m trong thời gian ngắn đã có thể nhiễm bệnh.

Đặc biệt, ở môi trường kín, điều hòa, virus lơ lửng trong không khí và dễ phát tán, làm tăng khả năng lây lan. Điều này có thể thấy rõ ở những ổ dịch trong nhà máy, khu công nghiệp, quán bar hay phòng karaoke, xe ô tô,…

Tăng nguy cơ nhập viện, khiến diễn biến nặng nhanh hơn

TS Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Việt Nam hôm 7/8 cho hay, các dữ liệu tính đến ngày 6/8 chỉ ra rằng, biến thể Delta có khả năng lây truyền cao hơn và tăng nguy cơ phải nhập viện.

"Đây là mối lo ngại của chúng tôi. Biến thể này đã xuất hiện tại 135 quốc gia, trong đó có Việt Nam, trở thành biến thể chủ đạo ở nhiều quốc gia. Vắc xin vẫn đang rất hiệu quả trong việc phòng ngừa mắc Covid-19 nặng do chủng Delta gây ra, tuy nhiên hiệu quả trong phòng ngừa nhiễm bệnh có triệu chứng có vẻ suy giảm", đại diện WHO nói.

ThS.BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thông tin, các bằng chứng thống kê lâm sàng chỉ ra biến thể mới Delta khiến các bệnh nhân có triệu chứng khởi phát sớm hơn và thời gian diễn biến nặng cũng nhanh hơn các biến thể khác.

"Chính vì lý do này mà trong phác đồ điều trị Covid-19 mới của Bộ Y tế, đã rút ngắn thời gian từ khi có triệu chứng đến diễn biến nặng còn 5-8 ngày, so với 7-8 ngày như trước đây. Việc này giúp các bác sĩ chú ý sớm hơn với những bệnh nhân mắc Covid-19, phân loại mức độ nặng đúng và sớm cho bệnh nhân. Từ đó, tránh việc phát hiện các triệu chứng nặng muộn gây khó khăn cho công tác điều trị”, bác sĩ Phúc phân tích.

{keywords}
Điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại TP.HCM
 

Một nghiên cứu của các chuyên gia tại Australia mới đây cho thấy chủng virus Delta dường như có thể khiến những người trẻ, khỏe mạnh có nguy cơ bị biến chứng tim mạch và làm gia tăng tỷ lệ tử vong ở nhóm đối tượng này.

Không chỉ nguy hiểm người lớn, tại Mỹ, theo dữ liệu gần đây của Hiệp hội Bệnh viện Nhi và Học viện Nhi Khoa Mỹ (AAP), biến thể Delta làm gia tăng số bệnh nhi nhập viện, gây các triệu chứng nặng hơn ở trẻ nhỏ, không đơn thuần là triệu chứng nhẹ tương tự cúm mùa như trước đây. Theo đó, nhiều trẻ bị suy hô hấp nặng, viêm phổi và phải can thiệp phổi tích cực, thậm chí phải đặt nội khí quản trong những khu điều trị đặc biệt.

“Đối phó” với biến thể Delta thế nào?

Theo tờ Aljazeera, để đối phó với chủng Delta, các chuyên gia y tế thế giới đều thống nhất rằng cần phải tiêm đủ hai mũi vắc xin, đồng thời tăng độ che phủ của vắc xin trên quy mô dân số để giảm số ca mắc và giảm nguy cơ virus tiếp tục đột biến. Cộng đồng người tiêm vắc xin càng lớn, nguy cơ lây nhiễm càng nhỏ. 

Bác sĩ Antoine Flahault, Viện trưởng Viện Y tế toàn cầu thuộc Đại học Geneva (Thụy Sĩ) cho rằng muốn khống chế lây nhiễm ở mức thấp, chiến dịch tiêm chủng cần được triển khai song song với giám sát giãn cách xã hội, công khai thông tin dịch bệnh và theo dõi việc thực hiện các quy định phòng dịch.

Theo CBC, một nghiên cứu gần đây trên tạp chí Y học New England kết luận, 2 liều vắc xin Pfizer có hiệu quả 88% đối với biến thể Delta, chỉ số này ở vắc xin AstraZeneca là 67%. Dữ liệu gần đây từ Israel cũng cho thấy tiêm Pfizer làm giảm nguy cơ mắc bệnh nặng lên tới 91%.

{keywords}
Tiêm phòng vắc xin Covid-19 là giải pháp quan trọng để ngăn chặn virus SARS-CoV-2

TS Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Việt Nam nhấn mạnh: “Cho dù là biến thể nào, các biện pháp bảo vệ hiện tại đều có tác dụng”.

Theo đó, ông khuyến cáo người dân tiếp tục các biện pháp 5K, đeo khẩu trang thường xuyên, ở nơi thông thoáng khí, vệ sinh tay thường xuyên, vệ sinh đường hô hấp và thực hiện quy tắc che miệng khi ho, tránh những nơi đông người và khai báo y tế đầy đủ.

Những biện pháp rất quan trọng, kể cả khi bạn đã được tiêm phòng, nhất là ở các địa phương đang có các ca lây nhiễm cộng đồng.

Bên cạnh đó, theo TS Park, hãy tiêm bất cứ vắc xin nào có sẵn khi đến lượt bạn. “Vắc xin giúp bảo vệ bạn và những người xung quanh bạn. Nó cũng sẽ làm giảm nguy cơ chủng virus Delta lây lan trong cộng đồng và gây ra các biến thể mới”, ông nói.

Một chuyên gia điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Việt Nam nhận định với VietNamNet, khi chủng Delta khiến dịch lan mạnh ra cộng đồng, Việt Nam không nằm ngoài quy luật về tỷ lệ nặng và tử vong của thế giới. Người dân chỉ có thể sống chung với dịch bệnh nếu có “bảo hộ” để tránh nguy cơ tử vong khi mắc bệnh, chính là vắc xin phòng Covid-19.

Trường hợp chưa thể tiếp cận vắc xin, bạn nên tuân thủ các hướng dẫn phòng chống dịch của Bộ Y tế, đặc biệt là thông điệp 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế để ngăn dịch bệnh lây lan mạnh hơn.

Quỳnh Anh 

Biến chủng  Delta đang càn quét châu Á

biến thể Delta đang càn quét châu Á

Chủng Delta đang gây nên những mối lo ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Việt Nam trong khi tỷ lệ tiêm chủng vắc xin còn thấp.