Vào ngày 15/9, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi giáo sư Jane Greaves của Đại học Cardiff (Anh) thông báo phát hiện những đám mây tầng cao trên Kim Tinh chứa khí phosphine.
Ở Trái Đất, khí này được sinh ra từ các vi khuẩn sống trong môi trường không oxy tương tự. Nguồn gốc của chất khí trên Kim Tinh là một vấn đề. Đó là lý do nhóm nghiên cứu cho rằng sự sống có thể tồn tại trong các đám mây này.
Mô phỏng các đám mây xung quanh Kim Tinh. Ảnh: NASA. |
Sự sống tới từ Trái Đất?
Đây được xem như một bước tiến quan trọng trong tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất. Tuy nhiên, phát hiện này cũng ngay lập tức đặt ra nhiều nghi vấn cho giới khoa học.
Một trong những giả thuyết thú vị nhất được đề xuất là sự sống trên Kim Tinh có thể tới từ Trái Đất thông qua những mảnh thiên thạch bay trên vũ trụ. Việc thiên thạch bay từ hành tinh này sang hành tinh khác trong Hệ Mặt Trời đã được ghi nhận, con người cũng từng phát hiện nhiều mảnh đá từ Mặt Trăng ở hành tinh của chúng ta.
Trong nghiên cứu mới xuất bản, 2 nhà thiên văn học của Đại học Harvard Amir Siraj và Avi Loeb cho rằng thiên thạch từ Trái Đất đã mang sự sống tới Kim Tinh. Loeb, Trưởng khoa thiên văn học của đại học Harvard và Siraj lấy ý tưởng từ thiên thạch bay qua Australia vào tháng 7/2017. Sau khi đi qua và tiếp xúc với khí quyển Trái Đất, biến thành một quả cầu lửa, thiên thạch này tiếp tục đi vào vũ trụ.
Thiên thạch bay qua Australia vào năm 2017, để lại một vệt lửa trước khi bay tiếp vào vũ trụ. Ảnh: Desert Fireball Network. |
Dù chỉ bay ngang qua Trái Đất, thiên thạch đã mang theo khoảng 10.000 vi sinh vật, theo ước tính của 2 nhà thiên văn học. Họ cũng tính toán được rằng số lượng thiên thạch nhỏ bay qua Trái Đất là rất lớn.
"Tổng số lượng thiên thạch mang theo sự sống bay qua các hành tinh từ trước tới nay vào khoảng 10 triệu - 1 tỷ. Trong đó, số lượng thiên thạch được phát hiện là vẫn còn mang theo sự sống khi bay qua các thiết bị phát hiện là từ 10-1.000", báo cáo của 2 nhà thiên văn học, xuất bản từ tháng 4, cho biết.
Sau phát hiện về đám mây Kim Tinh, 2 nhà khoa học đã tính toán và cho rằng có khoảng 600.000 thiên thạch đã đi qua cả Trái Đất và Kim Tinh sau khi di chuyển trong không gian khoảng 100.000 năm, quãng thời gian mà nhiều vi khuẩn vẫn có thể tồn tại.
"Cơ chế trao đổi sự sống giữa 2 hành tinh cho thấy rằng nếu sự sống trên Kim Tinh tồn tại, nguồn gốc của nó có thể không khác biệt nhiều so với sự sống trên Trái Đất", 2 nhà khoa học viết trong báo cáo khoa học đang chờ đánh giá.
Còn thiếu bằng chứng
Bên cạnh đó, nhiều nhà thiên văn học vẫn còn nghi ngờ vào tính chính xác của liệu dữ liệu tìm được từ Kính viễn vọng James Clerk Maxwell (JCMT). Một luồng nghi vấn khác thì cho rằng cách giải thích nguồn gốc của các đám mây chứa khí phosphine có thỏa đáng."
"Rõ ràng là nếu chính xác thì đây là một kết quả rất tuyệt, và có thể mang lại ý nghĩa lớn. Tuy nhiên, những phát hiện khoa học lớn như vậy cũng cần bằng chứng cụ thể hơn", John Carpenter, nhà khoa học tại đài quan sát ALMA ở Chile nói với Live Science.
Bằng cách phân tích ánh sáng thu được từ Kim Tinh, các nhà khoa học có thể dự đoán các chất ở khí quyển. Ảnh: ESO. |
Phosphine, công thức khoa học là PH3, là khí độc với nhiều loài, trong đó có con người. Khí này thường được vi khuẩn sống ở các vùng ít khí oxy như đường ống cống, vùng đầm lầy.
Quan sát bằng các kính thiên văn JCMT và ALMA, các nhà khoa học có thể tính toán được sự xuất hiện của một số chất khi phân tích ánh sáng đi qua những đám mây. Việc phát hiện phosphine gây bất ngờ, bởi với môi trường đầy khí CO và các phân tử khác có Oxy, phosphine đúng ra không tồn tại quanh Kim Tinh.
"Cần kiểm chứng thêm để xác thực họ thực sự tìm được phân tử chất đó. Ở thời điểm này, tôi không chắc 100% họ đã làm như thế nào", Michael Way, nhà vật lý học tại NASA chia sẻ.
Ông Way giải thích là khí SO2 cũng có bước sóng tương tự PH3, khi quan sát từ xa sẽ có ánh sáng giống như vậy. SO2 là loại khí nhiều thứ 3 ở khí quyển của Kim Tinh, vì vậy khí SO2 có thể đã làm nhiễu kết quả.
Nhóm nghiên cứu tại Đại học Cardiff đang thực hiện thêm những lần quan sát mới để kiểm chứng kết quả của mình. Một nhóm nghiên cứu khác của NASA sẽ sử dụng kính viễn vọng hồng ngoại SOFIA để kiểm chứng độc lập. Tàu vũ trụ BepiColombo của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) sẽ sớm bay qua Kim Tinh, và sẽ thu thập dữ liệu để kiểm tra.
Nhiều cách giải thích khác
Kể cả khi phosphine được xác nhận, thì vẫn có nhiều cách để giải thích sự xuất hiện của khí này trên Kim Tinh. Nhóm phát hiện đã nghĩ ra một loạt kịch bản có thể tạo ra phosphine trên khí quyển Kim Tinh. Khi không chứng minh được bất kỳ kịch bản nào, họ đã gợi ý rằng đây có thể là dấu hiệu sự sống.
Tuy nhiên, chưa thể khẳng định nhóm nghiên cứu đã tìm ra mọi kịch bản có thể. Lee Cronin, nhà hóa học tại Đại học Glasgow cho rằng có phosphine có thể hình thành khi bề mặt Kim Tinh có những vết nứt, và khí phốt pho (phosphorus) bay lên. Các đám mây acid sulfuric tạo mưa, phản ứng với khí phốt pho có thể tạo ra khí phosphine.
"Cách suy luận đang sai lầm. Chúng ta cho rằng vì phosphine tồn tại trên Kim Tinh, mà khí này lại có trong các hệ sinh thái trên Trái Đất, do vậy chắc chắn sẽ có sự sống trên Kim Tinh", ông Cronin nhận xét.
Kính viễn vọng James Clerk Maxwell (JCMT), đặt gần đỉnh Mauna Kea ở Hawaii. Ảnh: Will Montgomerie. |
Môi trường cực kỳ khắc nghiệt trên Kim Tinh cũng là lý do khiến nhiều nhà khoa học khó tin vào việc sự sống có thể tồn tại.
"Các hạt mưa ở đây là acid sulfuric đậm đặc. Những nhà khoa học đều biết là khi phân tử sinh học gặp acid sulfuric đậm đặc thì chắc chắn sẽ khó tồn tại", David Catling, nhà thiên văn học tại Đại học Washington nhận xét.
"Việc tồn tại sự sống trên các đám mây khắc nghiệt của Kim Tinh là rất khó xảy ra", ông Catling nói thêm.
Theo Zing
Thiết kế tinh vi của robot tìm kiếm sự sống trên Sao Hỏa
Robot mới của NASA có trọng trách mạng mẫu vật của Sao Hỏa về Trái Đất. Để thực hiện được điều này, robot được thiết kế vô cùng tinh vi.