Cái chết của chị Cấn Thị Lâm (25 tuổi, ở xã Phụng Thượng, Phúc Thọ, Hà Nội) do bị “thánh vật” tưởng đã khép lại bức màn huyền bí ma quái, song thực tế không phải vậy. Cả gia đình, họ hàng của chị Lâm vẫn tiếp tục bị “thánh vật”, với những câu chuyện nửa thực, nửa hư, đầy sự rùng rợn. Trong bài viết này, chúng tôi muốn lý giải một góc sự thật đầy chất huyền bí, ma mị, để độc giả hiểu những trò bịp bợm và có nhận thức đúng về vấn đề ngoại cảm, tìm mộ.

TIN BÀI KHÁC

Nổi tiếng nhờ trốn chồng "mây mưa" cảnh nóng
Thân nhân người TQ đề nghị khởi tố chủ DN Dìn Ký

Ăn vạ trên giường ông chủ để đòi lương

Một cô gái Việt ở Malaysia tử vong do ngã từ tầng 13


Kỳ 1: Cả làng sợ… “thánh vật”

Xã Phụng Thượng (Phúc Thọ) một thời nổi tiếng với nghề nuôi gấu và nuôi rắn, đặc biệt là nuôi rắn chúa, loài rắn có tên trong sách đỏ Việt Nam. Độ chục năm về trước, mỗi năm, xã Phụng Thượng lại có vài mạng người bị nọc độc của rắn cướp mất. Nhiều người từng gan dạ vung dao chặt đứt ngón tay của mình khi bị rắn chúa cắn.
Cháu bé này là con chị Lâm. Cháu đã mất mẹ vì bị... "thánh vật"!

Nhưng vài năm nay, hai nghề không được Nhà nước và xã hội hưởng ứng này mai một, nên cái tên Phụng Thượng cũng ít được nhắc đến. Đùng một cái, Phụng Thượng lại gây xôn xao dư luận, với cái chết của một người phụ nữ do ma hành, là chị Cấn Thị Lâm, rồi tiếp đó là câu chuyện “thánh vật” khủng khiếp, gây hoang mang dư luận trong vùng.

Hỏi nhà chị Lâm và bố chị Lâm là ông Hùng, thì ai cũng biết, cũng chỉ được đường, nhưng chẳng ai dám làm người dẫn đường cho tôi cả. Họ rỉ rả vào tai tôi: “Chú có biết chuyện thánh vật ở sông Tô Lịch ngày xưa không? Giờ thánh đang vật nhà ông Hùng đấy. Sợ lắm, hãi lắm. Cả làng không ai dám vào nhà đó đâu, không ai muốn dính vào, sợ thánh vật lắm!”.

Cứ một đồn mười, mười đồn trăm, giờ đây, người dân trong vùng tin rằng, một thế lực siêu nhiên có tên là “Thánh”, đang ra tay sát hại cả nhà ông Hùng, cả họ Cấn trong làng. Nhiều gia đình trong làng đang làm một việc hết sức kỳ quặc, đó là rắc vôi bột trắng cổng nhà, cửa nhà, rồi quét trắng xóa các bức tường để ngăn… ma!

Tôi hỏi một số người dân rằng, ai bày cho cách ngăn ma vào nhà như kiểu… phòng dịch, thì họ đều bảo, do một ông đạo sĩ bày cho. Người dân trong vùng hoang mang tột độ, đi cúng bái khắp nơi, tham khảo thầy bói và họ bày cho đủ kiểu để phòng ma. Có nhà còn cắm cành dâu trước cửa, trước cổng, như thể người H’Mông cắm lá xanh trước nhà ngụ ý không tiếp khách. Họ tin rằng, cành dâu sẽ khiến ma quỷ sợ hãi, không dám mò đến. Chẳng biết vôi bột với cành dâu có ngăn được ma quỷ vào nhà hay không, nhưng họ cứ làm thế, cốt để vững dạ.

Vì chuyện "áp vong", mà cả nhà ông Hùng bị "thánh vật".

Tôi đẩy cánh cổng khép hờ tìm vào nhà ông Cấn Văn Hùng. Tôi gọi mấy tiếng, thì thấy một người đàn ông cao lớn, đen sạm, mang khuôn mặt nhợt nhạt và đôi mắt vô hồn đi từ phòng ngủ ra. Đoán biết tôi là nhà báo, nên ông Hùng nói ngay: “Thú thực với cậu, gia đình tôi mệt mỏi quá rồi. Thực sự là không muốn ầm ĩ nữa. Con tôi chết, bị cả làng đồn do thánh vật. Từ khi báo chí viết về gia đình tôi, thì cả nước đồn mạnh mẽ hơn. Tôi thì không rõ thánh vật hay ma vật, nhưng là ma hay là thánh thì tôi cũng sợ lắm rồi. Lần này, chú có viết báo, thì mong chú kêu một tiếng tới các nhà khoa học giúp tôi, xem họ có giải thích được gì giúp tôi không? Nếu cả nhà tôi cũng tin là thánh vật, rồi cả làng trù úm gia đình tôi bị thánh vật, thì chắc cả họ tôi sẽ lần lượt bị thánh vật nốt”.

Ông Hùng đang thều thào kể lại nỗi khổ của mình, thì bà Lâm quần xắn móng lợn bước vào nhà. Bà vừa ra đồng hái rau về nấu bữa trưa. Thấy ông Hùng tiếp tôi, bà xen vào: “Khổ lắm chú ạ! Không biết gia đình chúng tôi làm việc gì sai trái, mà thánh thần quở phạt nặng nề như thế. Tôi vừa mất con, lại suýt mất nốt chồng. Ông ấy đang từ người khỏe mạnh, giờ thành ra như thế này đây, sức khỏe giảm sút, tinh thần hoảng loạn, cứ như là người mất hồn chú ạ!”.

Ông Hùng có tới 8 anh chị em, trong đó, người anh cả là Cấn Văn Lương, sinh năm 1951, đã anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Mẹ ông Hùng, bà Đỗ Thị Ngọc, năm nay đã 86 tuổi, sắp về trời. Bà thường thổ lộ mong ước với các con, là muốn tìm được mộ người con cả. Thương mẹ, cũng xót người anh mấy mươi năm vùi xác ngoài chiến trường, nên tận đáy lòng ông Hùng vẫn khao khát tìm hài cốt anh đưa về nghĩa trang liệt sĩ.

Nhưng việc tìm kiếm hài cốt anh trai chẳng khác nào mò kim đáy bể, khi mà thông tin duy nhất chỉ là hy sinh ở chiến trường Quảng Trị vào năm 1972.

Thời gian gần đây, cứ một vài tháng, lại thấy một gia đình tổ chức đón rước hài cốt liệt sĩ từ trong Nam ra rất long trọng. Chính quyền xã đứng ra làm lễ truy điệu xúc động, khiến ông Hùng như ngồi trên đống lửa. Ông đi dò hỏi các gia đình tìm được mộ, thì nghe họ kể về cái gọi là “áp vong”.

Ông Hùng cũng đã tìm hiểu phương pháp tìm mộ bằng ngoại cảm, tức là nhờ các nhà ngoại cảm chỉ dẫn, nhưng ông là nông dân, quen biết không rộng, nên chẳng biết phải tìm nhà ngoại cảm nào. Nghe người dân kể về phương pháp “áp vong”, với những lời khẳng định chính xác 100%, thì ông mừng lắm. Nhà ngoại cảm không “gọi vong” về nói chuyện, mà mời linh hồn người đã mất nhập vào người nhà mình, rồi chỉ đường tìm mộ, thì làm sao mà không tìm thấy, làm sao mà sai được. Chả nhẽ, linh hồn người thân lại chỉ chỗ để đào mả người khác? Chuyện “áp vong” tìm mộ, khiến ai ai cũng tin tuyệt đối, vì tự mình tìm mộ nhà mình, chứ có phải ai tìm hộ đâu mà bảo lừa đảo.

Qua tìm hiểu, thấy người dân trong xã, trong vùng đi “thỉnh hồn”, “áp vong” ở nhiều nơi, nhưng có đến 90% tìm xuống nhà “cậu Hồng” ở Hà Nam. Gọi là cậu Hồng, nhưng thực chất, đây là một người đàn bà, một cô đồng, tự xưng danh có khả năng đặc biệt, có thể “áp vong”, điều vong về nhập vào người nhà để người nhà hỏi chuyện, tra khảo thông tin.

Tin tưởng vào thành công trong việc tìm mộ của các gia đình quanh vùng, ông Hùng báo cáo với mẹ, thắp hương khấn vái tổ tiên, rồi tổ chức gia đình xuống Hà Nam để được “áp vong”, thỉnh hồn người anh liệt sĩ.

Thế là, công cuộc tìm mộ của đại gia đình ông Hùng bắt đầu và cũng là bắt đầu một chuỗi thảm kịch bị hành hạ, khiến gia đình ông điên đảo, khiến cả xã Phụng Thượng sợ hãi, kinh hoàng đến tận hôm nay.

(Theo Giáo dục Việt Nam)