Góc cầu thang tầng 2, tầng 3 – Trung tâm tim mạch bệnh viện E, có một bức tường rất đặc biệt. Bức tường nằm phía ngoài phòng mổ và khoa Hồi sức tích cực. Dù đã loang lổ, bong tróc nhưng trên đó chi chít những dòng chữ chất chứa tâm sự xúc động của người nhà bệnh nhân.
“Vậy là đã 4 lần mẹ phải ở đây để chờ con rồi Linh Chi ơi”, “Nghĩa à cố lên con trai nhé, bố mẹ luôn mong con khỏe mạnh để gia đình mình được đoàn tụ. Bố mẹ đặt hết hy vọng ở con đấy. Giá như bố mẹ có thể gánh được thay con”.
“Mỡ ơi, cố gắng lên con nhé. Bố mẹ luôn ở đây đợ con, mong con nhanh khỏe để ra với bố mẹ. Trong đó có 1 mình, có đau đớn thì cũng cố gắng lên con gái bé bỏng của mẹ. Mẹ biết là con rất mạnh mẽ mà phải không? Bố mẹ yêu con thật nhiều. Mong con mau khỏe”…
Những nét chữ lộn xộn, nguệch ngoạc được những người bố, người mẹ ghi lên tường, trong lúc chờ đợi con mình “chiến đấu” giành giật sự sống trong phòng phẫu thuật.
Phía sau những dòng chữ là những câu chuyện, mảnh đời khác nhau. Họ đều là những người thân có con cái hoặc người nhà mắc bệnh tim bẩm sinh. Có người đang nằm viện chờ đến ngày phẫu thuật, người đang chiến đấu sinh tử trong phòng mổ, cũng có người đang trong giai đoạn hồi sức tích cực.
Ngồi lặng lẽ bên góc cầu thang, anh Tao Văn Đa (29 tuổi, dân tộc Lự, Sìn Hồ, Lai Châu) sốt ruột hướng mắt về phía cửa phòng Hồi sức cấp cứu.
Con trai anh, bé Tao Văn Tân (4 tháng tuổi) mắc bệnh tim bẩm sinh, vừa phẫu thuật thành công được hơn 1 tuần, hiện đang được các bác sỹ chăm sóc tích cực tại phòng Hồi sức. Anh bảo, lo cho con, hai vợ chồng không dám ra ngoài thuê nhà mà tá túc ngay tại góc chân cầu thang này suốt gần 1 tháng qua.
“Con trai còn rất nhỏ, chưa cai sữa mẹ nên mình rất lo và thương, không dám rời đi. Từ lúc con xuống khám, đến khi phẫu thuật thành công, hai vợ chồng ăn ngủ luôn ở đây cũng là để tiện việc vắt sữa gửi vào cho con”, anh Đa nói.
Quanh khu cầu thang tầng 2, những gia đình như anh Đa không hiếm. Dù bệnh viện đã bố trí khu vực nhà chờ tại tầng 1 cho người nhà bệnh nhân nhưng nhiều gia đình vẫn không nỡ rời đi.
Họ khắc khoải ngồi chờ ở hành lang, sốt ruột hướng ánh mắt vào phòng bệnh như một cách để tiếp thêm sức mạnh cho người thân của mình. Đêm đến, họ chợp mắt ngủ tạm trên nền đất.
Tại khu vực cầu thang tầng 3, hai vợ chồng chị Lương Hồng Nhung (sinh năm 1997, dân tộc Thái, Sơn La) đứng ngồi không yên, lo lắng cho người con trai 2 tháng tuổi của mình.
Người mẹ có khuôn mặt khắc khổ, buồn bã cho hay, từ hôm xuống Hà Nội chữa bệnh cho con, hai vợ chồng chưa được ngủ một giấc trọn vẹn. Cứ nhắm mắt lại, hình ảnh con trai đỏ hỏn, khát sữa mẹ, phải kiên cường chiến đấu với bệnh tật khiến tim chị đau nhói, ám ảnh.
“Phẫu thuật tim không khác gì cuộc chiến sinh tử nên người bố, người mẹ nào cũng lo, cũng sợ. Ngày con vào phòng mổ, hai vợ chồng không nuốt nổi miếng cơm, không dám đi đâu, cứ đứng ở góc cầu thang, chắp tay cầu nguyện, chờ tin của bác sỹ. Rất may là con đã qua cơn nguy kịch, ca phẫu thuật cũng thành công”, chị Nhung nói.
Theo chị Nhung, những dòng chữ trên bức tường đều là tâm tư nhói lòng của những gia đình có người thân đang trong phòng mổ.
Những ca mổ tim ngày càng nhiều lên, khu vực quanh bức tường tầng 2, tầng 3 cũng chi chít những dòng chữ tâm sự nhói lòng.
“Phải rơi vào hoàn cảnh này mới thấu hiểu nỗi lòng của những người bố, người mẹ những gia đình có người thân phải giành giật sự sống trên bàn mổ. Mỗi giây ở ngoài phòng chờ như dài hàng thế kỷ, vừa mong cánh cửa phòng bật mở, vừa lo sợ nơm nớp điều xấu nhất có thể xảy ra. Viết tâm sự lên tường cũng như cách để mọi người giải tỏa sự đè nén đáng sợ đó”, chị Nhung tâm sự.
Chia sẻ với PV Dân trí, Ts.Bs Đỗ Anh Tiến (Khoa phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực, bệnh viện E) cho biết, bệnh viện có phòng lưu trú cho người nhà bệnh nhân tuy nhiên nhiều gia đình không yên tâm ở đó mà chọn ngồi ngay khu vực cầu thang, bên ngoài phòng phẫu thuật và hồi sức của trung tâm.
“Những bệnh nhân mắc bệnh tim thường phải nằm điều trị trong thời gian dài, có khi là vài tuần có khi cả tháng. Các ca phẫu thuật can thiệp cũng kéo dài, và đặc thù là thường không xác định thời gian kết thúc. Bởi vậy, người nhà bệnh nhân thường rất sốt ruột, lo lắng trong thời gian chờ đợi”, bác sỹ Tiến nói.
Theo bác sỹ Tiến, tại trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E, mỗi ngày thực hiện khoảng 8-9 ca mổ tim cho trẻ em và người lớn.Ca mổ hoàn thành, bệnh nhân sẽ được chuyển từ tầng 3 - phòng Mổ xuống tầng 2 - phòng Hồi sức tích cực. Đây đều là phòng cách ly và có các bác sỹ thực hiện việc chăm sóc toàn diện, người nhà bệnh nhân không được vào để tránh trường hợp bệnh nhân nhiễm trùng sau mổ.
Cũng theo bác sỹ Tiến, việc người nhà bệnh nhân viết lên tường đã có từ lâu. Ban đầu chỉ đơn thuần là ghi số điện thoại phòng trường hợp bất trắc, có việc cần thì các gia đình khác sẽ gọi điện thông báo. Về sau, nhiều bố mẹ, người thân có con trong phòng phẫu thuật, lo lắng, bất an bắt đầu ghi những dòng tâm sự của mình như một cách giải tỏa nỗi lòng.
“Chúng tôi rất hiểu nỗi lòng của gia đình người bệnh, tuy nhiên phía bệnh viện cũng đã nhiều lần tuyên truyền, nhắc nhở người nhà bệnh nhân không được phép viết lên tường. Bởi nó khiến không gian trong bệnh viện trở nên xấu xí, mất vệ sinh. Thời gian tới chúng tôi dự định, sẽ tạo một quyển sổ để giúp mọi người ghi những lời tâm sự, cầu nguyện của mình, cũng là cách để họ có thể giải tỏa nỗi lòng của mình”, bác sỹ Tiến nói.
Cuối giờ chiều, nhiều gia đình có con đang điều trị tại Trung tâm tim mạch bệnh viện E vẫn khắc khoải, ngồi đợi chờ phía bên ngoài góc cầu thang tầng 2, 3.
Mỗi lần có thông tin của bác sỹ thông báo về tình hình hình bệnh nhân, ánh mắt của những người bố, người mẹ lại ánh lên hi vọng, lấp lánh niềm vui. Với những gia đình ở đây, khoảng không gian chật hẹp, không đèn, không điện góc cầu thang không chỉ là nơi tá túc, nghỉ ngơi mà còn là nơi để họ tiếp thêm sức mạnh, cầu nguyện cho người thân đang giành giật sự sống trong phòng phẫu thuật.
Vác đá lạnh xuyên đêm, anh công nhân phấn khởi nhận 400 ngàn đồng
Công việc bán trái cây cả ngày rong ruổi ngoài đường, lại thường xuyên thua lỗ, anh Thanh (Cà Mau) nghỉ việc đi vác đá kiếm 400 ngàn đồng/ngày.
Theo Dân Trí