Trước thông tin báo chí rằng Moscow và Havana đã nhất trí mở lại một căn cứ tình báo thời Chiến tranh Lạnh ở Lourdes, Cuba, Tổng thống Putin đã lên tiếng phủ nhận.

TIN BÀI KHÁC:

Hai bên đã ký kết một thỏa thuận về việc này trong chuyến công du của ông Putin tới Cuba tuần trước, theo báo Kommersant. Thông tin sau đó đã được một nguồn tin an ninh Nga xác nhận với hãng tin Reuters: "Một thỏa thuận khung đã được nhất trí".

Tuy nhiên, sau đó, khi phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Brazil, ông Putin khẳng định có thể "đảm bảo nhu cầu phòng thủ của mình mà không cần tới bộ phận này".

{keywords}
Các chảo vệ tinh tại căn cứ Lourdes. (Ảnh: EPA)

Căn cứ Lourdes được thành lập năm 1964 sau khi cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba suýt đẩy Mỹ và Liên Xô vào thế đối đầu vì Moscow muốn lắp đặt các vũ khí hạt nhân trên đất Cuba. Havana đã đóng cửa cơ sở này năm 2001 vì các vấn đề tài chính và vì sức ép từ Mỹ.

Nằm ở phía đông thủ đô Havana và chỉ cách bờ biển Mỹ 150 dặm (240km), căn cứ này từng khiến nhiều khu vực của Mỹ dễ tổn thương trước các hệ thống chặn thông tin của Liên Xô, trong đó có những trao đổi giữa các trung tâm không gian Florida và các tàu vũ trụ Mỹ.

Báo Business Insider hôm 21/7 đã đăng tải nội dung một báo cáo năm 2000 của Quốc hội Mỹ về cơ sở này: 

- Bộ trưởng Quốc phòng chính thức bày tỏ lo ngại trước Quốc hội về tổ hợp do thám tại Lourdes, Cuba và việc sử dụng cơ sở này như một căn cứ tình báo trực tiếp nhằm vào Mỹ. 

- Bộ trưởng Quốc phòng, nhắc đến một đánh giá của Cục Tình báo Quốc phòng năm 1998, nói rằng Liên bang Nga thuê căn cứ Lourdes với giá khoảng 100-300 triệu USD/năm.

- Cơ sở Lourdes được cho là tổ hợp lớn nhất thuộc dạng này do Nga và cơ quan tình báo nước này vận hành bên ngoài khu vực Liên Xô cũ.

- Được biết, cơ sở Lourdes bao trùm một diện tích 28 dặm vuông, với 1.500 kỹ sư, kỹ thuật viên và quân nhân Nga làm việc tại đó.

- Các chuyên gia biết về cơ sở Lourdes xác nhận căn cứ có rất nhiều nhóm theo dõi liên lạc và có hệ thống vệ tinh riêng, với một số nhóm chuyên chặn các cuộc điện thoại, fax và liên lạc máy tính  nói chung còn một số khác nhắm đến các thiết bị và điện thoại mục tiêu.

- Các nguồn báo chí đưa tin, cơ sở Lourdes đã thu thập những thông tin nhạy cảm về các hoạt động quân sự của Mỹ trong chiến dịch Bão táp Sa mạc. 

{keywords}
Cơ sở tình báo Lourdes bị đóng cửa năm 2001. (Ảnh: AP)

-  Các nghiên cứu học thuật dẫn lời các nguồn tin Mỹ xác nhận, cơ sở Lourdes được sử dụng để thu thập thông tin về người dân Mỹ trong các lĩnh vực cả công lẫn tư, đồng thời cung cấp các phương tiện tham gia vào cuộc chiến trên mạng chống lại Mỹ. 

- Tầm quan trọng của cơ sở Lourdes tăng nhanh sau khi Tổng thống Nga Boris Yeltsin ban hành một sắc lệnh năm 1996 yêu cầu cộng đồng tình báo Nga tăng cường thu thập các bí mật thương mại - kinh tế của Mỹ và phương Tây. 

- Có tin cho biết, ước tính chính phủ Liên bang Nga đã chi hơn 3 tỷ USD cho việc hoạt động và hiện đại hóa cơ sở Lourdes.

- Các cựu quan chức chính phủ Mỹ được dẫn lời xác nhận thông tin Liên bang Nga đã mở rộng và nâng cấp căn cứ Lourdes. 

- Tin cho biết, vào tháng 12/1999, một đoàn đại biểu quân sự cấp cao của Nga do Phó Tổng tham mưu trưởng Valentin Korabelnikov dẫn đầu đã tới Cuba để bàn về hoạt động tiếp tục của Nga ở Lourdes. 

Reuters đưa tin, Ivan Konovalov, giám đốc Trung tâm Các nghiên cứu Xu hướng Chiến lược có trụ sở ở Moscow, đánh giá căn cứ Lourdes từng được sử dụng để thu thập ít nhất 50% thông tin tình báo mà Liên Xô chặn được qua radio từ Mỹ. 

Giới chuyên gia cho rằng, nếu Nga mở lại căn cứ này thì năng lực thu thập thông tin tình báo của nước này sẽ được nâng cap "đáng kể" trong bối cảnh mối quan hệ giữa Moscow và Washington vẫn căng thẳng.

Thanh Hảo