Việc ông Putin có thể trở lại ghế tổng thống Nga năm tới sẽ làm phức tạp hóa các nỗ lực của chính quyền Obama đối với các thỏa thuận kiểm soát vũ khí và thương mại, và càng làm gia tăng sự hoài nghi trong các nhà hoạch định chính sách và nghị sĩ Mỹ về hướng đi cũng như những mục tiêu của Nga.

Sau khi hai nước đạt được thỏa thuận cắt giảm vũ khí hạt nhân năm ngoái, các cuộc thương thuyết đã bị đình trệ về những bước đi tiếp theo trong việc cắt giảm đầu đạn hạt nhân chiến thuật của Moscow cũng như việc thuyết phục Nga không phản đối hệ thống phòng thủ tên lửa mới của các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Đây là những lĩnh vực mà ông Putin nhiều lúc công khai bày tỏ sự hoài nghi.

Ảnh Wordpress

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có được mối quan hệ làm việc gần gũi hơn với người đồng nhiệm Nga Dmitry Medvedev - người mà cuối tuần vừa tuyên bố sẽ bước sang bên để mở đường cho sự trở lại điện Kremlin của ông Putin. Các quan chức tại Washington đã từng hy vọng ông Medvedev sẽ trở thành một đối trọng với những gì mà họ mô tả trong hàng loạt bức điện tín ngoại giao mật mà Wikileak công bố là một "nhà nước mafia". Và những chú ý của Washington đổ dồn vào Medvedev nhằm khiến người dân cảm giác rõ về vai trò thủ tướng của ông Putin đã "đổ xuống sông xuống biển".

Ông Putin đã tuyên bố tranh cử tổng thống tại đại hội đảng Nước Nga thống nhất hôm thứ bảy. Ông hầu như sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 3 tới.

Nhà Trắng đã cố gắng làm giảm đi ảnh hưởng của việc ông Putin trở lại ghế tổng thống và với những gì mà chính quyền Obama đã cố "thiết lập lại" trong quan hệ với Moscow. "Việc thiết lập lại quan hệ luôn luôn vì các lợi ích quốc gia chứ không phải cá nhân con người", Tommy Vietor, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng nói.

Còn một quan chức cấp cao của Washington thì nhấn mạnh: "Chúng ta cần tỉnh táo ở đây. Đó không phải là một thay đổi trong hệ thống chính trị vì chúng ta luôn biết rõ hệ thống chính trị là gì".

Tuyên bố ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ tới của ông Putin không quá gây bất ngờ, nhưng vẫn có dấu hiệu cho thấy, sự chuyển giao quyền lực có thể không diễn ra êm đẹp như ông Putin dự đoán. Mới đây nhất, Bộ trưởng Tài chính lâu năm của Nga đã tuyên bố, ông sẽ không phục vụ trong chính phủ sắp tới. Bộ trưởng Tài chính Alexei Kudrin đã giành được sự tín nhiệm cao của giới đầu tư bằng việc điều hành con số thặng dư ngân sách trong những năm bùng nổ phát triển trong hai nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Putin. Các nhà quản lý đầu tư cho rằng, họ chưa chắc liệu ông Putin có thể tiếp tục một cách hiệu quả chương trình hiện đại hóa kinh tế của ông Medvedev hay không.

Tranh cãi lá chắn tên lửa

Tổng thống Medvedev rõ ràng được đánh giá cao tại Mỹ khi Mosow thực hiện cuộc "hòa giải" với thế giới bên ngoài thay vì phong cách đối đầu của Putin. Các nghị sĩ Mỹ đặc biệt thường hồ nghi Putin và có thể làm phức tạp những nỗ lực của chính quyền Obama khi theo đuổi các thỏa thuận kiểm soát vũ khí và thương mại với Nga.

Nhà Trắng đang cố gắp giúp Nga vào Tổ chức Thương mại Thế giới và thuyết phục Quốc hội bãi bỏ luật sửa đổi Jackson-Vanik.

David Kramer, đứng đầu tổ chức Freedom House phi lợi nhuận tại Mỹ cho rằng, quan điểm của Quốc hội nước này có thể thay đổi với sự trở lại của ông Putin. "Putin không được hoan nghênh cao trong Quốc hội Mỹ", ông Kramer nói. "Nó sẽ không giúp cho Jackson-Vanik", thậm chí còn nhấn mạnh, những tin tức mới thể hiện "bước lùi lớn" cho quan hệ song phương.

Trong khi ông Medvedev ủng hộ tư cách thành viên WTO với Nga, thì ông Putin lại hoài nghi nhiều hơn về giá trị gia nhập tổ chức này. Ông Putin thiên về xây dựng một khối thương mại giữa các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Các quan chức chính quyền đã nhận thức về việc Putin có thể trở lại ghế tổng thống, đã tỏ ra rất thận trọng khi nói không muốn có sự "thiên vị giữa hai nhà lãnh đạo".

Vì các lý do ngoại giao, ông Obama đã dành nhiều thời gian với ông Medvedev hơn vì cả hai đều là nguyên thủ quốc gia. Họ gặp nhau tại các cuộc họp đa phương có sự tham dự của ông Medvedev nhiều hơn là ông Putin. Nhưng khi ông Obama thăm Nga năm 2009, Tổng thống Mỹ đã gặp gỡ cả hai nhà lãnh đạo, và khi Phó tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Nga đầu năm nay, ông cũng có các cuộc tiếp xúc riêng với từng người.

Ông Obama đã lập luận với Quốc hội Mỹ rằng, việc tái lập quan hệ với Nga là vì lợi ích Mỹ. Trong một số dấu hiệu thể hiện sự "tan băng", Nga đã thuyết phục Iran từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, và gần đây cho phép Mỹ chở vật tư quân sự qua Nga tới Afghanistan. Thượng viện hồi tháng 12 đã phê chuẩn hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân với Nga nhưng các cuộc hội đàm xa hơn về việc cắt giảm đã bị đình trệ.

Có lẽ chủ đề nhạy cảm nhất giữa hai nước vẫn là việc Mỹ ủng hộ hệ thống phòng thủ tên lửa nhằm giúp các đồng minh NATO chống lại nguy cơ tấn công tên lửa đạn đạo từ Iran. Nga tuyên bố, họ tin rằng hệ thống này cũng có thể nhằm vào chính khả năng ngăn chặn hạt nhân của mình.

Ông Putin có sự hoài nghi về vấn đề này hơn là ông Medvedev, và Dmitry Peskov - người phát ngôn của thủ tướng Nga chỉ ra rằng, cuộc tranh luận về hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ là phép thử với việc chính quyền Mỹ nghiêm túc thế nào trong nỗ lực tái lập quan hệ song phương. "Chúng tôi cần minh chứng bằng những bước đi cụ thể, chứ không chỉ ở lời nói", ông Peskov nói hôm Chủ nhật.

Cả quan chức Mỹ và Nga đều thừa nhận ít đạt được tiến triển trong vấn đề này. Nga đề xuất phối hợp giữa các hệ thống phòng thủ tên lửa với NATO, tạo ra cơ chế cùng chỉ huy và kiểm soát. Nhưng Mỹ lại bác bỏ ý tưởng, với lập luận thay thế vào đó bằng sự "phối hợp" nhưng là các hệ thống riêng rẽ.

Thái An (theo WSJ)