Giá xăng dầu đang thực sự vô lý với hàng chục triệu người dân và gần 500.000 doanh nghiệp khi Liên Bộ Tài chính- Công Thương vẫn đang điều hành theo công thức "ảo", neo giá cao hơn nhiều với mức giá "thực".
Lời hứa muộn
Sau bài phân tích "Lỗ hổng thuế, DN xăng dầu đút túi ngàn tỷ" của Vietnamnet hôm 10/3 và nhiều bài phản ánh của báo chí về chênh lệch thuế trong tính giá xăng dầu, liên tiếp 2 ngày vừa qua (15-16/3), Bộ Công Thương và Bộ Tài chính lần lượt phát đi thông cáo khẳng định đang nghiên cứu lỗ hổng này.
Lỗ hổng đó là, giá cơ sở, nôm na hiểu tương tự như giá thành xăng dầu được hai Bộ tính toán trên mặt bằng thuế MFN cao hơn từ 10-13% so với mức thuế nhập khẩu thực sự mà các DN đang hưởng khi phần lớn nhập hàng từ ASEAN và Hàn Quốc theo các cam kết hội nhập.
Chênh lệch thuế xăng dầu tại Việt Nam tồn tại từ 1/1/2015 |
Điều này đẩy giá bán lẻ xăng dầu cao hơn so với giá "thực" từ 400 - 600 đồng/lít. Doanh nghiệp đầu mối nghiễm nhiên được hưởng toàn bộ khoản chênh lên tới 200-300 tỷ đồng/tháng.
Trong thông cáo hôm 15/3, Bộ Công Thương nhấn mạnh "đã và đang tiếp tục đề nghị và phối hợp với Bộ Tài chính sớm có giải pháp tài chính tổng thể xử lý hài hòa việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu”.
Một ngày sau, Bộ Tài chính hứa cụ thể hơn: "đang nghiên cứu để điều tiết, khắc phục chênh lệch thuế trong giá cơ sở xăng dầu và sẽ hướng dẫn cụ thể trong thời gian tới".
Tuy nhiên, trước đó chỉ ít ngày, có một sự lúng túng và đùn đẩy trách nhiệm giữa hai Bộ này khi PV Vietnamnet đề nghị trả lời về "lỗ hổng" trên.
Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Đỗ Thắng Hải quả quyết: "Thuế là việc của Bộ Tài chính" và "không phải doanh nghiệp nào cũng nhập được nguồn hàng từ thị trường ưu đãi thuế thấp". Trong khi đó, kể từ tháng 6/2014, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ chủ trì Tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu là Bộ Công Thương chứ không phải Bộ Tài chính như trước.
Về phía Bộ Tài chính, Cục trưởng Cục Quản lý giá, ông Nguyễn Anh Tuấn nói: "Trước mắt, giá cơ sở xăng dầu vẫn tính thuế MFN. Nhưng việc áp thuế nào trong giá này là do Vụ Chính sách thuế của Bộ làm, hiện đang xin ý kiến".
Trao đổi với PV Vietnamnet ít phút sau đó, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế lại cho hay: "Vụ không làm gì về giá xăng dầu hay cam kết hội nhập. Việc này có lẽ phải thuộc chức năng của Vụ Hợp tác quốc tế".
Với một sự phản hồi lòng vòng như vậy, một vấn đề đặt ra là, liệu hai bộ có thực sự rốt ráo giải quyết câu chuyện chênh lệch thuế trên nếu như không có sự vào cuộc mổ xẻ của báo chí suốt tuần qua? Trong khi đó, sự vô lý của giá xăng dầu này đã kéo dài 14 tháng. Và đã hàng ngàn tỷ đồng vào túi DN xăng dầu qua lỗ hổng này.
Nhà nước tính thuế xăng 20%, DN chỉ nhập thuế 10%, Nhà nước tính dầu thuế 10%, DN nhập thuế 0%. Rõ ràng, giá cơ sở xăng dầu, công cụ điều hành của Liên Bộ đã xa rời thực tiễn, khoản tiền lên tới hàng trăm tỷ mà bỗng dưng người tiêu dùng Việt Nam phải gánh thêm làm lãi cho DN lại là khoản tiền thật!
Uẩn khúc thuế xăng dầu
Trong khi các cục vụ chức năng trực tiếp điều hành giá xăng dầu tỏ ra như "lổ hổng này" là vấn đề mới phát sinh thì thực tế đã có những động thái cho thấy, lổ hổng khiến DN đầu mối đút túi ngàn tỷ đã được lãnh đạo Bộ Tài chính nhận diện từ rất sớm.
Doanh nghiệp đầu mối phát sinh nguồn lợi lớn nhờ chênh lệch thuế xăng dầu |
Cụ thể, ngày 1/10/2015, Tổng Cục Thuế đã ban hành văn bản gửi tới 12 Cục thuế địa phương gồm Hà Nội, Hải Phòng, Tp HCM, Bình Dương, Bình Thuận, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hậu Giang, Phú Thọ, Quảng Bình và Thái Bình lưu ý việc quản lý thuế các DN đầu mối xăng dầu.
Tổng Cục Thuế cho biết, ngay từ đầu năm 2015, thuế nhập khẩu xăng dầu đã thực hiện theo 2 mức thuế suất gồm thuế MFN áp dụng cho các mặt hàng xăng dầu ngoài ASEAN và thuế ATIGA trong ASEAN. Cơ quan này đã nhấn mạnh rõ tình trạng DN đầu mối khi nhập khẩu từ ASEAN được hưởng thuế ATIGA nhưng Nhà nước lại điều hành giá bán lẻ theo thuế MFN cao hơn nên sẽ phát sinh chênh lệch thuế hình thành tại các DN.
Do vậy, Tổng cục này đã yêu cầu các Cục thuế địa phương phải tăng cường giám sát, kiểm tra chặt chẽ chi phí, thu nhập chịu thuế và việc kê khai quyết toán thuế của Dn dầu mối nhằm thu thuế thu nhập DN phát sinh đúng quy định.
Công văn này cũng đã được báo cáo lãnh đạo Bộ Tài chính. Vì sao Bộ Tài chính nắm rõ vấn đề như vậy nhưng lại không sớm có giải pháp điều chỉnh lại thuế xăng dầu cho người dân?
Trên thực tế, sự lấn cấn này lại liên quan đến câu chuyện bù thuế, bù giá cho lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn. Bộ Tài chính- Công Thương đang kẹt từ chính những cam kết của Chính phủ đối với các nhà máy này.
Cụ thể, nếu giảm thuế các mặt hàng dầu dưới 7%, giả sử về ngay mức 0% cho ngang thuế nhập khẩu từ ASEAN hay Hàn Quốc hiện nay, cùng với lợi ích giá bán lẻ giảm, 90 triệu dân Việt Nam được đảm bảo quyền lợi thì Nhà nước sẽ phải bù hàng tỷ USD, ví như với lọc dầu Nghi Sơn là con số ước tính tới 75.000 tỷ đồng.
Với mặt hàng xăng, Nhà nước đã từng có cam kết cơ chế tài chính ưu đãi cho lọc dầu Nghi Sơn từ năm 2017-2022, thuế nhập khẩu sẽ duy trì mức 20%.
Rõ ràng, nếu Bộ Tài chính giảm thuế xăng về 10% cho bằng thuế cam kết với Hàn Quốc thì dân lợi thì có lợi nhưng sẽ vi phạm cam kết với liên doanh nước ngoài đầu tư Nghi Sơn.
Song, nếu không giảm thuế, giá xăng dầu sẽ rất vô lý. Chắc chắn, các bộ sẽ phải tìm được cách giải quyết mâu thuẫn này nhưng hiện nay, mọi hướng giải quyết vẫn còn tù mù. Trước mặt, người tiêu dùng Việt Nam đang chịu thiệt ngược đời bởi chính các cam kết hội nhập và sự ưu đãi những công trình trọng điểm.
Phạm Huyền
Tin liên quan: