Một loạt nước trên thế giới đã dừng nhập khẩu và thu hồi các sản phẩm của Fonterra trong bối cảnh người tiêu dùng đang hoảng loạn vì các sản phẩm sữa của nhà xuất khẩu sữa lớn nhất thế giới này

Bê bối bắt đầu khi ngày 2/8, Tập đoàn sữa Fonterra của New Zealand đưa ra thông báo thừa nhận một loại nguyên liệu được dùng trong nhiều loại sản phẩm dinh dưỡng, bao gồm sữa bột dành cho trẻ sơ sinh do tập đoàn này sản xuất hồi tháng 5/2012 bị phát hiện có nhiễm khuẩn Clostridium Botulinum. Hãng thừa nhận vi khuẩn độc hại này đã được tìm thấy trong ba lô sản phẩm của Fonterra được sử dụng ở sữa bột cho trẻ sơ sinh.

Clostridium Botulinum là loại vi khuẩn có chứa những chất độc cực mạnh và có thể phá hủy hệ thần kinh của con người nếu ăn phải. Đối với trẻ dưới 1 tuổi, chất này có thể gây tê liệt thần kinh. Nó còn có thể gây ra ngộ độc dẫn đến một chứng bại liệt nguy hiểm có thể gây tử vong.

Chính phủ New Zealand vào cuộc

Trước những chỉ trích nhằm vào cách xử lý khủng hoảng của Fonterra, chính phủ New Zealand, hôm 6/8, đã nắm quyền kiểm soát phản ứng của tập đoàn này trước bê bối do lo sợ hình ảnh "xanh, sạch" của đất nước này sẽ bị bôi nhọ. Các nhà chức trách đã được điều tới cơ sở của Fonterra ở New Zealand và Australia để giám sát dòng chảy thông tin.

Là một trong những người chỉ trích Fonterra mạnh nhất, Thủ tướng John Key nói ông không hiểu tại sao hãng sữa này không hành động sớm nhất có thể ngay khi biết nguyên liệu whey protein của họ có vấn đề. Ông Key cam kết sẽ tiến hành một cuộc điều tra mổ xẻ việc Fonterra xử lý khủng hoảng. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này cũng nói, ưu tiên hàng đầu hiện giờ là tìm ra sản phẩm nhiễm khuẩn để đảm bảo nó không đe dọa trẻ nhỏ.

Trong khi đó, Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Stephen Joyce thừa nhận, việc chính phủ đích thân đứng ra chỉ đạo vụ việc của một công ty tư nhân là "bất thường" song cần phải giành lại niềm tin của người tiêu dùng toàn cầu với ngành sữa New Zealand, vốn chiếm 1/4 lượng xuất khẩu của nước này.

{keywords}
Gần 90% lượng sữa bột nhập khẩu trị giá 1,9 tỷ USD vào Trung Quốc là do New Zealand cung cấp trong năm 2012.

Fonterra xin lỗi

Sau thông báo phát hiện sữa nhiễm độc, Fonterra đã kêu gọi các khách hàng của mình khẩn trương kiểm tra chuỗi cung ứng của họ. Hãng cũng tiến hành một đợt thu hồi trên toàn cầu, lên đến 1.000 tấn sản phẩm sữa trên 7 quốc gia, bao gồm Trung Quốc.

Ngày 5/8, Tổng giám đốc Fonterra đã lên tiếng xin lỗi về vụ bê bối song phủ nhận cáo buộc hãng đã ém nhẹm thông tin gây nên lo lắng cho nhiều nước nhập khẩu các sản phẩm sữa của công ty này, từ Trung Quốc, Việt Nam cho tới Ảrập Xêút.

Trung Quốc - nước tiêu thụ sữa công thức cho trẻ sơ sinh lớn nhất thế giới - hiện đã ngưng nhập khẩu các sản phẩm của Fonterra. Gần 90% lượng sữa bột nhập khẩu trị giá 1,9 tỷ USD vào Trung Quốc là do New Zealand cung cấp trong năm 2012. Người tiêu dùng nước này đã chuyển sang mua các loại sữa cho trẻ em từ các nhà sản xuất nước ngoài do lo sợ sữa trong nước bị nhiễm độc.

Sữa cô đặc bị nhiễm khuẩn của Fonterra đã được xuất khẩu sang nhiều nước, trong đó có Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và Ả Rập Xê-út. Sữa này được dùng trong các các sản phẩm gồm có sữa bột cho trẻ em, và các loại nước uống thể thao. Nga đã tạm ngưng nhập khẩu tất cả các sản phẩm sữa từ New Zealand.

Các hãng sữa bị ảnh hưởng tại Việt Nam

Một số hãng sữa tại Việt Nam có nhập khẩu nguyên liệu từ Fonterra đã tự nguyện thu hồi sản phẩm của mình.

Cụ thể, hãng Abbott Nutrition Việt Nam đang tiến hành thu hồi tổng số 12.927 thùng sữa bị nghi nhiễm khuẩn.

Công ty TNHH Danone Việt Nam đã tiến hành việc dừng lưu thông và thu hồi một lô sữa công thức Dumex Gold bước 2 cho trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi loại 800 g với số lô 300513R1 sản xuất ngày 30/5/2013 do Danone Dumex (Malaysia) sản xuất. Số lượng sản phẩm nhập khẩu là 615 thùng (12 hộp/thùng), trong số đó có khoảng 190 hộp đã được bán ra thị trường.

Trong khi đó, Bộ Công nghiệp cơ bản New Zealand cũng đã có thông báo chính thức về các sản phẩm Karicare do Công ty Nutricia - New Zealand sản xuất có sử dụng Whey Protein Concentrate trên có thể bị nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum.

Những sản phẩm đó bao gồm: Karicare Formula số 1 (cho trẻ 0-6 tháng tuổi) với số lô 3169 và 3170; hạn sử dụng 17/6/2016 và 18/6/2016. Karicare Gold+ Follow on Formula số 2 (cho trẻ từ 6-12 tháng tuổi) với số lô D3183; hạn sử dụng 31/12/2014.

Cục An toàn thực phẩm Việt Nam đã có công văn số 1581/ATTP-SP ngày 4/8 yêu cầu Cty TNHH MTV Dinh Dưỡng Châu Úc, đơn vị nhập khẩu sản phẩm Karicare vào Việt Nam, thống kê việc nhập khẩu các sản phẩm Karicare.

Thanh Hảo (Tổng hợp)