Lữ đoàn Stryker là một trong 3 loại Đơn vị chiến đấu cấp lữ đoàn (BCT) lục quân Mỹ, gồm BCT bộ binh (hạng nhẹ), BCT cơ giới hóa (hạng nặng) và BCT hạng trung (Stryker). Đây là những tổ chức cấp chiến thuật cơ bản và là lực lượng chủ yếu tiến hành can dự quân sự trên toàn cầu của lục quân Mỹ.

Lữ đoàn Stryker được tổ chức trên cơ sở hệ thống xe chiến đấu Stryker dưới nhiều hình thức khác nhau. Tổ chức của lữ đoàn gồm: 3 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn trinh sát, 1 tiểu đoàn hỏa lực, 1 tiểu đoàn yểm trợ, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội thông tin liên lạc và tình báo, 1 đại đội sở chỉ huy; tổng số có hơn 300 xe Stryker và 4.500 binh lính. 

Xe chiến đấu bộ binh Stryker. Ảnh: Wikipedia 

Ngoài ra, khi thực hiện các chiến dịch lớn, lữ đoàn có thể được tăng cường các lực lượng vận tải, không quân, phòng không, quân cảnh, bộ binh cơ giới hoặc các thiết bị, hệ thống thông tin hỗ trợ..

Xe chiến đấu Stryker

Stryker là loại xe thiết giáp bánh lốp (8 bánh) thế hệ mới gồm nhiều biến thể trên cùng một loại khung gầm tiêu chuẩn, đảm nhiệm các chức năng khác nhau. Do tập đoàn General Dynamics Land Systems sản xuất và được đưa vào sử dụng lần đầu trong các chiến dịch tại Iraq vào tháng 12/2003, loại xe này có thể không vận bằng máy bay vận tải C-130, C-17, C-5; khả năng sống còn cao nhờ có vỏ giáp được làm bằng các loại vật liệu đặc biệt, chống đạn tốt. 

Có hai loại xe chiến đấu chính là xe chiến đấu bộ binh ICV (Infantry Combat Vehicle) và xe pháo tự hành MGS (Mobile Gun System).

Xe ICV có trọng lượng 19 tấn; dự trữ hành trình không tiếp nhiên liệu 125km; kíp xe 2 người và chở theo 9 lính; vỏ xe được chế tạo bằng vật liệu phức hợp composite-sứ; thân xe chống được đạn 14,5mm, đạn súng máy, mảnh đạn pháo/cối; phần đầu và hai bên thân xe chống được đạn B-41 bắn thẳng. Đặc biệt, phiên bản cải tiến của loại xe này còn được tăng cường một lớp giáp thép bên trong để bảo vệ lính bộ binh chống lại đạn B-41.

Hệ thống vũ khí trên xe gồm: 1 súng máy M2 12,7mm; 1 súng phóng lựu tự động Mk19 40mm; 1 súng máy Mk240 7,62mm; 1 thiết bị phóng lựu khói M6.

Súng máy M2 Browning lắp trên xe Stryker. Ảnh: Wikipedia

Hệ thống thông tin liên lạc và điều khiển của xe gồm: hệ thống bản đồ số cho phép xác định vị trí xe địch/ta trên chiến trường do tập đoàn Raytheon sản xuất; hệ thống thông tin kỹ thuật số trong phạm vi tiểu đoàn, sử dụng hình thức nhắn tin bằng văn bản giữa các xe; hệ thống kính tiềm vọng M17 gồm 3 chiếc và hệ thống kính hỗ trợ lái của Raytheon. Riêng xe chỉ huy được trang bị thêm 1 kính tiềm vọng M45 và 1 màn hình hiển thị.

Tuỳ theo mục đích tác chiến, ICV có thể được sản xuất thành các biến thể khác nhau như: xe trinh sát hoá học/sinh học/hạt nhân; xe cứu thương (MEV); xe chỉ huy (CV); xe trinh sát (RV); xe yểm trợ hoả lực (FSV).

Xe MGS có tính năng tương tự như xe tăng, có thể bắn trong hành tiến. Hệ thống vũ khí trên xe gồm 1 pháo M68A1E4 105mm có cơ số đạn 18 viên; 1 súng máy 12,7mm (cơ số đạn 400 viên); 1 súng máy 7,62mm (cơ số đạn 3.400 viên); các ống phóng lựu khói ở hai bên thân xe và hệ thống nạp đạn tự động. Hệ thống thông tin liên lạc và điều khiển có cấu tạo và tính năng tương tự như xe ICV, riêng xạ thủ được trang bị thêm một kính ngắm hồng ngoại. 

Trang phục, thông tin liên lạc

Binh sĩ lữ đoàn Stryker được cấp trang phục và áo chống đạn xuyên thế hệ 3, gồm 12 loại từ áo lót, áo mưa, áo tuyết đến quần dài đều được thiết kế để chống được rét, mưa gió, băng, tuyết... trong điều kiện nhiệt độ từ -5,1 đến 4,4 độ C. Đặc biệt, trang phục mới không phát ra tiếng động khi di chuyển, do đó đối phương sẽ khó phát hiện. 

Lữ đoàn được trang bị các hệ thống liên lạc vệ tinh và thông tin liên lạc tiên tiến giúp cho việc chỉ huy và kiểm soát hoạt động tác chiến được trôi chảy, thông suốt. Các đơn vị phân tán trên diện rộng không phụ thuộc vào liên lạc tín hiệu trên bộ; dù ở cách xa hàng trăm km, nhưng các chỉ huy vẫn có thể liên lạc với các đơn vị thuộc quyền để đảm bảo và duy trì các hoạt động tác chiến. 

Đặc biệt, hệ thống xác lập bản đồ địa hình kỹ thuật số DTSS (Digital Topographic Support System), là một phần thuộc hệ thống chỉ huy tự động hóa ABKS, có thể thiết lập được các bản đồ địa hình màu kỹ thuật số trên cơ sở những hình ảnh nhận được qua các kênh vệ tinh từ Trung tâm dữ liệu điều khiển trinh sát địa không gian quốc gia thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ.

Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, lữ đoàn Stryker có tầm hoạt động rộng, khả năng cơ động cao nên triển khai nhanh hơn lữ đoàn cơ giới hóa, hoả lực mạnh hơn lữ đoàn bộ binh. Sở hữu các đơn vị binh chủng trực thuộc với khả năng trinh sát, tình báo và hỏa lực pháo binh mạnh nên từ cấp đại đội, nó có khả năng tác chiến tốt ở đô thị và trong môi trường phức tạp, đồng thời có khả năng cơ động đối phó với nhiều lực lượng khác nhau.

Tuy nhiên, hoả lực của lữ đoàn Stryker còn yếu, chỉ ở mức tác chiến chống bộ binh ở ngoài công sự. Vũ khí trên xe không thể bắn chính xác khi xe chạy, hơn nữa trong quá trình huấn luyện lại không có khoa mục bắn trong hành tiến. Ở mẫu xe trinh sát Stryker, trưởng xe không có ụ súng nên phải đứng trên bệ quá cao nên dễ bị tiêu diệt.

Nguyên Phong