Bên cạnh đó, tư tưởng tự lực tự cường của Triều Tiên có nghĩa nước này có thể tự sản xuất hầu hết các phần cứng quân sự.
Triều Tiên khoe vũ khí trong một lần diễu binh năm 2017. (Ảnh: AP) |
Theo The National Interest, nếu chính quyền Tổng thống Donald Trump can thiệp vào Triều Tiên, Nhà Trắng có thể sẽ "ngã ngửa" khi thấy Bình Nhưỡng là đối thủ thực sự đáng gờm.
Ngoài những vũ khí hạt nhân đang có trong tay, Triều Tiên còn có các hệ thống phòng không tân tiến hơn nhiều người tưởng. Bên cạnh đó, chính quyền Kim Jong Un cũng đã có nhiều bước đi để tăng cường khả năng phục hồi trước mọi cuộc tấn công từ trên không mà Mỹ có thể thực hiện trong trường hợp chiến tranh.
Đến nay, CHDCND Triều Tiên vẫn chưa quên những bài học rút ra từ cuộc chiến liên Triều mà về mặt lý thuyết vẫn chưa kết thúc.
"Trong những năm 1950-1953, không và hải quân Mỹ đã san phẳng Triều Tiên, vì vậy Bình Nhưỡng có 65 năm để nghĩ về cách thức đảm bảo điều đó không xảy ra lần nữa, và đào rất nhiều hầm hào chống bom đạn", National Interest dẫn lời Chuẩn đô đốc về hưu Mike McDevitt, một thành viên cấp cao của Trung tâm Phân tích Hải quân.
Ngoài việc gia cố các cơ sở của mình, Bình Nhưỡng còn xây dựng năng lực phòng thủ tân tiến hơn. Đa số hệ thống phòng không là từ thời Liên Xô nhưng Triều Tiên đã trang bị nhiều vũ khí mạnh mà ít người ngờ tới.
"Họ có sự pha trộn của các tên lửa (đất - đối - không) SAM của Liên Xô, trong đó có S-75, S-125, S-200 và Kvadrat, mà ít nhiều vẫn còn tốt", Vasily Kashin, một thành viên cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu toàn diện châu Âu và quốc tế tại trường Cao học Kinh tế Mosow nhận định. "Họ từng tự sản xuất S-75 và những vũ khí đó giờ đã được cải tiến đáng kể. Bên cạnh đó, vào đầu những năm 2010, họ cũng đang triển khai một hệ thống SAM hiện đại mà Hàn Quốc và Mỹ gọi là KN-06".
Hiện chưa rõ có bao nhiêu khẩu SAM-KN-06 mà Bình Nhưỡng chế tạo được, nhưng vũ khí này là một hệ thống uy lực đáng ngạc nhiên, tương tự với các mẫu hệ thống S-300 đời đầu của Nga.
"Không ai biết chính xác có bao nhiêu hệ thống đó đang tồn tại", National Interest dẫn lời ông Kashin bình luận thêm. "KN-06 đã đồng bộ hóa radar và theo dõi thông qua hệ thống dẫn đường tên lửa và có thể tương đương với S-300P đời đầu nhưng có tầm bắn lớn hơn".
Kashin, vốn là một chuyên gia về các vấn đề châu Á, nói rằng các nguồn tin Hàn Quốc mô tả KN-06 đã được thử nghiệm thành công. Vũ khí này được cho là có tầm bắn lên đến 150km.
Một trong những nguyên nhân KN-06 thường bị bỏ qua là do giới phân tích phương Tây thường đánh giá thấp năng lực công nghiệp của Bình Nhưỡng.
"Nhìn chung, thế giới đánh giá rất thấp sức mạnh công nghiệp của Triều Tiên", ông Kashin bình luận. "Từ những gì tôi biết thì họ đã sản xuất một số công cụ máy móc máy tính hóa và các robot công nghiệp, quang học, một số chất bán dẫn, xe tải và xe hơi các loại, đầu máy xe lửa và điện tử gia dụng...".
Trong khi đó, lực lượng không quân của Triều Tiên khá yếu. Vũ khí mà Bình Nhưỡng đang sở hữu có thể dọa được sức mạnh trên không của Mỹ là phi đội gồm một số chiến cơ Mikoyan MiG-29 Fulcrums. "Họ được cho là có khoảng 40 MiG-29, nhưng tôi không chắc bao nhiêu trong số đó có giá trị. Phi công được đào tạo hạn chế và chưa bao giờ bay quá 20 chuyến mỗi năm".
Thanh Hảo
Chiến thuật hành động khó lường của Kim Jong Un
Mệnh lệnh của ông Kim Jong Un dừng hành động quân sự với Hàn Quốc ít ngày sau khi đe dọa này được đưa ra đã khiến dư luận rất bất ngờ.
Giải mã những cảnh báo sắc lạnh của em gái Kim Jong Un
Triều Tiên một lần nữa lại thu hút sự chú ý từ khắp châu Á nói riêng và toàn thế giới nói chung, bởi một loạt những lời cảnh báo và đe dọa nhằm vào Hàn Quốc.